Xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ, giáo dục, y tế

Hằng Nga 10:48, 07/05/2024

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký quyết định số 369/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thái Nguyên và các tỉnh Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang được quy hoạch tập trung phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chế biến chè.
Thái Nguyên và các tỉnh Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang được quy hoạch tập trung phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chế biến chè.

Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh: Thái Nguyên, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái.

Theo Quy hoạch tổ chức không gian phát triển theo các tiểu vùng, vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang gắn với vùng Thủ đô Hà Nội và các vành đai kinh tế, bao gồm vành đai biên giới gắn với các cửa khẩu. Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn vùng (GRDP) bình quân đạt khoảng 7,5 - 8%/năm. Đến năm 2050, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 15.000-18.000 USD, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Thái Nguyên theo Quy hoạch sẽ trở thành trung tâm luyện kim, cơ khí, điện, điện tử có trình độ cao, trung tâm chuyển đổi số của Vùng. Thái Nguyên và các tỉnh Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang được quy hoạch tập trung phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chế biến chè. Thái Nguyên được quy hoạch trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ, giáo dục, y tế của Tiểu vùng, Vùng.

Về hành lang kinh tế, Thái Nguyên cùng các tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Hà Nội kết nối tiểu vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng Đồng bằng sông Hồng, với thành phố Trùng Khánh và vùng Đông Nam Trung Quốc.

Đặc biệt, trong phương hướng xây dựng đô thị thì TP. Thái Nguyên là một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của Vùng và vùng Thủ đô Hà Nội.

Đối với lĩnh vực giáo dục, Thái Nguyên là khu vực nghiên cứu - đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao cho toàn Vùng. Về y tế, sẽ phát huy vai trò của Thái Nguyên là trung tâm y tế cấp vùng. Đối với lĩnh vực thể thao, tỉnh cũng được chọn để phát triển trở thành trung tâm thể dục - thể thao Vùng.

Để thực hiện các mục tiêu theo Quy hoạch, Chính phủ sẽ tập trung ưu tiên đầu tư vào những dự án mang tính trọng điểm, đột phá, hiệu quả cao và là đòn bẩy, xúc tác cho quá trình phát triển của Vùng; chú trọng những dự án có khả năng thu hút nguồn vốn xã hội hóa. Đồng thời xây dựng cơ chế, thể chế liên kết nội vùng, liên vùng và hợp tác quốc tế đủ mạnh; tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng; thí điểm, xây dựng, triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù…