Một vài suy nghĩ về tiêu chuẩn cán bộ

09:36, 22/09/2017

Tháng 8-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp và Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Các văn kiện này lại một lần nữa thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII về việc chống suy thoái và tự diễn biến trong Đảng (27 biểu hiện) và vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ.

Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ công chức, viên chức, với nhiều mục tiêu cụ thể, nhằm góp phần xây dựng chính quyền “Liêm chính và kiến tạo”.

Đảng ta luôn có các kế hoạch, biện pháp thanh, kiểm tra, giáo dục cán bộ, đảng viên nhằm đào tạo đội ngũ nhân lực có chất lượng ngày càng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của Tổ quốc. Nhưng thực trạng trong thời gian qua, vẫn có những việc đáng buồn mà một số đảng viên, cán bộ đã sai phạm làm tổn hại uy tín của Đảng, đó là: Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá nào cũng phải xét kỷ luật các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và một số đồng chí thuộc diện Trung ương quản lý; Quốc hội khoá nào cũng có đại biểu Quốc hội bị xoá tên do không xứng đáng là đại biểu của dân. Sáu tháng đầu năm 2017, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã phải thi hành kỷ luật 1 tổ chức Đảng, 6 đảng viên; cấp uỷ các cấp đã thi hành kỷ luật 87 tổ chức Đảng và hơn 6.000 đảng viên (tăng 61% tổ chức đảng và 16% số đảng viên so với cùng kỳ năm 2016)… có nhiều nguyên nhân mà các văn bản của Đảng đã phân tích và nêu ra; bài viết này chỉ nêu một số suy nghĩ về năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý và việc bổ nhiệm “nhầm”; bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn…

Những điều cần tránh khi bổ nhiệm và đề bạt cán bộ là: Không nên bổ nhiệm, đề bạt cán bộ kiểu “sống lâu lên lão làng” mà năng lực thực tế không đáp ứng; không nên bố trí, đề bạt cán bộ theo “cánh hẩu”, tệ nạn này sẽ làm thui chột nhân tài, mất đoàn kết, mất ổn định của tổ chức - cơ quan; không nên chọn người theo kiểu chỉ biết phục tùng, tuân theo, không có phản biện, sáng tạo và đổi mới; không nên cầu toàn trong sử dụng, đề bạt cán bộ vì cán bộ nào cũng có mặt mạnh, mặt yếu.

Ông cha ta từng nói “Nhân vô thập toàn"; Bác Hồ dạy: “Dụng nhân như dụng mộc”, không cầu toàn mà cần phát huy sở trường của cán bộ khi sử dụng và kiểm tra, giúp đỡ theo dõi để khắc phục các nhược điểm; không nên định kiến về gia đình, thành phần xuất thân… mà phải nhìn nhiều mặt trong đó có lý lịch chính trị. Và không nên chỉ nhìn và coi trọng bằng cấp, vì thực tế đã có nhiều tiêu cực (bằng giả, bằng thật nhưng học giả, tiến sĩ giấy, bằng mua).

Thực tiễn cũng chỉ ra một số cán bộ tuy chưa có học vị cao nhưng họ đã có nhiều kinh nghiệm, kiến thức tốt, tài năng đích thực. Nghị quyết Trung ương 3, khoá VIII cũng chỉ rõ “Mọi phẩm giá và bằng cấp, danh hiệu và chức vụ, tài năng và cống hiến đều phải được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn”.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta là nước nông nghiệp - phong kiến - lạc hậu. Ngày nay, qua các giai đoạn cách mạng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã trưởng thành, nhưng cũng cần khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của tàn dư phong kiến trong khi điều hành và thực thi công việc mà một số cá nhân mắc phải. Đó là tình trạng thiếu dân chủ (dân chủ bị biến dạng và hình thức) nên không huy động được sức mạnh tập thể của đơn vị; đó là gia đình chủ nghĩa khi xử lý công việc còn nặng tình, nhẹ lý, giảm hiệu lực của phê bình và tự phê bình, đoàn kết một chiều, quên mất các tiêu chuẩn và các quy định pháp lý… đó là tâm lý trọng nam khinh nữ, xem thường lớp trẻ – không giao nhiệm vụ cho họ để phấn đấu, hiệu quả là đội ngũ cán bộ bị hẫng hụt, không đồng bộ. Đó là thói đạo đức giả biểu hiện là hứa, nói nhiều, nhưng không làm, không giải quyết, thích dùng mỹ từ, bệnh thành tích (thổi phồng), lảng tránh thực trạng khó khăn cần giải quyết – hệ quả là không hoà nhập với quần chúng nhân dân, dễ tạo ra “bằng mặt nhưng không bằng lòng” dẫn đến “phản bội”, mất đoàn kết, thiếu ổn định.

Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn của cách mạng tiến lên đòi hỏi ở người cán bộ lãnh đạo quản lý phải chủ động nắm bắt để thực hiện nhiệm vụ cho đúng trong quỹ đạo chung và không được phép chủ quan vì nó sẽ gây ra hệ quả xấu và kìm hãm sự phát triển của đơn vị. Đây là điều tối kỵ. Các biểu hiện chủ quan cần tránh là: quản việc không phải của mình mà buông lỏng việc chính của mình do chưa nắm vững chức trách, quyền hạn; có hiện tượng dựa dẫm đùn đẩy nhau dẫn đến giải quyết công việc không kịp thời và khó truy cứu trách nhiệm khi có sai sót, thưởng phạt không nghiêm minh, công bằng. Đó là việc không chịu đọc các sách lý luận và các sách về tri thức cơ bản nghiệp vụ cần cho mình trong điều hành công vụ. Hệ quả là thiếu kiến thức nghiệp vụ, kiến thức nói chung nên hỏng việc, không bao quát được toàn cục, thiếu toàn diện. Từ đó dẫn đến việc quyết - duyệt sai lầm do chỉ biết vận dụng kinh nghiệm mà chưa biết kết hợp kinh nghiệm - lý luận và thực tiễn; không tìm hiểu một cách hệ thống tình hình cơ bản và xu hướng phát triển mới trong phạm vi công tác mình phụ trách mà tổ chức công việc theo quyết định một cách giáo điều. Đó là thái độ quá tin vào học thức và kinh nghiệm của mình mà coi nhẹ việc dung nạp nhiều ý kiến của cán bộ đồng cấp, các chuyên gia, công chức, viên chức, nhân viên cấp dưới…

Thời gian gần đây, việc phòng chống tham nhũng lãng phí, chống suy thoái và tự diễn biến được Đảng, Nhà nước và các cấp quan tâm đặc biệt nên cũng dần hạn chế được các tiêu cực. Việc thanh tra, kiểm tra giám sát được tiến hành liên tục cũng đã phát hiện ra nhiều sai phạm lớn trong đó có cả cán bộ cao cấp, các Ủy viên Trung ương Đảng. Đảng đã có biện pháp xử lý, công khai, minh bạch nên đã tăng thêm uy tín của Đảng, lòng tin của người dân được củng cố và nâng lên, mặc dù kẻ thù của chúng ta luôn xuyên tạc và kích động.

Các Quy định 89 và 90 của Bộ Chính trị sẽ đem lại nhiều tác dụng cụ thể như việc thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tuyển dụng người tài - có phẩm chất tốt được công khai minh bạch theo tiêu chuẩn cụ thể; góp phần cụ thể xây dựng chính quyền “Liêm chính và kiến tạo”, loại bỏ dần các cán bộ tiêu cực, thiếu phẩm chất, nhũng nhiễu gây phiền hà cho dân.

Quy định 89 và 90 cũng sẽ góp phần xây dựng HĐND các cấp, Quốc hội và các đoàn thể chính trị - xã hội được thực sự tinh hoa, tiêu biểu, phục vụ sự phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.