Công tác cán bộ nữ người dân tộc thiểu số: Còn những “rào cản” (Kỳ 2)

18:07, 28/10/2017

Mặc dù công tác cán bộ nữ, cán bộ nữ DTTS đã được quan tâm đúng mức và có sự chuyển biến rõ nét, song công tác này vẫn còn những bất cập cần có chính sách đặc thù để tạo nguồn cán bộ nữ DTTS tại chỗ và phát triển cả về lượng và chất.

Đâu là “rào cản”?

Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị đề ra chỉ tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40% trở lên. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ”.

Mặc dù tỷ lệ nữ cán bộ, cán bộ nữ DTTS nhìn từ hai huyện có nhiều đồng bào DTTS đều tăng so với nhiệm kỳ trước song đa số chỉ tiêu so với quy định tại Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị đề ra đều chưa đạt, thậm chí một số chỉ tiêu còn đạt quá thấp. Cụ thể, ở Định Hóa, tỷ lệ cán bộ nữ nói chung, cán bộ nữ DTTS nói riêng tham gia cấp ủy cấp huyện nhiệm kỳ 2015-2020 mới đạt 19,5%; cấp xã đạt 27,75%; tham gia HĐND cấp huyện đạt 25%; cấp xã đạt 22,3%. Ở Võ Nhai, hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện mới đạt 21,95%, cấp xã 19,56%; tham gia đại biểu HĐND cấp huyện mới đạt 13,88% (thậm chí còn giảm 6,11% so với nhiệm kỳ trước), cấp xã đạt 20,97%. Theo quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025, tuy tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện và xã tăng cao, song lại tập trung chủ yếu ở các cơ quan cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể của huyện, còn ở những xã có đông người DTTS lại đạt thấp. Ví dụ như ở Định Hóa, ông Nguyễn Ngọc Phú, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Định Hóa cho biết thêm: “Theo danh sách quy hoạch cán bộ cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ nói chung tham gia cấp ủy cấp huyện tăng cao so với chỉ tiêu (đạt 29,03%), nữ DTTS chiếm 16% trên tổng số cán bộ trong Ban chấp hành, song ở một số xã trong huyện có nhiều đồng bào DTTS, nữ tham gia cấp ủy chưa tương ứng. Ví dụ như: xã Linh Thông chỉ chiếm 16%; xã Phượng Tiến chiếm 19%; Lam Vỹ chiếm 18,2%; Bình Thành chiếm 4,7%…”.  

Không những vậy, tỷ lệ nữ giữa các DTTS chưa đồng đều. Ví dụ, ở Võ Nhai, đồng bào DTTS chiếm 70% trong đó chủ yếu là các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, nhưng cán bộ nữ dân tộc Tày, Nùng vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn.   Đối với huyện Định Hóa có 13 dân tộc, trong đó cán bộ nữ dân tộc Tày tham gia công tác lãnh đạo, quản lý chiếm số đông.

Vậy đâu là rào cản? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cấp ủy Đảng chưa quan tâm đúng mức đến đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ DTTS. Bên cạnh đó, số lao động nữ đông nhưng chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, phụ nữ DTTS. Một số cán bộ nữ chưa thực sự tự rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức tin học, quản lý nhà nước, khi cần đề bạt, bổ nhiệm lại không có. Tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vẫn còn tồn tại trong xã hội, chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng cao, người DTTS. Thậm chí có một số nơi khi bầu đại biểu HĐND cấp xã, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa, do tâm lý của người dân muốn người “đại biểu” của mình phải là những người có chức danh như trưởng thôn, trưởng xóm, thôn đội trưởng hoặc công an viên (chức danh này chủ yếu do nam giới đảm nhiệm) nên mặc dù đã đưa cán bộ nữ vào danh sách bầu nhưng vẫn không trúng.

Một trong những tình trạng bất cập nhất hiện nay là việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đối với cán bộ nữ chưa cụ thể, nhất là cơ chế tạo nguồn cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11. Bên cạnh đó, chính sách cử tuyển còn bất cập. Trong nhiều năm qua, nhà nước đã có chính sách cử tuyển đối với học sinh DTTS, song lại chưa có quy định cụ thể về ưu tiên tuyển dụng đối với sinh viên sau khi ra trường.

Ví dụ như ở Võ Nhai mỗi năm cử tuyển từ 2 đến 3 học sinh DTTS đi học tại các trường Đại học, Cao đẳng trong và ngoài tỉnh; Định Hóa bình quân mỗi năm cử tuyển 1 học sinh. Đặc thù của học sinh cử tuyển là đầu vào đã thấp, nếu như khi tốt nghiệp, không có chính sách ưu tiên tuyển dụng mà phải thi tuyển công chức công bằng như các đối tượng khác sẽ rất khó trúng tuyển. Vì vậy, số học sinh cử tuyển của hai địa phương trên hầu như chưa bố trí được việc làm, đang gây áp lực lớn cho các địa phương.

Ông Hoàng Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Định Hóa cho biết: “Mỗi năm Định Hóa cử tuyển 1 người đi học. Thế nhưng, hiện chưa có cơ chế hay văn bản hướng dẫn tuyển dụng từ cấp trên đối với những sinh viên học cử tuyển đã tốt nghiệp, trong đó có những sinh viên là nữ, tốt nghiệp loại khá. Bởi vậy, những sinh viên này vẫn phải tham dự các kỳ thi tuyển viên chức như những người  tốt nghiệp Đại học khác. Tuy nhiên, qua thống kê, chưa có sinh viên học cử tuyển nào thi đỗ trong các kỳ thi tuyển viên chức do huyện tổ chức”. Võ Nhai cũng nằm trong tình trạng như vậy.

Trọng tâm vẫn là tuyên truyền nâng cao nhận thức

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương,Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: “Một trong những khó khăn của công tác cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ DTTS là định kiến giới khá nặng nề. Bản thân một bộ phận phụ nữ còn có tư tưởng an phận, chưa tự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống”.  
 
 
Ông Hoàng Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Định Hóa: “Hiện nay, số học sinh DTTS, trong đó có cả nữ đi học đi học cử tuyển còn khá đông nhưng chưa có học sinh nào được tuyển dụng. Rất mong tỉnh có cơ chế đặc thù để tuyển dụng học sinh cử tuyển, đặc biệt là học sinh nữ DTTS để tạo nguồn cán bộ cho huyện”.  

Đối với Võ Nhai và Định Hóa là hai địa phương có đông người DTTS nên công tác cán bộ nữ nói chung, cán bộ nữ DTTS nói riêng có những khó khăn riêng là đương nhiên. Nhưng nhìn rộng ra toàn tỉnh, nhất là ở những nơi mà chị em có điều kiện phát triển hơn, không có rào cản về tư tưởng "trọng nam khinh nữ", song tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp cũng chưa đạt chỉ tiêu. Theo báo cáo đánh giá của Tỉnh ủy: Tỉnh ta có dân số trên 1,2 triệu người, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 50,6% dân số toàn tỉnh. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đều tăng so với nhiệm kỳ trước nhưng so với chỉ tiêu vẫn chưa đạt: Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh đạt 11,32% (giảm 1,41%), cấp huyện đạt 20,11%, cấp xã đạt 24,35%; tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021: cấp tỉnh đạt 33,33%; cấp huyện đạt 27,73%; cấp xã đạt 24,36%; các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 78,6%.

Để tháo gỡ những bất cập trong công tác cán bộ nữ nói chung, cán bộ DTTS nói riêng trọng tâm vẫn là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về công tác này, về bình đẳng giới, đoàn kết giữa các dân tộc để nâng cao ý thức trách nhiệm cán bộ lãnh đạo, các cấp ủy đảng cơ quan, đơn vị các ngành, các cấp. Bên cạnh đó, các cấp ủy và lãnh đạo cơ cquan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu của Nghị quyết 11, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch thiết thực để xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ DTTS có năng lực, có trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm. Những cán bộ nữ, nhất là cán bộ người DTTS cần thay đổi nhận thức, tích cực tham gia công tác xã hội để có cơ hội rèn luyện, trưởng thành. Đồng thời, không ngừng phấn đấu, học tập rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn và khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội.

Đi đôi với các giải pháp trên, các cấp, ngành cần có chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển đối với cán bộ nữ nói chung, cán bộ nữ DTTS nói riêng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, gắn đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, sử dụng cán bộ. Kết hợp đào tạo tập trung với bồi dưỡng ngắn hạn; giữa chuyên môn nghiệp vụ với lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kiến thức an ninh, quốc phòng nhằm nâng cao trình độ năng lực, chuẩn hóa đội ngũ công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở để tạo nguồn cán bộ nữ cho các cấp, các ngành khi cần. Đồng thời, tỉnh nên đề xuất với cấp có thẩm quyền có chính sách ưu tiên tuyển dụng cán bộ nữ nói chung, cán bộ nữ DTTS nói riêng có trình độ đại học, trên đại học. Các cấp ủy đảng cần mạnh dạn sử dụng, phân công cán bộ nữ, cán bộ nữ DTTS để họ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện, phát triển. Đối với chính sách cử tuyển, tỉnh cũng nên có cơ chế đặc thù ưu tiên tuyển dụng đội ngũ cán bộ nữ nói chung, cán bộ nữ DTTS nói riêng, nhất là những người tốt nghiệp ở các trường Đai học, Cao đẳng đạt loại khá trở lên để tránh lãng phí nguồn nhân lực và ngân sách nhà nước bỏ ra đào tạo cho những học sinh cử tuyển.