Ngày 19-8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra ở Hà Nội và giành thắng lợi nhanh chóng. Đúng một tuần sau, ngày 25-8-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng trở về Hà Nội, ban đầu ở tại nhà của gia đình tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ, số 48 phố Hàng Ngang.
Tình hình lúc đó rất khẩn trương, đây cũng là ngày cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi ở Sài Gòn và trước đó, ngày 23-8, đã thắng lợi ở Huế. Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng thống nhất ấn định ngày 2-9-1945 phải làm lễ Tuyên bố độc lập, ra mắt Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhằm lấy tư cách là chủ nhân của nước Việt Nam mới đón tiếp quân Đồng minh đang rục rịch kéo vào cả hai miền bắc, nam để giải giáp và hồi hương quân Nhật đã đầu hàng.
Bốn điểm đặc biệt và hai cống hiến nổi bật của Tuyên ngôn Độc lập
Thời gian chỉ có đúng một tuần để giải quyết một loạt công việc trọng đại và cấp bách: ổn định tình hình, xúc tiến thành lập Chính phủ Lâm thời trên cơ sở cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng mới được thành lập trong Đại hội Quốc dân ở Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) ngày 16-8-1945; xúc tiến chuẩn bị các công việc cho ngày lễ tuyên bố độc lập và đặc biệt là viết bản Tuyên ngôn Độc lập để đọc trong ngày 2-9-1945. Lãnh tụ Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo chung các công việc bộn bề, vừa trực tiếp dự thảo Tuyên ngôn Độc lập.
Qua nghiên cứu chúng tôi thấy có bốn điểm đặc biệt liên quan việc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập: một là, Bản Tuyên ngôn được hoàn thành trong một thời gian rất ngắn, từ ngày 26 đến 29-8. Hai là, bản Tuyên ngôn sau khi dự thảo xong, đã được Người đưa ra tham khảo ý kiến của Ban Thường vụ Trung ương ngày 30-8 và cả ý kiến của một sĩ quan Mỹ là Thiếu tá Pa-ti thuộc Cơ quan Tình báo Mỹ (OSS đã hoạt động bên cạnh Việt Minh chống phát-xít, ủng hộ Đồng minh) trong cùng ngày. Ba là, bản Tuyên ngôn mở đầu bằng các đoạn trích trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của nước Pháp nói về các quyền cơ bản của con người. Điều đặc biệt là ở chỗ, Người đã có sự chuẩn bị, suy nghĩ từ lâu về những nội dung sẽ thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập. Ý tứ sâu xa trong Tuyên ngôn Người viết là chỉ đích danh Mỹ, lúc đó là nước đứng đầu phe tư bản đế quốc, còn Pháp là nước đã và đang tìm cách áp đặt trở lại ách thống trị thực dân lên đất nước Việt Nam, hãy nhìn lại những gì mà tổ tiên, cha ông của họ đã tuyên bố và mong muốn thực hiện. Bốn là, bản Tuyên ngôn do Người trực tiếp viết với lời văn gọn rõ, đanh thép, lập luận chặt chẽ, dễ hiểu, đi vào lòng người, thể hiện quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, tự do mới giành được của cả dân tộc Việt Nam.
Đọc Tuyên ngôn Độc lập, các nhà sử học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế thống nhất đánh giá có hai điểm sáng tạo nổi bật, mang giá trị toàn nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ nhất là, Người đã tiếp thu và phát triển tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ được viết ra từ 169 năm trước, khi đề cập đến quyền con người. Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ viết: tất cả mọi người đàn ông đều sinh ra bình đẳng... trong khi đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh viết: tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Đây không chỉ đơn thuần là sự thay đổi câu chữ, mà là sự tiến bộ vượt bậc trong nhận thức về quyền con người, quyền bình đẳng nam - nữ, một sự nhận thức vượt qua hạn chế của thời đại trước đó, cho nên có giá trị nhân văn rất cao cả. Nhà văn, nhà nghiên cứu người Mỹ, người bạn thân thiết của Việt Nam, là Lây-đi Bô-tơn, là người đã phát hiện ra “chi tiết vĩ đại” nêu trên và đánh giá rất cao cống hiến về mặt tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ hai, cùng với việc trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, Người trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Trên cơ sở đó, Người viết: "Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Điều cần nhấn mạnh ở đây là, nếu như trong các bản Tuyên ngôn của Mỹ, của Pháp chỉ đơn thuần đề cập đến quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ, phủ nhận về quyền của các dân tộc.
Giáo sư người Nhật Bản Sin-gô Si-ba-ta đánh giá: “Cống hiến nổi tiếng của Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”. Thực vậy, theo Người, quyền con người và quyền dân tộc có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết với nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người, và ngược lại, thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.
Ba quyền cơ bản của con người được đề cập trong Tuyên ngôn Độc lập chính là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Các quốc gia, dân tộc đều đấu tranh vì những quyền cơ bản này cho người dân nước mình. Người từng nói: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì".
Nội dung đanh thép của bản Tuyên ngôn Độc lập đã đánh đòn phủ đầu vào âm mưu và hành động tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp. Người khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”; “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Giá trị của Tuyên ngôn Độc lập trong thời đại ngày nay
Bảy mươi hai năm đã trôi qua, nhưng những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc và sự thống nhất biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do, vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Các nguy cơ mà Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng khóa VII vào tháng 1-1994 đã chỉ ra, đến nay vẫn tồn tại và có điểm diễn biến phức tạp. Tình hình tranh chấp chủ quyền gây căng thẳng trên Biển Đông đang đe dọa trực tiếp đến độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế vừa có những thuận lợi nhưng cũng nhiều thách thức hiện nay, Đảng, Nhà nước ta xác định bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền biển, đảo, đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền con người, bảo đảm cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Vì thế, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Thấm nhuần tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và ý chí: "Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập", mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, Đảng, Nhà nước, nhân dân tiếp tục và kiên trì đường lối, chủ trương độc lập tự chủ, hòa bình và hữu nghị với các nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.