Cơm nóng, canh ngọt từ bếp Hoàng Cầm

Thanh Xuân 09:14, 24/04/2024

“…Đôi quang gánh nặng tình yêu đất nước/Hơi bếp Hoàng Cầm sưởi ấm khắp nơi nơi...”, câu hát của nhạc sĩ Huy Du bất chợt vọng về khi chúng tôi đứng bên bếp Hoàng Cầm của cơ quan tham mưu Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng. Từ chiếc bếp đơn sơ này, những bát cơm nóng, canh ngọt đã được đưa đến tận tay chiến sĩ, để các anh có đủ sức khỏe “gan không núng, chí không mòn” chiến đấu với quân thù.

Bếp Hoàng Cầm của cơ quan tham mưu Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng
Bếp Hoàng Cầm của cơ quan tham mưu Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng

Dẫn chúng tôi đi tham quan hết chòi canh, hầm thông tin liên lạc, đài quan sát, lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp…, cô hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến nền nhà ăn của Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính tại nhà ăn này, ngày 8/5/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng chỉ huy các đơn vị, lãnh đạo các cơ quan của Bộ Chỉ huy chiến dịch và các đồng chí cố vấn quân sự cùng nâng cốc chúc mừng quân ta toàn thắng ở Điện Biên. Cách nền nhà ăn không xa là bếp Hoàng Cầm. Dừng chân bên chiếc bếp đã rêu phong cùng năm tháng, bằng giọng thuyết minh truyền cảm, cô hướng dẫn viên đưa du khách vào câu chuyện nuôi quân của 70 năm trước: Bếp do anh nuôi Hoàng Cầm - nguyên là chiến sĩ nuôi quân của Đại đoàn 308 sáng tạo nên. Bếp rất hoàn hảo với mục tiêu giấu lửa, giấu khói theo phương châm: “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Bếp lần đầu tiên được sử dụng trong chiến dịch Hòa Bình 1951-1952, rồi cùng cả dân tộc bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến dịch Điện Biên Phủ tổ chức trong điều kiện địa hình hết sức phức tạp, công tác bảo đảm gặp nhiều khó khăn; hỏa lực, không quân địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần, lại liên tục uy hiếp suốt ngày đêm. Do vậy, việc sử dụng bếp Hoàng Cầm trong chiến đấu đã đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, tránh được sự phát hiện của máy bay địch. Dưới sự bắn phá ác liệt bằng máy bay, đại bác của địch, các bếp Hoàng Cầm ở tuyến trước, tuyến sau của bộ đội, dân công vẫn hoạt động, bảo đảm cơm nóng, canh nóng, nước nóng cho bộ đội, thương binh đầy đủ. Khi trận đánh bước vào giai đoạn cuối, có những đơn vị của ta cách Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch không xa, trong suốt thời gian quân ta phòng ngự đào hào ngay bên sườn địch, nưng địch hoàn toàn không phát hiện ra dù mỗi ngày có hàng chục lượt máy bay trinh sát của chúng bay lượn trên bầu trời Điện Biên Phủ…

Hướng dẫn viên dừng lời nhưng chúng tôi vẫn chưa muốn dời đi. Với chiếc bếp đơn sơ này, anh nuôi nấu ăn cả ngày, cả tối, không sợ máy bay địch phát hiện, bộ đội có cơm nóng, canh ngọt đủ sức khỏe chiến đấu trên mọi mặt trận. Chạm tay vào thành bếp cảm giác hơi ấm còn phảng phất đâu đây. Có đến tận nơi này, chạm tay vào lịch sử, mới thấy cha ông ta gan dạ, thông minh đến nhường nào. Trong khó khăn gian khổ, ông cha ta vẫn vượt lên hoàn cảnh, phát huy sáng kiến để đảm bảo sinh hoạt hằng ngày diễn ra trong bí mật. Và chúng tôi đều hiểu rằng, sáng kiến ấy được hun đúc từ truyền thống cần cù, yêu lao động, từ lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt.

Đi tìm tài liệu về quá trình sáng tạo bếp, tôi mới thấy có nhiều chi tiết đặc biệt. Anh nuôi Hoàng Cầm sinh ra và lớn lên ở làng Cát Nội, xã Trực Đại, tỉnh Nam Định. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tháng 2-1946, Hoàng Cầm tình nguyện nhập ngũ. Anh là chiến sĩ nuôi quân Đội điều trị thương binh của Đại đoàn Quân tiên phong 308 ngay từ những ngày đầu mới thành lập.

Khi đơn vị tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám và chiến dịch Hòa Bình năm 1952, Hoàng Cầm nhận ra bộ đội ta chiến đấu, hy sinh không chỉ ở mặt trận giáp mặt quân thù, mà hy sinh, thương vong ngay cả khi về hậu cứ nghỉ ngơi, sinh hoạt. Nguyên nhân của việc mất mát ấy có một phần do việc nấu ăn. Một buổi sáng dạo bên bờ suối, nhìn làn khói lượn quanh mái bếp, Hoàng Cầm chợt nảy ra sáng kiến làm một kiểu bếp có thể nấu nướng mọi thứ ban ngày mà không sợ máy bay địch phát hiện. Hoàng Cầm đào hàng chục cái bếp khác nhau, với những kiểu bếp khoét sâu vào trong lòng đất có nhiều nhánh dẫn khói giống như hang chuột. Làm xong anh đặt nồi lên từng cái bếp, chất củi đun thử. Kết quả tạm được, nhưng lửa vẫn lộ, khói vẫn phảng phất bay lên. Không nản chí Hoàng Cầm lại đào hàng chục cái bếp khác nữa. Lần này, Hoàng Cầm đào các đường dẫn khói chẽ ra nhiều nhánh và dài gấp đôi. Trên rãnh dẫn khói rải cành cây, rồi đổ đất san phẳng. Phía trước cửa bếp đào một hố sâu, trên lợp nilon hoặc lá vừa để đồ, vừa che ánh lửa và có hầm chứa khói, hút lửa mạnh hơn. Hoàng Cầm đã tạo ra một kiểu bếp như ý, bếp lò khoét vào sườn đồi hoặc đào sâu xuống với những đường rãnh giống như râu mực từ bếp lò bò đi khá xa, trên rãnh được lát bằng cành cây và phủ đất ẩm tạo thành những ống thoát khói. Từ trong lò tuôn ra, khói tỏa vào khắp các rãnh, bốc lên gặp lượt đất ẩm, bị lọc và cản lại, lan ra là là trên mặt đất, thoảng nhẹ nhàng như làn sương buổi sớm. Bếp do Hoàng Cầm sáng tạo rất phù hợp với bộ đội thời chiến.

Chiếc bếp mang tên anh nuôi Hoàng Cầm sau Chiến dịch Điện Biên Phủ đã cùng các chiến sĩ ta bước tiếp vào cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Và chính chiếc bếp giản dị ấy là nguồn cảm hứng để nhà thơ Phạm Tiến Duật viết những câu thơ thấm đẫm nghĩa tình: Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy (Tiểu đội xe không kính). 70 năm đã trôi qua, tác giả bếp Hoàng Cầm không còn nữa, nhưng chiếc bếp huyền thoại ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người lính Điện Biên và nó là minh chứng sống động về sự mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong những hoàn cảnh khó khăn và ác liệt nhất.