Về xã Tân Thành (Phú Bình) một ngày giữa đông, đi trên những con đường bê tông phẳng rộng, uốn lượn xen lẫn những đồi cây keo, thấp thoáng là những ngôi nhà cao tầng kiểu dáng hiện đại, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân nơi đây.
Tân Thành là địa phương có diện tích đất rừng nhiều nhất huyện, với 1.500ha. Những năm gần đây, kinh tế đồi rừng đã được người dân trong xã chú trọng phát triển, nhờ đó mà nhiều ngành nghề khác như chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp… cũng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Theo ông Đinh Văn Phượng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Thành: Kinh tế rừng đã và đang tạo ra lợi thế trong phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng trong xã đã được người dân chuyển đổi sang trồng cây keo lai, thay thế cho cây keo lá tràm, keo tai tượng. Đây là loại cây phát triển tốt, có tác dụng cải tạo đất, thời gian quay vòng nhanh, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng làm ván băm, ván bóc, bột giấy hiện nay.
Nhờ sự chuyển đổi này mà mỗi ha rừng hiện cho thu nhập từ 120 triệu đến 150 triệu đồng, do sản lượng gỗ tăng 50-70% so với các giống cây trồng cũ. Đặc biệt, cùng với phát triển kinh tế rừng, nhiều hộ còn tận dụng chăn nuôi gà dưới tán rừng, qua đó cũng giúp cây trồng mau lớn hơn. Trên địa bàn xã hiện nay, nhiều hộ có từ vài đến hàng chục ha rừng, như hộ bà Tô Thị Vấn, xóm Suối Lửa có 10ha; hộ bà Trần Thị Lại, xóm La Bì có 6ha,; hộ ông Nguyễn Mạnh Thâu, xóm Đồng Bầu Trong có 6ha…
Chị Nguyễn Thị Thương, xóm La Bì cho biết: Tháng 9 vừa rồi, gia đình tôi bán 1,5ha rừng keo cho chủ cơ sở ván băm trong xã. Sau 6 năm trồng, chỉ mất 10 triệu đồng đầu tư (cây giống, phân bón) nhưng đã cho thu nhập 150 triệu đồng. Số tiền này, gia đình đã đầu tư làm chống nóng cho ngôi nhà mới và xây lại gian bếp. Ngay sau khi khai thác, toàn bộ diện tích đó đã được phủ xanh bởi 4.500 cây keo lai.
Giờ đây, rừng đã được người dân trồng quanh năm, thay vì chỉ trồng ở vụ xuân như trước kia. Điều này khiến số diện tích rừng trồng do nhân dân chiếm đa số. Đơn cử như năm 2017, toàn xã trồng được 100ha rừng, trong đó có tới 97ha do nhân dân tự mua giống về trồng, 3ha được trồng theo chương trình trồng rừng 147. Điều này phần nào minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy trồng rừng của người dân. “Kinh tế rừng tại Tân Thành đang ngày càng được phát huy khi việc thu mua cây rừng đến tuổi khai thác hiện nay rất thuận tiện, lại được giá, sản phẩm được tận thu khi các xưởng băm gỗ, bóc gỗ xuất hiện ngày càng nhiều tại địa phương” - Ông Nguyễn Mạnh Thâu người có 6ha rừng ở xóm Đồng Bầu Trong nhận xét. Hiện, Tân Thành có 10 xưởng bóc và băm gỗ, tạo công ăn việc làm cho trên 300 lao động tại địa phương, với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Tận dụng tán rừng, nhiều hộ còn kết hợp chăn nuôi gà cho hiệu quả kinh tế cao. Gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, xóm Vo là một điểm hình trong số đó. 20 năm nay ông Tiến duy trì chăn nuôi gà dưới tán rừng. Theo ông Tiến, mô hình này có sự hỗ trợ cho nhau rất hiệu quả. Đến nay, ông Tiến đã phát triển quy mô đàn gà lên 6 nghìn con gà/lứa, tăng gấp đôi so với 2 năm trở về trước. Hiện, trên địa bàn xã có 3 trang trại, gần 20 gia trại chăn nuôi gà. Trung bình mỗi lứa các trang trại, gia trại nuôi từ 1.000- 3.000 nghìn con. Ngoài ra, toàn xã còn có hàng trăm hộ nuôi gà với quy mô dưới 1.000 con/ lứa.
Cùng với trồng rừng và chăn nuôi, những thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân Tân Thành còn được thể hiện trong việc gieo cấy lúa. Ông Nguyễn Văn Bất, Bí thư Chi bộ Vo phấn khởi “khoe”: Vụ mùa vừa rồi, trong khi một số giống lúa cho năng suất kém thì giống lúa BTE1 vẫn cho năng suất từ 2-2,5 tạ/ sào (cao gấp 2 lần giống U17, Bao Thai mà người dân vẫn cấy trước kia). Hiện 2/3 diện tích đất cấy lúa của bà con đã trồng giống lúa này. Có được sự thay đổi là do năm 2013, xóm được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai mô hình trình diễn giống lúa lai BTE1. Khi mô hình triển khai, các kỹ sư đã tư vấn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là quy trình canh tác lúa cải tiến SRI. Ngoài ra, bà con trong toàn xã còn ý thức được gieo cấy theo mô hình tập trung, năm 2017 đã thực hiện được 9 mô hình, với diện tích 120ha, chiếm 40% tổng diện tích gieo cấy của cả xã.
Đây là minh chứng cho nỗ lực mà Đảng bộ xã Tân Thành đạt được trong việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Với đặc thù là xã miền núi, 60% dân số là người dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng thiếu thốn nên trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Tân Thành nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: Tích cực chỉ đạo nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng tại địa phương... Quá trình thực hiện, Đảng bộ xã luôn có sự chỉ đạo sát sao, kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện của các chi bộ. Về phía UBND xã, đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp học nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật theo nhu cầu của người dân; thành lập 2 hợp tác xã chăn nuôi để người dân có điều kiện liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển; chủ động, tích cực phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện giúp người trồng rừng thực hiện các khâu từ thiết kế, trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ, khai thác rừng…
Ông Đinh Văn Phượng cho rằng, mặc dù Tân Thành hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và vẫn là một trong những xã nghèo của huyện nhưng những gì mà xã đạt được trong thời gian qua là rất đáng kể. Bởi chỉ trước năm 2011, có khoảng gần 25% hộ dân trên địa bàn thiếu đói lúc giáp hạt, thì nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm còn 18% và không còn hộ thiếu đói. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 18 triệu đồng/người/năm (tăng 6 triệu đồng so với năm 2012). Kinh tế phát triển đã giúp người dân có điều kiện thuận lợi để đối ứng xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương. Đến nay, 40% đường trục chính của xã đã được cứng hóa (tăng 20% so với 5 năm trước); hệ thống điện sinh hoạt, sản xuất đã đến được tới tất cả các hộ dân; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường và không còn tỷ lệ học sinh tiểu học, trung học cơ sở bỏ học giữa chừng; xã đã hoàn thành 11 tiêu chí nông thôn mới (tăng 6 tiêu chí so với năm 2011)…