Gặp chiến sĩ đặc công đánh trận mở cửa Tây Sài Gòn

Trinh An 14:43, 23/04/2024

Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, linh hoạt biến hình, lấy đêm làm ngày… đó là đặc trưng trong chiến đấu của người cựu chiến sĩ đặc công Nguyễn Văn Yên, trú tại tổ dân phố Trung Kiên, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa). Đêm trước ngày giải phóng Sài Gòn, ông cùng tiểu đội đặc công vẫn mình trần bọc bùn non, ngoi lên trong các khóm dừa nước, đám bèo lục bình lập lờ trôi sông… mở cửa ngõ Sài Gòn, dẫn lối cho quân giải phóng thừa thắng tiến về Dinh Độc Lập.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Yên (người ngồi giữa) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm những năm tháng trên chiến trường đánh giặc.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Yên (người ngồi giữa) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm những năm tháng trên chiến trường đánh giặc.

Ở tuổi ngoài 70, nhưng ông Yên vẫn rắn rỏi, săn chắc như cây nghiến trên dãy núi Nản phía trước cửa nhà. Dáng người cao to, mắt sáng tinh tường, giọng nói sang sảng, nước da bánh mật do được thường xuyên tôi luyện với nắng, gió, nên nhìn bề ngoài ông trẻ, khỏe hơn so với tuổi tác. Hỏi về kỷ niệm chiến trường, ông chỉ cười hiền từ: “Chúng tôi nhận lệnh phá tuyến cố thủ của địch xong trong ngày 30-4 năm ấy, để bộ đội ta tiến vào trung tâm Sài Gòn. Phá xong các hoả lực tại điểm cố thủ, “cánh cửa” phía Tây Sài Gòn được khai thông lúc hơn 9h, chúng tôi lại trở về ẩn nấp trong điều kiện mới để hỗ trợ bộ binh, bảo vệ mục tiêu bí mật cho các đoàn quân tiến về Sài Gòn. 12h ngày 30/4/1975, cả tiểu đội đang trầm mình trong sình lầy ngoài cửa sông Sài Gòn, bỗng thấy rợp trời súng nổ vang dền, lẫn cả pháo sáng, đạn lửa…, người dân qua lại bảo nhau nhanh chân kéo về Dinh Độc Lập mừng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bấy giờ, cả tiểu đội chui từ bùn lên, ôm lấy nhau mừng vui khôn xiết.

Ông trầm tư nhớ lại: Tháng 5-1972, tôi học xong lớp 8 thì có lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ. Ngày đó tôi gầy, thiếu gần 3kg, chưa đủ tuổi… nhưng tôi đã khai lý lịch tăng thêm tuổi và đeo đá vào người cho đủ trọng lượng rồi theo quân ngũ ra tiền tuyến. Thế hệ chúng tôi lớn lên trong thời chiến tranh, nên luôn có khát vọng được tiếp bước cha anh ra tiền tuyến bảo vệ tổ quốc. Lý tưởng cách mạng của thanh niên bấy giờ là được tôi luyện bản lĩnh trên tuyến đầu đánh giặc. Chính vì vậy, khí thế thanh niên sẵn sàng ra trận sôi sục khắp làng quê. Tôi được chọn huấn luyện sĩ quan đặc công và đưa vào chiến trường B2 (Tây Ninh) chiến đấu. Cuộc sống và chiến đấu của bộ đội đặc công luôn đối diện trực tiếp với địch và tác chiến bí mật, bất ngờ. Chính vì vậy, ít ai quen biết nhau, hoặc phải tác chiến độc lập, ẩn mình trong tất cả mọi điều kiện môi trường xung quan để nắm bắt thông tin báo về chỉ huy có phương án chiến đấu phù hợp ….

Sáng 28/4/1975, đơn vị đặc công của ông được lệnh mở lối phía Tây Sài Gòn bằng mọi giá. Mỗi chiến sĩ chỉ mang theo khẩu súng B40, 4 đầu đạn và vài quả lựu đạn, dao nhọn phòng thân. Từ sáng đến tối, tiểu đội vượt sông Cần Giuộc trong điều kiện địch vẫn kiểm soát chặt các ngả đường ngoại ô vào Sài Gòn. Cả tiểu đội, mỗi người một lối vượt sông dưới những làn đạn từ súng đại liên và tiểu liên AR15 ở tuyến cố thủ của địch. Bằng sự mưu trí, dũng cảm và sự hỗ trợ đắc lực của du kích địa phương, đêm 29-4 đội hình đã vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, chờ mệnh lệnh. Nhận lệnh chiến đấu từ chỉ huy, ông Yên cùng đồng đội đồng loạt khai hỏa B40 phá tan tuyến phòng thủ Sở Cảnh sát Ký Thu Ôn đầu cầu Nhị Thiên Đường (quận 8). Ngay sau đó, bộ đội giải phóng từ các ngả tiến vào Sài Gòn nhanh chóng.

Sau ngày 30/4/1975, chiến sĩ đặc công Nguyễn Văn Yên lại khoác áo dân sự làm nhiệm vụ an ninh chính trị khu vực ngay cửa ngõ Sài Gòn (quận 8). Những ngày đầu giải phóng, cùng với không khí nô nức, phấn khởi đất nước được thống nhất, lực lượng an ninh lại bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mới. Ông Yên chia sẻ: Vùng ngoại ô Sài Gòn lúc đó là nơi ẩn nấp của tàn dư những người phục vụ chế độ cũ, cũng như thế lực phản động âm mưu chống phá chính quyền. Lực lượng an ninh phối hợp với chính quyền rà soát, thẩm tra lý lịch từng hộ gia đình tại khu dân cư… nhưng cũng phải đối mặt với một số đối tượng còn theo chế độ cũ. Ngày họ giả là thường dân theo cách mạng, tối lại tuyền truyền phản động, cất giấu tài liệu, vũ khí của chế độ cũ. Là chiến sĩ đặc công ra trận đối mặt với kẻ thù, ý chí chiến đấu kiên cường, cứng rắn như “thép đã tôi” và luôn mưu trí, dũng cảm quyết không lùi bước, nhưng trên mặt trận mới lại không thể hành động như chiến trường. Chính những lúc như vậy, chúng tôi càng thấu hiểu sâu sắc thêm nhiệm vụ làm công tác dân vận. Vừa thực hiện vận động kiên trì, kiên quyết lại vừa thuyết phục nhân dân giác ngộ cách mạng, hợp tác với chính quyền để xây dựng môi trường xã hội ổn định, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, dịch vụ bảo đảm công bằng, dân chủ, văn minh và được nhân dân tin yêu, thấy rõ được tình cảm Bắc, Nam là ruột thịt một nhà. Chỉ trong 20 ngày đầu tháng 5-1975, tôi và các cán bộ địa phương đã tham gia tháo gỡ hơn chục quả mìn cài tại các điểm cất giấu tài liệu phản động, vận động được một số đối tượng làm việc cho chế độ cũ trốn tránh chính quyền cách mạng ra trình báo và thu gom hàng tấn vũ khí, đạn, thuốc nổ và làm “sạch” địa bàn quận 8 không còn các tụ điểm mất an ninh trật tự. Khoảng thời gian làm nhiệm vụ an ninh mặc thường phục lúc đó đã tôi đúc cho chúng tôi thêm nhiều bài học quý báu về công tác dân vận. Đạt được những kết quả đó, chúng tôi đã dựa vào quần chúng nhân dân trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Những giá trị tư tưởng đó đã thành hành trang theo tôi suốt thời gian công tác.

Sau này trở về địa phương, ông Yên tham gia làm Công an thị trấn Chợ Chu, rồi được tín nhiệm làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Chợ Chu… Gần 50 năm trôi qua, ông vẫn luôn giữ trong mình tác phong Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu, liêm khiết, chính trực và nồng hậu, luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân trong khu dân cư, đặc biệt ông rất nhiệt tình trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn.