Tính tới thời điểm này, huyện Phú Lương đã cơ bản hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn và lịch sử truyền thống các ngành, đoàn thể. Đây được xem là nguồn tư liệu quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Phú Lương được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh về xuất bản lịch sử đảng bộ huyện và cơ sở. Ông Doãn Thanh Nhân, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy nói: Kết quả này xuất phát từ sự quan tâm của Huyện ủy khi sớm thành lập Ban chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn các địa phương. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các xã, thị trấn đưa nội dung viết lịch sử vào nghị quyết của ban chấp hành đảng ủy và xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên hệ lựa chọn những đơn vị có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn để mời tham gia viết sử; có cơ chế hỗ trợ kinh phí biên soạn cho cơ sở với mức 60 triệu đồng/cuốn; giao nhiệm vụ cho ủy viên Ban Thường vụ và ban chấp hành phụ trách cơ sở trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc biên soạn lịch sử...
Kết quả, từ năm 2012 đến nay Phú Lương đã xuất bản được 14 cuốn lịch sử đảng bộ xã, thị trấn. Đối với bản bảo cuốn lịch sử đảng bộ cuối cùng ở cấp xã là Cổ Lũng đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thông qua, dự kiến sẽ phát hành trong quý IV năm nay. Ngoài ra, huyện cũng tiến hành chỉnh lý, bổ sung và tái bản cuốn Lịch sử đảng bộ huyện Phú Lương giai đoạn 1946-2005; biên soạn biên niên sự kiện Hội Cựu chiến binh huyện giai đoạn 1990-2017, dự kiến xuất bản đầu năm 2018.
Cùng với biên soạn và xuất bản sách lịch sử, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cũng được cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội ở Phú Lương quan tâm thực hiện với nhiều hình thức. Cụ thể như: Tuyên tuyền các sự kiện lịch sử địa phương trên hệ thống loa truyền thanh, qua sinh hoạt chi bộ, đoàn thể; đưa vào chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, tập huấn đầu năm học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; lồng ghép dạy lịch sử địa phương trong các nhà trường. Ngoài ra, Huyện ủy Phú Lương còn chỉ đạo tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn xây dựng tủ sách, trong đó có sách lịch sử địa phương; cấp phát sách đến các chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở; ban, ngành, đoàn thể xã và các đồng chí đảng ủy viên. Một số cấp ủy cơ sở còn lồng ghép nội dung lịch sử địa phương vào những buổi nói chuyện truyền thống; gắn nội dung tìm hiểu lịch sử với các cuộc thi như: Báo cáo viên; bí thư chi bộ giỏi; dân vận khéo…từ đó khơi dậy tinh thần tự hào, lòng yêu quê hương, đất nước trong các tầng lớp nhân dân.
Là một trong những địa phương được đánh giá làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương, thị trấn Đu đã có nhiều cách làm phù hợp. Anh Dương Văn Tân, Bí thư Đoàn thị trấn cho biết: Chúng tôi đã lồng ghép, đưa nội dung trong cuốn lịch sử Đảng bộ vào các hội thi viết bài tìm hiểu truyền thống, sinh hoạt cụm ở các chi đoàn thông qua trò chơi, giao lưu văn nghệ và hái hoa dân chủ để trả lời câu hỏi. Từ đầu năm tới nay, Đoàn thị trấn còn tổ chức một buổi tọa đàm với chủ đề “Đảng với thanh niên, thanh niên với Đảng” để đối thoại và nghe các bậc lão thành cách mạng ở địa phương nói chuyện, giáo dục truyền thống. Ngoài ra, các hoạt động gặp mặt nhân chứng lịch sử là đảng viên cao tuổi, thương bệnh binh; thăm và tặng quà người có công hay ra quân dọn dẹp nghĩa trang và di tích lịch sử cũng là một cách giáo dục với đoàn viên thanh niên.
Trong các nhà trường, việc dạy lịch sử địa phương đã được tích hợp trong các môn học xã hội như: Văn học, Lịch sử, Giáo dục công dân… Cô giáo Nguyễn Thị Bé, dạy môn Giáo dục công dân, Trường THCS Phấn Mễ 2 cho biết: Thực tế ở các tiết học tích hợp liên môn, trong đó có phần nói về lịch sử địa phương đều được các em học sinh hứng thú tiếp nhận. Chúng tôi giới thiệu cho các em về một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên của huyện ở xóm Hái Hoa; sự kiện đế quốc Mỹ ném bom khiến nhiều người chết và bị thương ở khu vực xóm Mỹ Khánh hay tên, chức vụ của lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ. Qua các tiết học như vậy, các em hiểu hơn về quê hương mình và biết trân trọng những giá trị lịch sử truyền thống.
Ông Doãn Thanh Nhân, Trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy cho biết thêm: Thời gian tới, một trong những nhiệm vụ được chúng tôi chú trọng là tiếp tục đưa nội dung giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy tại các trường THCS, THPT và Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Cùng với đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử thông qua hoạt động của các hội, đoàn thể chính trị ở cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tiến hành tái bản, bổ sung những cuốn sách lịch sử đã phát hành nhưng chưa đảm bảo chất lượng.