Nhắc nhớ quá khứ, bao kỷ niệm bỗng ùa về như thước phim quay chậm trong lòng người Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) Nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước - ông Trần Xuân Thiện, khiến cảm xúc lúc trào dâng mãnh liệt, lúc lại lắng dịu sâu xa, tiếng nói nghẹn ngào trong nước mắt xen lẫn nụ cười.
Sáu chiến sĩ làm tê liệt cả một liên đoàn biệt động
Một sáng tháng 5, trong ngôi nhà mới xây khang trang, thoáng rộng ở xóm Cọ Một, xã Phấn Mễ (Phú Lương) chúng tôi may mắn được trò chuyện với Anh hùng LLVT Nhân dân Trần Xuân Thiện. Gương mặt, ánh mắt ông Thiện rạng ngời niềm vui khi nhắc đến những đồng đội đã chiến đấu anh dũng ra sao, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau thế nào trong khó khăn, lửa đạn; lúc lại ánh lên niềm tự hào về bao trận chiến thắng vang dội; rồi trầm buồn, trĩu nặng tâm tư khi kể tới sự hy sinh, mất mát của đồng đội…
Anh hùng LLVT Trần Xuân Thiện ngồi hiện hữu ngay trước mặt tôi có nước da ngăm đen, gương mặt rắn rỏi, cương nghị, giọng nói trầm ấm, tác phong điềm đạm, dễ gần. Chiến tranh đã khiến ông mất đi phần lớn sức khỏe khi những mảnh đạn pháo của giặc Mỹ găm vào sống mũi, vào cổ; chất độc hóa học ngấm vào từng đường gân thớ thịt; những trận sốt rét như hút cạn sinh lực của ông nhưng không thể lấy đi sự mưu trí, gan dạ, dũng cảm, lòng quyết tâm chiến đấu và chiến thắng đến hơi thở cuối cùng. Hơn 17 năm binh nghiệp, ông đã trực tiếp tham gia chỉ huy 11 trận đánh lớn, nhỏ và đều giành chiến thắng. Nhắc đến ông, đồng đội không thể không kể tới trận đánh “Chốt chặn giao thông trên đường 7 Cheo Reo” vào ngày 19/3/1975, chỉ với 6 chiến sĩ (do ông là chỉ huy) mà tiêu diệt hơn 40 tên địch; bắn cháy 8 xe tăng và xe bọc thép; bắt sống 90 tù binh; thu hai xe vũ khí đầy, 17 xe tăng và xe bọc thép…; làm tê liệt hoàn toàn một liên đội biệt động của Ngụy. Hay như trận Buôn Hồ ngày 12/3/1975, lần đầu tiên ông xung trận với tư cách người đảng viên Đảng Cộng sản và cương vị Tiểu đội trưởng. Lúc đó, Tiểu đội do ông Thiện chỉ huy đã tiến vào trận địa của địch mà pháo yểm trợ bên ta vẫn chưa dứt. Nhằm ngăn chặn thương vong, ông đã dũng cảm đứng lên điểm cao phất cờ Tổ quốc làm tín hiệu chuyển làn, đồng thời nhanh chóng chỉ huy Tiểu đội phá vỡ hàng rào chống tăng của địch giúp quân ta giành chiến thắng mà quân số vẫn được bảo toàn. Sự mưu trí, gan dạ của ông Thiện có sức ảnh hưởng rất lớn nên nên Sư đoàn 320 (đơn vị của ông Thiện) quyết định phát động phong trào “Bình tĩnh, dũng cảm, mưu trí, linh hoạt trong chiến đấu” trong toàn Sư đoàn. Tháng 4-1975, trong khí thế tiến công như vũ bão về giải phóng Sài Gòn, ông Thiện với khẩu B40 trên vai lại tiếp tục dập tắt những điểm chốt hỏa lực mạnh của địch, hạn chế thương vong cho ta. Bình thường, mỗi người lính chỉ đủ sức bắn 6-8 quả B40 một ngày, nhưng trong khí thế ngút trời tấn công cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn, ông Thiện đã bắn tới 18 phát B40 trúng đích trong ngày 29/4/1975, góp phần giải phóng quận Hóc Môn, mở toang cánh cửa dẫn vào Tây Bắc Sài Gòn… Với những chiến công vang dội đó ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Cái kết có hậu cho mối tình 9 năm
Năm học cấp II, thanh niên Trần Xuân Thiện đã phải lòng cô bạn cùng trường Nguyễn Thị Công. Nhưng trước cảnh đất nước nguy nan, thù trong giặc ngoài, chàng trai 17 tuổi đã tạm xa vắng người yêu để lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Bao yêu thương, nhớ nhung, khắc khoải đành gửi trọn vào hai chữ “đợi chờ”. Sự khốc liệt của chiến tranh khiến người lính trẻ Trần Xuân Thiện hiểu được giữa sự sống và cái chết chỉ mong manh như sợi tóc. Không đành làm lỡ dở một đời xuân sắc của người con gái mình yêu thương, ông Thiện đã nhiều lần viết thư khuyên bà Công đi lấy chồng. Nhưng bà Công đã cương quyết nói rằng: Dù có phải chờ đợi ông cả đời, bà cũng chờ bởi không ai có thể thay thế được ông trong trái tim bà. Tình yêu thủy chung, son sắt của bà Công đã tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao khiến ông Thiện có thêm nghị lực để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù mong sớm trở về đoàn tụ với gia đình, với người con gái mà ông thương yêu nhất. 9 năm cho một lời hẹn ước trọn vẹn, và vỏn vẹn 6 ngày phép cho đôi uyên ương kết duyên chồng vợ, rồi ông Thiện lại phải tạm biệt người vợ trẻ lên đường làm nhiệm vụ. Trong xa cách, nghĩa vợ, tình chồng càng thêm nồng nàn, tha thiết, bà Công lần lượt sinh cho ông Thiện 4 người con đủ nếp - tẻ, trong đó 2 người con trai và gái nối nghiệp cha theo con đường binh nghiệp. Nhớ lại quãng thời gian bà Công một mình khuya sớm vất vả lo toan, chăm sóc cho gia đình chồng và nuôi nấng các con, ông Thiện không giấu được cảm xúc bùi ngùi. Ông bảo: Bà ấy đã hy sinh cả một đời cho chồng, cho con, hoàn cảnh nhiều lúc khó khăn kiệt quệ, giật gấu vá vai, vay mượn đắp đổi qua ngày, có những lúc tưởng không vượt qua được, nhưng vợ tôi không một lời kêu ca phàn nàn, sớm hôm tần tảo ruộng vườn, tận tình chăm sóc bố mẹ chồng và nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Trong số 4 người con, có hai cháu đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tôi sống sót trở về là một sự may mắn rất lớn so với bao nhiêu đồng đội phải nằm lại nơi chiến trường, nên luôn tự nhủ mình phải sống sao cho xứng đáng với những hy sinh, mất mát đó. Sau khi phục viên (năm 1989), tôi vẫn tham gia các công tác xã hội ở địa phương; tích cực phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và sống chan hòa, mẫu mực, làm nhiều việc tốt cho con, cháu noi theo. Từ năm 2001 đến nay, tôi đã 7 lần trở lại chiến trường Tây Nguyên thăm đồng đội. Nỗi nhớ đồng đội luôn theo tôi cả trong những giấc mơ…
Nói đến đây, ông Thiện dừng lời, nén lau vội nước mắt. Tôi đưa mắt ngắm nhìn những tấm Huân, Huy chương cao quý ghi nhận những chiến công và thành tích xuất sắc mà ông Trần Xuân Thiện cùng đồng đội đã phải đánh đổi bằng máu và nước mắt, trong lòng thầm nghĩ: Ông xứng đáng là người Anh hùng LLVT Nhân dân - người Anh hùng bình dị trong cuộc sống đời thường, có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ, tích cực tới lớp lớp hậu sinh như chúng tôi, những người may mắn được sống trong hòa bình. Tôi chợt nhớ tới câu hát “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay…” .