Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Đảng ta đã có những quy định chặt chẽ về công tác cán bộ, nhất là trong quy hoạch, bổ nhiệm. Nhưng trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo vẫn có những người chưa phát huy được năng lực bản thân, trình độ còn yếu kém hoặc suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật. Vì vậy, Đảng đặt ra yêu cầu cán bộ “chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Tuy nhiên, trong thực tế rất ít cán bộ thực hiện yêu cầu này. Điều đó cho thấy cần tiếp tục hoàn thiện các quy định để từ chức trở thành việc thường xuyên và là điều bình thường trong công tác cán bộ.
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII. (Ảnh ĐĂNG KHOA) |
Vừa qua, theo dõi Hội nghị Trung ương 6, dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân rất quan tâm và đánh giá cao việc Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết thống nhất để ba đồng chí Ủy viên Trung ương thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đây là lần đầu Ban Chấp hành Trung ương tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 và Thông báo mới đây nhất của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật (Thông báo kết luận số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022).
Có thể thấy, Trung ương đã kiên quyết quan điểm “kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm”. Cũng tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương do các vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc tập trung dân chủ, về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy.
Nói về những quyết định nêu trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đây là sự việc rất đau xót, nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, để giáo dục, ngăn ngừa, cảnh tỉnh, răn đe các trường hợp khác và vì sự lớn mạnh của Đảng buộc chúng ta phải làm. Và đây cũng là bài học đắt giá mà mỗi đồng chí chúng ta cần phải rút kinh nghiệm thật sự sâu sắc; từ đó càng phải gương mẫu, càng phải nêu gương hơn nữa trong việc tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, phải thực sự là những tấm gương tiêu biểu để cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng noi theo”.
Vấn đề miễn nhiệm, từ chức nhằm thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực hạn chế, không hoàn thành nhiệm vụ, đã được Đảng ta nêu ra từ nhiều nhiệm kỳ. Nhấn mạnh quan điểm này, năm 2009, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 260-QĐ/TW về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, trong đó nêu rõ: “Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Song, trong thực tế, rất ít cán bộ chủ động thực hiện điều này.
Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương, từ năm 2009 đến năm 2019, cả nước có 2.268 trường hợp từ chức, chủ yếu ở các địa phương. Cán bộ xin từ chức phần lớn là để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý hoặc vì lý do sức khỏe và lý do cá nhân khác. |
Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương, từ năm 2009 đến năm 2019, cả nước có 2.268 trường hợp từ chức, chủ yếu ở các địa phương. Cán bộ xin từ chức phần lớn là để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý hoặc vì lý do sức khỏe và lý do cá nhân khác. Có 124 cán bộ xin từ chức do nhận thấy không đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, do sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc của cấp dưới có liên quan trách nhiệm của mình (tỷ lệ 5,46%).
Trong khi đó, theo Ban Nội chính Trung ương, từ năm 2012 đến năm 2022 (tính đến tháng 6/2022), cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật gần 168.000 đảng viên. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý; riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã kỷ luật hơn 50 cán bộ diện Trung ương quản lý. Điều này cho thấy, quy định của Trung ương đã được triển khai nhưng còn rất hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu.
Trước thực tế ấy, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ (thay thế cho Quy định số 260-QĐ/TW), trong đó không còn quy định trường hợp xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý và trường hợp do nhận thấy hạn chế về sức khỏe; đồng thời bổ sung trường hợp xin từ chức do có hơn 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Đây là một bước rất quan trọng nhằm hoàn thiện thể chế công tác cán bộ; nhất là cụ thể hóa các quy định về miễn nhiệm, từ chức, tạo căn cứ pháp lý để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường, góp phần sàng lọc những cán bộ không đủ uy tín, năng lực, phẩm chất.
Quyết tâm hơn nữa, cụ thể hơn nữa, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 về bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Theo đó “khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định”. Như vậy từ chức không chỉ là việc tự nguyện mà đã trở thành trách nhiệm phải thực hiện, bao gồm trách nhiệm của bản thân cán bộ bị kỷ luật và trách nhiệm của cấp có thẩm quyền. Việc bố trí công tác cho cán bộ sau khi từ chức như thế nào cũng đã được nêu rõ tại Hướng dẫn Điểm 3, Thông báo kết luận số 20-TB/TW do Ban Tổ chức Trung ương ban hành.
Như vậy từ chức không chỉ là việc tự nguyện mà đã trở thành trách nhiệm phải thực hiện, bao gồm trách nhiệm của bản thân cán bộ bị kỷ luật và trách nhiệm của cấp có thẩm quyền. Việc bố trí công tác cho cán bộ sau khi từ chức như thế nào cũng đã được nêu rõ tại Hướng dẫn Điểm 3, Thông báo kết luận số 20-TB/TW do Ban Tổ chức Trung ương ban hành. |
Qua việc Trung ương từng bước cụ thể hóa chủ trương, quan điểm, quy định về miễn nhiệm, từ chức, có thể thấy để việc từ chức trở thành điều bình thường, là nếp văn hóa ứng xử của cán bộ thì không thể chỉ khuyến khích tự nguyện mà cần phải có chế tài, tạo sức ép để người cán bộ nhận rõ trách nhiệm, nhường vị trí lãnh đạo cho người khác xứng đáng hơn. Điều đáng nói, cùng với việc đề ra chế tài, Ban Chấp hành Trung ương tiến hành thực hiện ngay Thông báo kết luận số 20-TB/TW tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII chỉ sau một tháng ban hành là sự nêu gương sâu sắc, có ý nghĩa định hướng rất quan trọng đối với tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng.
Tới đây, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Thông báo kết luận số 20-TB/TW gắn với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, các ngành, địa phương trong cả nước sẽ có sự chuyển biến mạnh trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh. Ngày 10-10 vừa qua, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã công bố Quyết định số 634-QĐNS/TW, ngày 27/9/2022 của Ban Bí thư về việc đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình được nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1/10/2022 (đồng chí còn thời gian công tác gần 2 năm).
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 13 (diễn ra từ ngày 28 đến 31/3/2022), Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo, đã quyết định kỷ luật cảnh cáo đồng chí Trần Hồng Quảng do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương...
Với sự quyết tâm, quyết liệt của Trung ương, từ chức, miễn nhiệm đang từng bước trở thành việc bình thường trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, dư luận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đặt vấn đề làm thế nào để thay thế kịp thời những cán bộ không bị kỷ luật, nhưng yếu kém, quan liêu, quản lý, điều hành trì trệ, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế- xã hội, tới đời sống dân sinh.
Trong thực tế không thiếu những cán bộ như thế nhưng vẫn yên vị công tác cho đến khi về hưu. Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra tiêu chí sàng lọc như: Xem xét miễn nhiệm đối với cán bộ có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ. Xem xét cho cán bộ từ chức khi có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định, hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao…
Mặc dù đã có tính định lượng nhưng việc áp dụng những tiêu chí này còn nhiều khó khăn vì đòi hỏi phải thực hiện rất tốt những quy định liên quan như quy định về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, về lấy phiếu tín nhiệm, về thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình… Với tình trạng có lúc, có nơi còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, như hiện nay việc đánh giá cán bộ, thể hiện tín nhiệm đối với cán bộ chưa hoàn toàn bảo đảm khách quan, minh bạch, đúng thực chất. Nhưng bên cạnh đó cũng cho thấy, để đánh giá thế nào là cán bộ năng lực yếu kém, chưa hoàn thành nhiệm vụ rất khó vì chỉ bằng những lời nhận xét, đánh giá thì chưa đủ căn cứ để xem xét việc miễn nhiệm, từ chức.
Vì vậy, trên cơ sở các quy định đã có của Trung ương, các ban, ngành, địa phương, đơn vị cần phải tiếp tục chủ động cụ thể hóa thành những tiêu chí sát với tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị để nâng cao chất lượng, hiệu quả đánh giá, xếp loại cán bộ, làm căn cứ để việc xem xét từ chức, miễn nhiệm trở thành việc làm thường xuyên, hiệu quả. Khi ấy, từ chức sẽ trở thành điều bình thường trong tư duy, nếp nghĩ của mỗi cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp có năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin