Ngày 27-4-2007, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Qua 10 năm triển khai thực hiện, công tác cán bộ nữ, cán bộ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đã có những chuyển biến rõ nét, song vẫn còn những bất cập cần tháo gỡ để, phát huy vai trò và nâng cao vị thế của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực.
Trong nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng luôn quan tâm công tác xây dựng quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng; đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ nữ DTTS. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ nữ DTTS tăng lên sau mỗi nhiệm kỳ. Những cán bộ nữ, cán bộ người DTTS được đề bạt, bổ nhiệm không ngừng phấn đấu vươn lên, khẳng định vị trí, vai trò của mình và góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Từ sự quan tâm đúng mức
Ông Nguyễn Văn Tiệu, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai: “Tỷ lệ cán bộ nữ, nhất là nữ DTTS của huyện tăng cao sau mỗi nhiệm kỳ là do huyện đã mạnh dạn sử dụng, giao nhiệm vụ và có cơ chế ưu tiên đối với cán bộ nữ DTTS để họ có điều kiện phấn đấu, khẳng định mình”. |
Để nhìn nhận một cách toàn diện ở hai khía cạnh: cán bộ nữ và cán bộ nữ DTTS, trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến hai huyện Võ Nhai và Định Hóa, nơi có tỷ lệ người DTTS cao nhất so với các địa phương khác trong tỉnh, chiếm trên 70% dân số toàn huyện (dân số huyện Võ Nhai gần 68 nghìn người; huyện Định Hóa trên 93 nghìn người). Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị từ huyện đến đến cơ sở ở hai địa phương đều quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ nữ, cán bộ nữ người DTTS. Ban Thường vụ Huyện ủy hai huyện đều tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, tạo nguồn đối với đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ nữ DTTS, nhất là ở những địa bàn có đông đồng bào DTTS. Trong việc bố trí, sử dụng cán bộ luôn ưu tiên cán bộ nữ, trẻ tuổi. Vì vậy, đối với huyện Võ Nhai, tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ đều tăng sau mỗi nhiệm kỳ.
Hiện nay, số nữ tham gia cấp ủy cấp huyện chiếm 21,95%, tăng so với nhiệm kỳ trước 8,44%); số nữ tham gia cấp ủy xã, thị trấn chiếm 19,56%, tăng so với nhiệm kỳ trước 1,34%); có 24 người giữ chức vụ cấp trưởng, phó các phòng ban, ngành, đoàn thể của huyện, trong đó có 50% cán bộ nữ người DTTS. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ nữ người DTTS đa số là cán bộ trẻ và đều khẳng định được vai trò, vị trí của mình trên mọi cương vị công tác, đóng góp tích cực cho các phong trào của huyện, xã. Trong đó phải kể đến các chị: Lương Thị Mỹ Chải, dân tộc Tày, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung; Chu Thị Lệ Hiền, dân tộc Kinh, Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Xá; Hoàng Thu Huyền, dân tộc Nùng, Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Đình Cả; Hoàng Như Hoa, dân tộc Nùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng; Vi Thị Bích Liên, dân tộc Nùng, Chủ tịch UBND xã La Hiên…
Đối với huyện Định Hóa, nhiệm kỳ 2005-2010, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện mới đạt 9,09%, cấp xã đạt 6,75%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2004-2011, cấp huyện đạt 21,05%, cấp xã đạt 15,52%. Đến nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 19,5%; cấp xã đạt 27,75%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND, nhiệm kỳ 2016-2021, cấp huyện đạt 25%, cấp xã đạt 22,3%.
Khẳng định vai trò trong xã hội
Qua lời kể của chị Hoàng Thị Minh, người dân tộc Tày, hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Linh Thông (Định Hóa), chúng tôi hiểu rằng chị đã phải cố gắng rất nhiều mới khẳng định được vai trò, vị trí của mình như hôm nay. Bởi, chị sinh ra và lớn lên trong gia đình có 8 người con nhưng chỉ có mình chị là nữ, nhà lại nghèo. Cha mẹ chị có quan niệm “con gái học để làm gì?” nên học hết lớp 7, chị phải nghỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ. Vốn là người năng động nên chị luôn tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của xóm, rồi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, cộng tác viên dân số xóm. Từ năm 2001 đến nay, chị vừa làm tròn vai của một người vợ, người mẹ, vừa hoàn thành trách nhiệm công tác được giao, vừa học để hoàn thiện trình độ chuyên môn (hiện chị đã có Bằng tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh), chuyên ngành quản lý Nhà nước, tin học. Trong quá trình công tác, từ năm 2001 đến nay, chị liên tục được cấp ủy Đảng giới thiệu, bầu vào nhiều chức danh của xã. Năm 2015 và 2016, chị được bầu làm Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch HĐND xã. Tiếp nhận nhiệm vụ ở một xã vô cùng khó khăn, chị không khỏi băn khoăn, trăn trở. Bởi, Linh Thông là một trong ba xã vùng sâu, vùng cao của huyện Định Hóa, địa hình phức tạp, chủ yếu là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, kinh tế kém phát triển; cơ sở hạ tầng khó khăn. Xã có hơn 3.000 nhân khẩu, 85% là người DTTS (chủ yếu dân tộc Tày), trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tuy nhiên, ở cương vị công tác nào chị cũng luôn suy nghĩ cần phải làm gì để đưa Linh Thông phát triển, giảm hộ đói, nghèo. Vì vậy, trong quá trình công tác, chị đã luôn chủ động, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh, trật tự. Trong đó phải kể đến việc chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi - thủy sản của huyện, giai đoạn 2011-2015. Đến nay, xã đã có 32 trang trại và gia trại chăn nuôi lợn, bò, dê, xuất hiện nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Do dân số đông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, đất rừng nhiều. Bởi vậy, chị luôn trăn trở và đề xuất với huyện rà soát chuyển đổi 400ha rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng đầu nguồn sang rừng sản xuất, giúp người dân cải thiện thu nhập. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư với diện tích 2ha để di dời 32 hộ dân sống ở những nơi có nguy cơ cao về sạt lở đất và lũ quét; xây dựng hồ chứa nước để chủ động trong sản xuất nông nghiệp. Điều đáng nói, trong 2 năm 2009-2010, chị đã có công rất lớn trong việc tham mưu cho huyện, xã, vận động, tuyên truyền trên 60 người đã tham gia và hơn 20 người đang có ý định theo “đạo lạ” với tên gọi “đạo Phật Hồ Chí Minh” từ bỏ tà đạo. Từ đó, góp phần không nhỏ vào việc ổn định tình hình an ninh trật tự, người dân đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đến nay, cơ sở hạ tầng của xã được cải thiện rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm (bình quân mỗi năm giảm được trên 4% số hộ nghèo), địa bàn không có tệ nạn ma túy. Từ năm 2011 đến 2016, Đảng bộ liên tục đạt trong sạch vững mạnh, các tổ chức đoàn thể đều vững mạnh.
Chị Hoàng Như Hoa, sinh năm 1975, dân tộc Nùng ở xã Phú Thượng (Võ Nhai) cũng là người trưởng thành từ phong trào phụ nữ. Trước đây, chị là cán bộ thú y, rồi tham gia công tác phụ nữ, được bầu vào Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Từ năm 2004 đến nay, bằng sự cố gắng của bản thân và sự tín nhiệm của nhân dân, sự tin tưởng của cấp ủy Đảng, chị đã được giới thiệu bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ xã; Phó Chủ tịch UBND xã 2 nhiệm kỳ. Trong quá trình công tác, chị đã có nhiều đóng góp xây dựng xã Phú Thượng ngày càng vững mạnh. Chị cho biết: Tôi nhận nhiệm vụ trong điều kiện xã rất khó khăn. Năm 2010, xã Phú Thượng được huyện chọn làm xã điểm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, song mới chỉ đạt 5 tiêu chí, cơ sở hạ tầng hết sức khó khăn. Lúc đó, với cương vị là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND xã, chị đã tích cực tham mưu xây dựng các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Đến năm 2015, Phú Thượng đã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống của người dân được nâng lên. Hiện, xã Phú Thượng được huyện chọn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Chị lại tiếp tục được Ban Thường vụ Đảng ủy xã tin tưởng giao nhiệm vụ tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực hiện. Ngoài ra, chị còn chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương. Năm 2013, chị tiếp tục thực hiện Dự án tăng quyền và nâng cao năng lực kinh tế của phụ nữ thông qua việc mở rộng mô hình cánh đồng một giống, canh tác theo hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI). Hiện nay, mô hình này đang được duy trì thực hiện tại xã và nhân rộng trên địa bàn huyện…
Dù xuất phát điểm của mỗi chị có khác nhau nhưng các chị luôn cố gắng, thể hiện vai trò, vị trí của mình ở mỗi cương vị công tác, được các cấp ủy Đảng tin tưởng, người dân tín nhiệm. Chủ trương quan tâm phát triển phụ nữ, nhất là đội ngũ nữ DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số là hoàn toàn đúng đắn. Nhờ đó, đã tạo điều kiện để cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ DTTS phát huy năng lực của mình, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(Còn nữa)