Quan tâm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

07:29, 07/06/2018

Với lợi thế là trung tâm giáo dục - đào tạo lớn của cả nước, trên địa bàn tỉnh có đội ngũ trí thức khá dồi dào, đứng hàng thứ ba toàn quốc. Những năm qua, đội ngũ trí thức đã có đóng góp rất quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh, vừa giữ vai trò lãnh đạo, điều hành xã hội, vừa trực tiếp tham gia thực hiện những công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao...

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động số 23-CT/TU ngày 28/10/2008 và được cụ thể hóa bằng các nghị quyết, đề án cụ thể nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức phát huy năng lực, hoạt động sáng tạo, phục vụ quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Cùng với việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải thiện môi trường làm việc, tỉnh đã ban hành các chính sách cụ thể trong lĩnh vực đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc.

Tiêu biểu là Đề án số 11-ĐA/TU ngày 24/11/2012 của Tỉnh ủy về việc đào tạo 80 thạc sĩ, 20 tiến sĩ bằng nguồn ngân sách của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã chọn cử được 58 cán bộ đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ (trong đó đào tạo 13 tiến sĩ, 45 thạc sĩ) với nhiều nhóm ngành: Y tế, quản lý đô thị, quản lý giáo dục, xây dựng Đảng, chính quyền Nhà nước, quản lý công, quản lý xã hội… Đối với lĩnh vực đào tạo nguồn cán bộ chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, đã mở 4 lớp với 233 học viên tham gia. Tỉnh cũng đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực I mở các lớp cao cấp lý luận chính trị đào tạo tập trung và không tập trung đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định. Từ năm 2009 đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã cử trên 1.040 cán bộ đi học các lớp cao cấp lý luận chính trị, hoàn chỉnh kiến thức và đại học chính trị… Như vậy, có thể thấy là tỉnh đã có rất nhiều chính sách quan tâm khá toàn diện đến phát triển đội ngũ trí thức. Nhờ đó, đội ngũ trí thức của tỉnh có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng. Đến nay đã có gần 6.900 trí thức tham gia ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có 21 giáo sư, 138 phó giáo sư, 603 tiến sĩ, gần 2.600 thạc sĩ, trên 400 văn nghệ sĩ… Đội ngũ này đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, 5 năm qua đã có trên 70 đề tài, dự án với các quy trình kỹ thuật, các loại giống cây con mới đã góp phần chuyển giao những công nghệ mới, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tiêu biểu như các dự án: “Xây dựng mô hình trồng một số giống ổi mới tại Thái Nguyên”; “Ứng dụng công nghệ sản xuất thức ăn viên cho cá từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại tỉnh Thái Nguyên”; đề tài “Nghiên cứu quy trình chiết xuất tạo chế phẩm tinh chè xanh từ chế phẩm của quá trình sản xuất chè xanh Thái Nguyên”...

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhiều đề tài nghiên cứu đã góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền và gắn với định hướng phát triển KT-XH ở địa phương; cung cấp cơ sở khoa học giúp lãnh đạo các cấp đưa ra các chủ trương, chính sách góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.

Trong lĩnh vực khoa học y dược, nhiều kỹ thuật, tiến bộ khoa học công nghệ mới được các trí thức trên địa bàn tỉnh triển khai áp dụng, góp phần tích cực vào việc điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tiêu biểu như: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật vi phẫu vào điều trị; ứng dụng phẫu thuật tim hở, điều trị một số bệnh về tim tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; ứng dụng hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện A Thái Nguyên (kết quả nghiên cứu của đề tài này góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị vô sinh trên địa bàn tỉnh; tính đến tháng 3-2018 đã có 100 em bé chào đời khỏe mạnh và hiện có nhiều sản phụ hiếm muộn đang mang thai nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm)…

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì năng lực sáng tạo trong khoa học công nghệ của tỉnh còn thấp so với các tỉnh trong cả nước; các đề tài khoa học mang tính ứng dụng chưa nhiều, hiệu quả chưa cao; chưa phát huy được hết tiềm năng của đội ngũ trí thức; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, uy tín. Nhiều trí thức trẻ mới tốt nghiệp khó khăn về tìm việc làm phải làm việc trái ngành, nghề đào tạo; cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế về trình độ ngoại ngữ, tin học, thiếu tính chuyên nghiệp nên chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập…

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vỵ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh khẳng định: Hiện nay, lực lượng trí thức của tỉnh chủ yếu tập trung trong ngành Giáo dục, còn khối Đảng, đoàn thể và khối các ngành kinh tế, văn hóa chiếm tỷ lệ thấp, phần lớn số này nằm ở các trung tâm đào tạo. Bên cạnh đó, do công tác tập hợp, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trẻ còn thiếu hiệu quả nên chưa nhân điển hình trí thức trẻ giỏi, tiêu biểu có nhiều đóng góp cho xã hội. Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân ở những chính sách thu hút trí thức về công tác tại tỉnh tuy đã có nhưng chưa thực sự hấp dẫn, động viên trí thức…

Còn theo đồng chí Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên: Kinh tế của tỉnh hiện nay đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào trong thời gian qua, nhưng văn hóa, văn học nghệ thuật thì chưa được đầu tư phát triển tương xứng. Nếu không chú ý để làm sao cho văn hóa phát triển bắt nhịp với đời sống kinh tế thì sẽ hết sức nguy hiểm. Chúng tôi mong rằng tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” tiếp tục được cụ thể hóa, thực hiện đồng bộ trong những chủ trương chính sách của tỉnh, để tạo cơ chế cho văn học, nghệ thuật tỉnh nhà đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng bộ, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại thì một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra đối với tỉnh hiện nay là cần tiếp tục quan tâm đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tư duy độc lập, làm chủ khoa học công nghệ và cân đối giữa các ngành cũng như nhu cầu của địa phương. Trong đó, tập trung phát triển đội ngũ trí thức trẻ; khuyến khích sự sáng tạo, mạnh dạn trong đề xuất, nghiên cứu. Đẩy mạnh liên kết, đặt hàng các nhà khoa học. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các chính sách đãi ngộ với trí thức về tỉnh công tác và cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ; tạo môi trường thuận lợi cho trí thức có cơ hội cống hiến. Thực hiện hiệu quả chính sách đãi ngộ, trọng dụng đối với trí thức, đặc biệt là văn nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà khoa học, trí thức đầu ngành. Cùng với đó cần kịp thời tôn vinh những trí thức có nhiều cống hiến cho sự phát triển của tỉnh...