Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917: Khát vọng “phục quốc” của những người yêu nước

N.K (b/s) 09:19, 21/01/2023

Hơn 100 năm trước, đêm 30/8/1917, khởi nghĩa Thái Nguyên bùng nổ. Cuộc khởi nghĩa là mốc son của phong trào yêu nước theo đường lối bạo động trong hai thập niên đầu thế kỷ XX, không chỉ vang dội cả nước Việt Nam mà còn làm rung động nước Pháp và ảnh hưởng tới các xứ thuộc địa của Pháp, góp phần “Thức tỉnh Á châu”.

Đội Cấn (tức Trịnh Văn Cấn) và Lương Ngọc Quyến (bên phải), hai thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên. Ảnh: Tư liệu

Đêm 30/8/1917, Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên với lực lượng chủ lực là quân lính người Việt trong quân đội Pháp và các tầng lớp dân chúng đã nổ ra. Ngày 31-8, quân khởi nghĩa làm chủ tỉnh lỵ Thái Nguyên, tuyên bố thành lập Việt Nam Quang Phục hội, suy cử Trịnh Văn Cấn làm Quang Phục quân Đại Đô đốc, Lương Ngọc Quyến làm quân sư.

Lần đầu tiên, lá quân kỳ 5 sao mang dòng chữ “Nam binh phục quốc” đã tung bay trên cổng thành. Nghĩa quân phát đi 2 bản hịch tuyên bố Thái Nguyên độc lập với Quốc hiệu là Đại Hùng Đế quốc. Khởi nghĩa Thái Nguyên diễn ra trong vòng 6 tháng (30/8/1917 đến 11/1/1918), và thất bại, nhưng tên tuổi của hai vị thủ lĩnh Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến với khát vọng phục quốc vẫn in dấu son rạng rỡ trong trang sử hào hùng của dân tộc.

Đội Cấn (1881-1918)

Đội Cấn, tức Trịnh Văn cấn, tên khai sinh là Trịnh Văn Đạt, quê làng Yên Nhiên, tổng Thượng Nhung, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay là xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Chứng kiến cảnh đàn áp, cướp bóc của bọn thực dân, phong kiến, cảnh bần cùng của nông dân trong vùng, Trịnh Văn Đạt nhen nhóm ý định tìm đường giết giặc, cứu nước. Song, chưa tìm được cơ hội thì Trịnh Văn Đạt đã phải thay anh là Trịnh Văn Cấn đi lính tập ở Vĩnh Yên. Kể từ đây, Trịnh Văn Đạt mang tên của người anh Trịnh Văn Cấn.

Năm 1910, Trịnh Văn Cấn (số lính 71) bị điều lên đóng quân ở đồn Chợ Chu, thuộc châu Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, đã mấy lần Đội Cấn dự định chiếm đồn rồi kéo về đánh chiếm tỉnh lỵ Thái Nguyên, nhưng không thực hiện được. Chuyển về đóng ở Trại lính khố xanh Thái Nguyên, Đội Cấn tập hợp xung quanh mình những cai, đội có lòng yêu nước và một số binh lính khố xanh trong trại để mưu đồ khởi nghĩa. 

Do luân phiên phải vào nhà lao Thái Nguyên canh giữ tù phạm, trong đó có những người yêu nước, đặc biệt, được tiếp xúc với nhân vật nối tiếng của Việt Nam Quang Phục hội là Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn đã được Lương Ngọc Quyến giác ngộ, kết nạp vào Việt Nam Quang Phục hội.

Năm 1917, Đội Cấn và các đồng chí của ông ráo riết tập hợp lực lượng, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Đêm 30, rạng sáng 31/8/1917, Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên bùng nổ... Trải qua mấy chục trận đánh trong vòng gần năm tháng trời, lực lượng lớn nhất của nghĩa quân đi cùng thủ lĩnh Đội Cấn bị chết, bị thương, bị bắt gần hết nên khi về vùng núi Pháo thuộc xã Cù Vân, huyện Đại Từ, bên cạnh Đội Cấn chỉ còn lại một số nghĩa quân trung thành. Nhận được tin báo của lý trưởng Cù Vân, quân Pháp tập trung bao vây nghĩa quân ở núi Pháo. Ngày 21/12/1917, trong một trận đánh ác liệt, Đội Cấn bị thương nặng ở chân. Đêm 5/1/1918, Đội Cấn đã anh dũng tuẫn tiết.

Cổng Trại lính khố xanh tỉnh Thái Nguyên, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917. Ảnh: Tư liệu

Lương Ngọc Quyến (1885-1917)

Lương Ngọc Quyến (tên chữ là Lương Lập Nham) là con trai thứ hai của nhà yêu nước và người sáng lập tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục nổi tiếng Lương Văn Can (tức cụ Cử Can), nhưng tính cả chị gái, nên thường được gọi là “Ba Quyến”.

Sớm có tinh thần yêu nước, kế thừa truyền thống của dân tộc và sự nghiệp của gia đình, Lương Ngọc Quyến là một trong số những người đầu tiên tham gia phong trào Đông Du từ năm 1905, sang Nhật học và tốt nghiệp Trường Quân sự Chấn Vũ, về Trung Quốc vào học Trường Quân nhu Quảng Đông, Trường Sĩ quan Bắc Kinh, trở thành nhà quân sự tài năng, Ủy viên Quân vụ của Bộ Chấp hành Việt Nam Quang phục hội, được cử về nước hoạt động ở Nam Kỳ.

Năm 1914, bị chỉ điểm, Lương Ngọc Quyến phải lộn trở lại Trung Quốc và bị mật thám Anh bắt giao cho Pháp, giải về nước năm 1915. Thực dân Pháp biết Ba Quyến là yếu nhân của Việt Nam Quang phục hội, dụ dỗ mua chuộc không được nên đã kết án tù cấm cố chung thân, giam cầm hết vào Đề lao Sơn Tây, Đề lao Phú Thọ, lại đưa về Hỏa Lò, Hà Nội.

Từ ngày 25/7/1916, thực dân Pháp đày Lương Ngọc Quyến lên Nhà lao Thái Nguyên, với dã tâm kết liễu cuộc đời của nhà yêu nước bằng sự đối xử cực kỳ tàn bạo ở nơi địa ngục trần gian này. Nhưng, sau hơn một năm bị đọa đày ở Nhà lao Thái Nguyên, bại liệt nửa người, Lương Ngọc Quyến vẫn tìm mọi cách liên lạc, giác ngộ được những binh sĩ yêu nước, đứng đầu là Đội Cấn ở Trại lính khố xanh và đưa vào kế hoạch tổ chức khởi nghĩa. Sự gặp gỡ giữa Lương Ngọc Quyến - Ủy viên Quân vụ của Việt Nam Quang phục hội và Trịnh Văn Cấn là sự gặp gỡ của hai ý chí lớn dẫn đến Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đêm 30, rạng sáng ngày 31/8/1917...

Sáng 4/9/1917, quân Pháp tấn công vào trung tâm tỉnh lỵ, Lương Ngọc Quyến, trong lúc đang chỉ huy chiến đấu trên trận địa Trại lính khố xanh Thái Nguyên bị một mảnh đạn pháo vào đầu đã hy sinh.

"Chữ Đại là Đại cồ Việt từ nghìn năm trước cho đến lúc ấy. Chữ Hùng là thuộc tính thay vào cái tính của dân tộc, của chủng tộc Việt. Còn đế quốc, đúng nghĩa của nó là một quốc gia có Hoàng đế đứng đầu, đó là sự biểu hiện và ghi dấu lại sự trưởng thành của dân tộc".

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan