Thí điểm mô hình mới về kiêm nhiệm chức danh

16:27, 01/05/2018

Nhằm sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị huyện Phú Bình tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thời gian vừa qua, Huyện ủy Phú Bình đã thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh. Trong đó, đối với hệ thống tổ chức Đảng đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện. Mô hình này tuy mới thực hiện từ tháng 1 năm nay nhưng đã cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn để giảm đầu mối trung gian và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Ông Nguyễn Đăng Tám, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Phú Bình cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” sẽ góp phần tinh gọn hệ thống tổ chức của Đảng mà không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Đây cũng là một mảng của Ban Tuyên giáo nên không có gì trở ngại khi thực hiện mô hình này, thậm chí còn thuận lợi hơn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Tìm hiểu về chức năng nhiệm vụ, mối quan hệ của Ban Tuyên giáo và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị ở huyện Phú Bình chúng tôi được biết Ban Tuyên giáo là cơ quan tham mưu của Huyện ủy mà trực tiếp là Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy về công tác xây dựng Đảng thuộc các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương. Đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của Huyện ủy. Còn Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện là đơn vị sự nghiệp thuộc cấp ủy và UBND huyện. Đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ huyện ủy. Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện có chức năng đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức, kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, kiến thức quản lý cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn huyện. Các chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng đối với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện do Ban Tuyên giáo Huyện ủy chỉ đạo. Như vậy, việc Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện sẽ tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, giảm được tầng nấc làm việc khi Trung tâm Bồi dưỡng chính trị không phải mất thời gian thực hiện thủ tục “xin”, “chờ” ý kiến của Ban Tuyên giáo Huyện ủy như trước đây.

Bà Lê Thị Hào, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Phú Bình cho biết: Hoạt động giảng dạy lý luận chính trị, bồi dưỡng đào tạo cho cán bộ cơ sở là một nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Do đó, thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện sẽ có nhiều thuận lợi, nhất là khi đồng chí đứng đầu đơn vị lại là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy. Điều này sẽ giúp Trung tâm và các đồng chí giảng viên tiếp cận nhanh hơn, thuận lợi hơn các chủ trương của cấp trên cũng như của huyện và các văn bản, hướng dẫn, nội dung nghị quyết mới để áp dụng vào bài giảng.

Thực tế ở huyện Phú Bình cho thấy, việc thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện là phù hợp, góp phần đơn giản hóa một số hoạt động mà vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng giảng dạy của Trung tâm. Ví dụ như trước kia, theo quy định thì tất cả các nội dung, chương trình lên lớp của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện đều phải chuẩn bị trước để Ban Tuyên giáo Huyện ủy thông qua mới đưa vào giảng dạy. Nhưng khi thực hiện nhất thể hóa chức danh thì việc làm này được rút ngắn bởi có sự định hướng, chỉ đạo trực tiếp từ đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm. Điều này cũng giúp cho tiến độ giảng dạy, mở lớp của Trung tâm được đảm bảo và nhanh hơn các năm trước. Trung bình hàng năm, trong quý I Trung tâm thường mở được khoảng 4 lớp bồi dưỡng nhưng quý I năm nay Trung tâm đã mở được 7 lớp. Việc chọn lựa đội ngũ giảng viên, báo cáo viên cũng luôn được chú trọng, đó đều là những người có năng lực, uy tín, nhiều kinh nghiệm thực tiễn và khả năng truyền đạt tốt nên chất lượng giảng dạy của Trung tâm cũng ngày càng được nâng cao.

Có thể thấy việc đưa vào thực hiện mô hình kiêm nhiệm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII không chỉ làm cho bộ máy tổ chức tinh gọn mà còn hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất hiện nay đối với một số cán bộ của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Phú Bình là chế độ, chính sách dành cho đội ngũ cán bộ, công chức của Trung tâm còn khó khăn. Theo ông Nguyễn Đăng Tám cho biết: Nếu cán bộ, công chức được hưởng thêm chế độ phụ cấp sẽ kích thích mọi người dành nhiều thời gian, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng giảng dạy từ đó cũng sẽ được nâng lên.