Chỉ tiêu nghị quyết vẫn còn… xa đích

16:34, 15/09/2017

Đại hội Đảng bộ xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra mục tiêu kết thúc nhiệm kỳ thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm. Chỉ tiêu này rất quan trọng, ý nghĩa, hội tụ đủ thành tựu của địa phương và giúp nâng cao đời sống của người dân trong xã. Mặc dù đã hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVII nhưng chỉ tiêu về thu nhập bình quân của người Phúc Xuân vẫn còn khoảng cách xa so với đích...

Phúc Xuân là xã thuần nông và thuộc diện khó khăn của T.P Thái (trong cơ cấu kinh tế của địa phương này, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất). Do vậy, các chỉ tiêu được đưa ra bàn thảo tại Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVII, 131 đại biểu đại diện cho toàn thể đảng viên của Đảng bộ đã phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, thống nhất xây dựng 15 chỉ tiêu để thực hiện trong suốt nhiệm kỳ. Chỉ tiêu được cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Phúc Xuân quan tâm nhất là Đại hội Đảng bộ xã đã mạnh dạn đưa ra mức thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm (năm 2015 thu nhập bình quân là 22 triệu đồng/người/năm).

Để thực hiện được chỉ tiêu này, Đại hội Đảng bộ xã Phúc Xuân đã đưa ra nhiều giải pháp, như: Phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp; du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; đầu tư phát triển cây chè; xây dựng hợp tác xã kiểu mới và liên kết hộ; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp… Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, Phúc Xuân đã có nhiều kết quả trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do tính đặc thù thuần nông nên tốc độ phát triển kinh tế của xã Phúc Xuân duy trì ổn định ở mức trên 10%/năm. Đồng chí Trần Hải Đăng, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Khi bàn thảo để xây dựng chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVII, tập thể cán bộ, đảng viên đều hy vọng các chương trình, dự án lớn như: Khu đô thị phía Tây T.P Thái Nguyên, Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc và các dự án đầu tư của doanh nghiệp tại địa phương hoạt động hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, lao động. Nhưng đến nay, các dự án trên vẫn chưa đi vào hoạt động nên thiếu nguồn lực thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển…

Phát huy nội lực để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ được Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phúc Xuân xác định rõ để tập trung thực hiện trong suốt nhiệm kỳ. Do vậy, Đảng bộ xã đã lãnh đạo chính quyề, các đoàn thể và tổ chức đảng ở các xóm tập trung rà soát, tìm lợi thế đầu tư phát triển kinh tế. Toàn xã có trên 1.300 hộ dân nhưng chỉ có 100 hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại, sản xuất tiểu thủ công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ. Hoạt động chăn nuôi tại địa phương 2 năm nay không phát triển mạnh vì giá sản phẩm quá thấp, hướng đầu tư cho lâm nghiệp cũng vướng vì phần lớn quỹ đất rừng của xã đều thuộc các khu vực rừng phòng hộ hồ Núi Cốc...

Trong bối cảnh đó, trồng, chế biến chè được Đảng bộ xã xác định là nền móng phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương. Do vậy, Đảng bộ xã Phúc Xuân đã chỉ đạo chính quyền huy động các nguồn lực để giúp người nông dân đầu tư chăm sóc diện tích chè hiện có (trên 380ha) và từ nay đến cuối nhiệm kỳ mở rộng thêm 15ha chè giống mới. Đặc biệt, Đảng bộ xã xác định 440ha đất cấy lúa có giá trị kinh tế thấp (năng suất 46 tạ/ha) sẽ thực hiện chuyển đổi từng bước sang trồng chè. Các xóm có lợi thế về phát triển cây chè, như: Dộc Lầy, Cây Xi, Xuân Hoà, Giữa 1, Giữa 2, Khuôn Năm…đều đã và đang hình thành làng nghề chè truyền thống, liên kết hộ để sản xuất sản phẩm chè an toàn, phát triển du lịch làng nghề. Xóm Cây Thị là mô hình điểm được lựa chọn xây dựng vùng chè chất lượng cao gắn với phát triển du lịch làng nghề, du lịch sinh thái. Đảng viên Đỗ Xuân Ngũ cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của cấp uỷ, Ban công tác mặt trận xóm Cây Thị đã vận động nhân dân thực hiện sản xuất chè tập trung, theo tiêu chuẩn an toàn UTZ Certified do hợp tác xã Chè Tân Hương đứng ra tổ chức nên 100% sản phẩm được tiêu thụ với giá thành cao, có cơ hội xuất khẩu. Hiện hợp tác xã đã có 45 xã viên với diện tích chè quản lý ổn định là 25ha, doanh thu đạt trên 9 tỷ đồng/năm.

Từ thực tế sản xuất chè ở xóm Cây Thị cho thấy, chủ trương dựa vào tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế của Đảng bộ xã Phúc Xuân là phù hợp, đúng hướng. Nhưng, để thực hiện được điều này, ngoài sự nỗ lực của lãnh đạo địa phương, người dân, vẫn cần sự hỗ trợ cụ thể của cấp uỷ, chính quyền T.P Thái Nguyên. Vẫn theo đồng chí Trần Hải Đăng, phát triển cây chè theo mô hình hộ gia đình, người dân có thể thực hiện được. Nhưng khi đầu tư để sản xuất chè quy mô tập trung, xây dựng nhà ở gắn với sản xuất, chế biến để làm du lịch làng nghề, du lịch sinh thái cần nguồn vốn lớn, việc xây dựng công trình phù hợp, kinh nghiệm làm du lịch cán bộ địa phương và người dân còn rất lúng túng.

Nếu lợi thế cây chè ở Phúc Xuân không được phát huy triệt để thì chỉ tiêu chí thu nhập bình quân của người dân đạt 40 triệu đồng/người/năm còn xa so với đích mà Đảng bộ xã đã đề ra.