Trọn bổn phận đạo - đời: Cái khó "ló" sáng kiến (Kỳ 1)

11:45, 26/10/2017

Trong những năm qua, phát triển đảng viên là người công giáo luôn được các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh chú trọng. Từ đó đã góp phần xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với vùng đồng bào có đạo, giữ vững mối quan hệ đoàn kết lương - giáo và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 32.000 tín đồ công giáo, sinh hoạt tại 9 giáo xứ (tuy nhiên tập trung chủ yếu ở các địa phương: Đại Từ, Phú Bình, T.P Thái Nguyên) và 54 giáo họ. Luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện điều kiện cho các cơ sở, tổ chức tôn giáo, trong đó có cộng đồng người công giáo phát triển với đường hướng, phương châm hành động gắn bó với dân tộc, phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Từ trước đến nay, phát triển đảng viên vùng đồng bào công giáo chưa bao giờ hết khó. Tuy nhiên, bằng nhiều sáng kiến, các địa phương có đông đồng bào công giáo sinh sống trong tỉnh vẫn làm tốt công tác này và tạo được sự đồng thuận trong mọi hoạt động ở cơ sở.

Thiếu nguồn; chưa kết nạp được những chức việc, chức sắc trong cộng đồng người công giáo vào Đảng; một bộ phận cán bộ, đảng viên và đồng bào có đạo hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng về công tác tôn giáo còn có những hạn chế nhất định; một bộ phận quần chúng tín đồ còn băn khoăn khi đứng vào hàng ngũ của Đảng… là những trở ngại trong công tác phát triển đảng viên có đạo trên địa bàn tỉnh nhiều năm nay. Đó là chưa kể đến việc trình độ giáo dân còn thấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn kết nạp Đảng; phần lớn những người công giáo trẻ tuổi, có trình độ học vấn đi làm ăn xa, không bố trí, sắp xếp được việc làm ở địa phương cũng đang gây nhiều khó khăn cho công tác này ở những vùng đồng bào có đạo. Thực tế này cho thấy, công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào công giáo là nhiệm vụ hết sức nặng nề và để đạt được kết quả tốt, ông Đặng Đình Lực, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cho rằng rất cần sự khéo léo và đồng lòng của cả hệ thống chính trị.

Sáng kiến sát với thực tiễn

Chị Chu Thị Lan, là đảng viên người công giáo, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Hùng Sơn (Đại Từ): Theo tôi, quan tâm tạo nguồn, bồi dưỡng và phát triển đảng viên người công giáo sẽ tạo thêm sức mạnh cho cả hệ thống chính trị ở địa phương.

Anh Phạm Văn Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên): Việc kết nạp những người có chức việc trong cộng đồng người công giáo gặp nhiều khó khăn do những người này hầu hết đều đã cao tuổi, không còn nằm trong độ tuổi kết nạp đảng viên nữa. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền phường đã tranh thủ uy tín của họ, thuyết phục họ vận động những quần chúng ưu tú giác ngộ chính trị, phấn đấu vào Đảng.

Trước những khó khăn trên, nhiều chi, đảng bộ cấp cơ sở trong tỉnh đã đưa ra những sáng kiến sát với thực tiễn, trong đó, công việc được các tổ chức quan tâm là rà soát, lựa chọn những quần chúng đủ điều kiện về trình độ văn hóa, tuổi đời, có phảm chất đạo đức… để tuyên truyền, thuyết phục và tạo nguồn phát triển Đảng. Bí thư Đảng ủy xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) Chu Văn Phúc cho hay: Với đồng bào công giáo, việc truyên truyền, thuyết phục phải theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu” thì dần dần, bà con mới giác ngộ chính trị và có nguyện vọng phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Khi đó, chi bộ cơ sở sẽ tạo mọi điều kiện để những quần chúng này tham gia các phong trào của địa phương và có những đóng góp tích cực cho cộng đồng. Từ đó giới thiệu cho tổ chức cơ sở Đảng xem xét, cử họ đi học các lớp cảm tình Đảng …

Tìm hiểu chúng tôi được biết, cách làm này cũng đang được nhiều địa phương có người công giáo sinh sống trong tỉnh (hầu hết đều chiếm gần 50% số dân) như Hà Thượng, Yên Lãng (Đại Từ); Tân Kim, Nhã Lộng (Phú Bình); Túc Duyên, Linh Sơn, Tân Cương (T.P Thái Nguyên)… áp dụng. Ngoài ra, việc lựa chọn những người công giáo đang giữ vị trí trưởng, phó các ban, đoàn thể ở cấp xóm để tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng cũng được nhiều tổ chức cơ sở Đảng thực hiện. Anh Hoàng Đình Quý, cán bộ văn phòng Đảng ủy xã Nhã Lộng nói: Hầu hết, trưởng, phó các ban, đoàn thể ở cấp xóm đều là những người tích cực với phong trào chung của địa phương. Do đó, khi được động viên, họ sẽ có động lực phấn đấu vươn lên. Với cách làm này, 3 năm trở lại đây, năm nào chúng tôi cũng kết nạp được từ 1 đảng viên là người có đạo trở lên.

Bên cạnh việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để bà con giáo dân sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật thì việc nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào có đạo cũng đã được các tổ chức Đảng trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhất là việc chỉ đạo chi ủy, chi bộ nơi có đông đồng bào theo đạo gặp gỡ, trao đổi những khó khăn, thuận lợi trong công việc; gợi mở cho các đối tượng là người có đạo tâm sự những băn khoăn về giáo lý, giáo luật, tháo gỡ mặc cảm, ngại ngần cho họ khi phấn đấu vào Đảng...

Nỗ lực đáng ghi nhận

Công tác phát triển đảng viên gốc giáo là nhân tố góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong vùng đồng bào có đạo, tạo nguồn tại chỗ, xóa được những thôn, làng, bản chưa có đảng viên và tổ chức Đảng. Bằng những cách làm hiệu quả, các địa phương trong tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ phát triển đảng viên người đồng bào công giáo mà Nghị quyết số 25, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo và Quy định số 123, ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị (khoá IX) về “Một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo” đã đề ra. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có trên 88 nghìn đảng viên, trong đó hơn 770 đảng viên là người có đạo, tăng hơn 10 người so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù tỷ lệ đảng viên gốc giáo còn thấp so với tỷ lệ đảng viên toàn tỉnh, tuy nhiên số đảng viên gốc giáo hằng năm dần tăng lên so với những năm trước kia; chất lượng đảng viên là người có đạo cũng được nâng lên. Các đảng viên đều có trình độ từ THCS trở lên, trong đó nhiều người có trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học.

Khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, các đảng viên này đã phát huy vai trò tiên phong trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội trở thành “hạt nhân” trong các phong trào, các cuộc vận động tại địa phương. Đồng chí Phạm Đức Long, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 2, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Tổ dân phố số 2 có 107 hộ dân, trong đó có gần 80% số hộ là đồng bào công giáo. Chi bộ có 5/10 đảng viên là người công giáo đang tham gia sinh hoạt. Với ý thức xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, không chỉ là nòng cốt trong mọi phong trào, các đảng viên này còn “hiến kế” để các các Nghị quyết của Đảng các cấp đi vào thực tiễn cuộc sống.

Dưới sự chỉ đạo của những Bí thư chi bộ là người có đạo như đồng chí Nguyễn Đức Long, nhiều chi bộ ở các xã, phường, thị trấn có đồng bào công giáo sinh sống của tỉnh đã tạo được sự đoàn kết lương - giáo trong Đảng, trong cộng đồng dân cư, từ đó bà con cùng nhau thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và vươn lên phát triển kinh tế gia đình…