Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi “ Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào 2017”. Đây là một trong những hoạt động quan trọng hưởng ứng “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào 2017”, chào mừng 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 – 5/9/2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 – 18/7/2017).
Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Kikeo Khaykhamphithoun (Ki-kẹo Khảy-khăm-phị-thun), Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tới dự và trao giải.
Tham dự buổi lễ còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, đảng ủy trực thuộc Trung ương; một số thành viên Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đang thăm, làm việc tại Việt Nam; các cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào, các cựu chiến binh, nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, các sinh viên, các tập thể và cá nhân đoạt giải.
Báo cáo tổng kết cuộc thi, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh cho biết, Cuộc thi chính thức khởi động từ ngày 18/4/2017. Với hai hình thức: thi trắc nghiệm và thi viết, Cuộc thi thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên khắp mọi vùng miền Tổ quốc. Trong 28 tuần thi trắc nghiệm trên một số báo điện tử đã có trên 307 nghìn lượt người tham gia (trung bình khoảng 11.000 lượt người dự thi/tuần). Số lượng người tham gia dự thi tăng theo từng tuần, có những tuần tăng cao (gần 23.000 lượt) thể hiện rõ sự lan tỏa rộng rãi của Cuộc thi.
Đối với phần thi viết, đến hết tháng 9, các tỉnh, thành trên toàn quốc đã nhận được gần 3 triệu bài dự thi. Trên cơ sở chấm thi, xét chọn trao giải tại cơ sở, tuyển chọn các bài có chất lượng cao gửi tham gia dự thi cấp Trung ương theo quy định, Ban Tổ chức Cuộc thi viết cấp Trung ương đã nhận được hơn 2.000 bài thi xuất sắc.
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh, đối tượng dự thi trong Cuộc thi này khá phong phú, thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề, vùng miền… Từ những cán bộ tiền khởi nghĩa nay đã ở tuổi 90 đến những sinh viên, trong đó có cả những sinh viên Lào đang học tập trên đất nước Việt Nam; các chiến sỹ lực lượng vũ trang… Có những “thí sinh” dự thi là vợ chồng cựu chiến binh già từng chiến đấu, tình nguyện trên đất bạn Lào.
Các bài dự thi gửi về Ban Tổ chức cấp Trung ương đều được trình bày công phu, nội dung sinh động, bám sát Thể lệ và chủ đề gợi ý của Ban Tổ chức Cuộc thi Trung ương. Nhiều tập thể, cá nhân, ngoài phần tham gia viết theo quy định của Thể lệ đã sưu tầm nhiều tư liệu, ảnh, hiện vật đặc sắc; xây dựng mô hình với nhiều nét sáng tạo, độc đáo minh hoạt cho bài thi, thể hiện rõ nét tình cảm thiêng liêng, thân thiết trong lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
“Vượt” qua thể lệ chặt chẽ, về việc mỗi bài dự thi gói gọn trong 5.000 từ, nhiều sinh viên, học sinh đã khéo léo chọn cách bổ sung qua phần phụ lục các hình ảnh, tư liệu, thăm dò dư luận về hiểu biết văn hóa Lào, về tình hữu nghị Việt - Lào. Không ít bài viết dùng cả hai thứ tiếng Việt Nam và Lào thật sự công phu.
Nhiều bài viết chia sẻ về kỷ niệm, ký ức xúc động của các cựu bộ đội tình nguyện Việt Nam, cựu chuyên gia quân sự, văn hóa tại Lào về năm tháng bộ đội Việt Nam cùng bộ đội Pathet và nhân dân Lào sống, chiến đấu trên các chiến trường đạn bom ác liệt tại chiến dịch Cù Kiệt, chiến dịch Đường 9 - Trung Lào, Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng, chiến dịch tiến công Nặm Bạc; hay trên tuyến đường vận tải chiến lược Tây Trường Sơn...; những câu chuyện được ghi chép trên đường hành quân; tình cảm của các bà mẹ, các cô gái Lào đối với bộ đội Việt Nam; những tấm gương hy sinh quả cảm của quân đội, nhân dân hai nước.
Bên cạnh những ký ức hào hùng về một thời đạn bom chiến tranh, nhiều kỷ niệm đặc biệt về những người bạn Lào trong thời bình, những tình cảm gắn kết, thắm đượm nghĩa tình giữa nhân dân Việt - Lào cũng đã được gửi gắm vào bài thi như: Câu chuyện về đồng chí Bun Ưa Phom Khê (nguyên Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Savanakhet) với 17 năm gắn bó cùng các đoàn Việt Nam tìm kiếm, cất bốc hơn 5.000 ngôi mộ liệt sỹ Việt Nam hy sinh trên chiến trường Lào trong những năm tháng chống đế quốc Mỹ. Những tâm sự về người bố, hiện đang công tác tại Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay ở vùng Biên giới Việt – Lào qua lăng kính của cô học trò lớp 9, tỉnh Quảng Trị; tình cảm đặc biệt gắn kết giữa hai chị em kết nghĩa - cô giáo trẻ Lưu Khánh Linh, trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái với Khampasot, một sinh viên Lào, mang trong mình hai dòng máu Việt- Lào…
Với thành viên Hội đồng giám khảo là các nhà sử học, các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao... Sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban Tổ chức đã trao 23 giải tập thể, trong đó có 1 giải Nhất, hai giải Nhì, 5 giải Ba và 15 giải Khuyến khích; 32 giải cá nhân gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 5 giải Ba và 20 giải Khuyến khích. Trong phần thi trắc nghiệm đã có 84 giải thưởng được trao tặng các tác giả gồm: 28 giải Nhất, 28 giải Nhì, 28 giải Ba.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Kikeo Khaykhamphithoun đã trao Giải Nhất tập thể tặng tỉnh Ninh Bình và giải Nhất cá nhân tặng tác giả Phạm Thị Hồng Duyên, Giáo viên trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, huyện Sóc Sơn, Hà Nội./.