Yên Ninh từng là một trong những xã thuộc top đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương với 95% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu sống bằng nghề làm nông nghiệp. Ở thời điểm năm 2010, số hộ nghèo của xã vẫn chiếm tới 53,2%; một số xóm chưa có đảng viên phải sinh hoạt ghép; vai trò lãnh đạo của Đảng chưa được phát huy... Nay, Yên Ninh đã khoác lên mình một tấm áo mới, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển tích cực. Xã đã “xóa” xóm trắng đảng viên, chi bộ sinh hoạt ghép; đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới.
Theo đồng chí Triệu Nguyên Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Yên Ninh, một trong những nguyên nhân cơ bản góp phần tạo nên những thành công để Yên Ninh thoát khỏi danh sách những xã nghèo là do cấp ủy, chính quyền luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; chủ động đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Đảng các cấp thường xuyên được quan tâm chỉ đạo kịp thời. Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội được đẩy mạnh; dân chủ cơ sở được phát huy; khối đại đoàn kết được củng cố và tăng cường tạo sự đồng thuận, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ.
Chúng tôi rời UBND xã đến thăm các xóm Suối Bốc, Suối Hang, Khe Khoang... nơi an cư của một bộ phận đồng bào dân tộc Dao. Kỷ niệm như thước phim quay chậm ùa về, hơn mười năm trước, chúng tôi từng xót xa, ám ảnh trước những câu chuyện đói nghèo ở nơi đây, nhiều trẻ em không được tới lớp, phải lên rừng hái măng, đốt rẫy làm nương cùng cha mẹ, bữa cơm thiếu chất khiến những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng, tuổi lên 10 mà cứ ngỡ mới lên 5. Cuộc sống của bà con ở nhiều xóm bản quanh năm tù mù trong ánh đèn dầu leo lét; hỏi gì về thế giới bên ngoài cũng không biết, không hay. Lúc đó, bản Khe Khoang khi chúng tôi tới, cảnh tượng hoang vắng không khác gì hoang đảo, nhà nhà đóng cửa im lìm, tìm mãi mới thấy mấy đứa trẻ “trứng gà, trứng vịt” mong manh áo vá trong tiết trời đông lạnh giá thơ thẩn trông nhau, hỏi ra mới biết tất cả người lớn trong bản đều lên rừng hái măng, chặt cây chít về làm chổi bán; người già không đủ sức lao động mới đành phải ở nhà.
Nay đến Khe Khoang, chúng tôi đi trên con đường mới được mở rộng, đổ bê tông, nhiều nhà tranh vách đất đã thay thế bằng nhà kiên cố, người Dao Khe khoang đã có điện để có thể nghe đài, xem ti vi... nắm bắt thông tin trong nước, quốc tế, và học tập cách làm kinh tế, họ không còn lên rừng bẻ măng, bẻ chít mà tập trung thâm canh chè, trồng rừng, chăn nuôi lợn, gà... Đặc biệt, xóm Khe Khoang đã thành lập được Chi bộ, gồm 4 đảng viên. Các đảng viên đều tiên phong, gương mẫu trong mọi phong trào, phát huy được vị trí, vai trò trong lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, hiến đất làm đường, đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình phúc lợi... Không chỉ xóm Khe Khoang thành lập được Chi bộ mà các xóm người Dao Suối Hang, Ba Họ... cũng đã phát triển được từ 4-6 đảng viên.
Đồng chí Hoàng Thông Báo, Bí thư Chi bộ xóm Ba Họ cho biết: “Xóm Ba Họ đã thành lập được Chi bộ với 6 đảng viên, chúng tôi luôn đi đầu, gương mẫu, tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, không chặt phá rừng, mà phát huy thế mạnh địa hình tập trung đầu tư chăn nuôi trâu, bò, dê, trồng chè... Nhờ đó, đời sống người dân Ba Họ đã khám khá hơn trước rất nhiều, không còn hộ đói đứt bữa,100% trẻ trong độ tuổi được đến trường...”.
Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội của tổ chức đảng ở cơ sở ở Yên Ninh được phát huy; các nghị quyết dễ dàng đi vào cuộc sống, tiếp thêm luồng sinh khí mới cho các xóm, bản “cựa mình” phát triển. Người dân Yên Ninh đã tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, thay đổi tư duy làm ăn, mạnh dạn vay vốn làm ăn, chủ động đưa các giống cây, con mới vào sản xuất. Chỉ tính riêng năm 2017, xã đã tổ chức được 10 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho hơn 300 lượt người tham gia; gần 37 tỷ đồng đã được các ngân hàng giải ngân cho hơn 1.000 hộ vay phát triển kinh tế. Người nông dân Yên Ninh không còn phá rừng, khai thác rừng bừa bãi mà họ đã tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; phá thế độc canh cây lúa bằng việc đưa các giống cây trồng mới, cho hiệu qủa kinh tế cao vào sản xuất như trồng gần 10ha cây dược liệu Thìa Canh (chữa bệnh tiểu đường); hơn 50ha chuối tây; thâm canh hơn 170ha chè kinh doanh...Tháng 4 năm 2017, Yên Ninh thoát khỏi danh sách xã nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 22% xuống còn hơn 15%. Kết qủa đó là sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò rường cột của 265 đảng viên sinh hoạt ở 20 chi bộ. Họ là những hạt nhân tích cực thúc đẩy các hoạt động, phong trào từ cơ sở, là những tấm gương sáng cho các quần chúng học tập và làm theo.