Sáng 23/2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý một số nội dung chủ yếu trong Đề án “Cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Các đại biểu cho rằng, việc xây dựng đề án là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, vai trò của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, tố cáo còn mờ nhạt, chưa có phương thức giám sát hiệu quả.
Nhiều nơi còn hình thành “lợi ích nhóm” để xử lý một cách tiêu cực đối với người phản ánh, người tố cáo. Thậm chí, kể cả chính quyền, doanh nghiệp cùng bắt tay với nhau để làm xấu đi người tố cáo.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, Đề án vẫn chưa thể hiện rõ cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái. Do đó, Đề án phải thể hiện đủ 4 nhóm chủ đề đó là: Tổ chức Đảng bảo vệ; Hệ thống chính quyền phải bảo vệ; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân bảo vệ.
“Phải có giải pháp đi kèm, Đảng sẽ làm gì, Chính quyền làm gì, MTTQ làm gì và nhân dân phải làm gì? Bản thân người trong khu dân cư có bảo vệ công dân không, cách bảo vệ phải thể hiện rõ. Ở đây là bảo vệ người tố cáo cán bộ đảng viên có chức có quyền. Điều quan trọng nhất ở đây là cơ chế bảo vệ họ thì có Luật tố cáo là biện pháp bảo vệ. Nhưng mỗi biện pháp phù hợp với từng trường hợp” – ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
So sánh với nhiều nước trên thế giới, PGS Bùi Xuân Đức, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cán bộ và khoa học của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một trong những nước yếu nhất trong phản ánh đấu tranh, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam chỉ chiếm 38% người dân tham gia vào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế không cởi mở, tổ chức chưa rõ ràng. Cơ chế không chỉ là pháp luật mà còn là sự chỉ đạo.
“Muốn người dân tham gia đấu tranh thì phải đi vào vấn đề sát để hiểu tại sao người ta không dám đấu tranh. Phải hình thành cơ chế bảo vệ hữu hiệu, như tiếp nhận thông tin tố cáo, phản ánh qua điện thoại hay nặc danh… Công khai thông tin, xử lý và bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần, bảo vệ việc làm cho họ và khen thưởng vinh danh; trách nhiệm của người xử lý việc tố cáo tham nhũng” – PGS Bùi Xuân Đức nhấn mạnh.
Một số ý kiến cũng đề nghị, cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái không thể tách rời khỏi Luật tố cáo. Cơ chế bảo vệ người tố cáo phải được Luật hóa. Đồng thời đề nghị Mặt trận Tổ quốc phải đề cao vai trò giám sát và phản biện xã hội, phòng chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên./.