Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là quy định mang tính nhân văn cao

Thu Hoài (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh) 18:59, 02/11/2023

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 2-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia tổ thảo luận số 7 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Đắk Nông, Kon Tum, Long An.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên)
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) tham gia thảo luận tại tổ.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng: Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là quy định mang tính nhân văn cao. Tuy nhiên, nội dung này cũng cần được nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đảm bảo các yêu cầu về chính trị và khả năng cân đối của quỹ BHXH. 

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với quy định tại Khoản 2 Điều 98 trong dự thảo Luật về việc người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện về tuổi nghỉ hưu và đủ 15 năm đóng BHXH trở lên. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, phân loại lao động để có quy định phù hợp về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu đối với từng nhóm công việc đặc thù.

Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị sửa đổi Khoản 1 Điều 2 (quy định về đối tượng áp dụng) từ “Người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH” thành “Người lao động; tổ chức, cá nhân sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH” để bao quát đầy đủ các đối tượng sử dụng lao động.

Đối với Chương II của dự thảo Luật, theo đại biểu Lý Văn Huấn, các nội dung tại Chương II đều quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đối chiếu với các quy định của Bộ luật Dân sự để tránh xung đột pháp luật. 

Đối với quy định về vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH, đại biểu Lý Văn Huấn phân tích: Hành vi trốn đóng BHXH đã được giải thích cụ thể tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao và hiện tại, Nghị quyết này vẫn đang còn hiệu lực thi hành. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đối chiếu giữa quy định của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và quy định tại Nghị quyết số 05 để đảm bảo sự tương thích. 

Đối với vấn đề giải quyết tố cáo về BHXH, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để người lao động cũng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động ra tòa khi người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH trong vòng 12 tháng…