Việc xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng các nghị quyết chuyên đề với những giải pháp cụ thể đã góp phần giúp Đảng bộ xã Tân Quang (T.P Sông Công) ngày càng phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo. Nghị quyết phù hợp, các cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhân dân đồng thuận thực hiện chính là những yếu tố quan trọng để địa phương giành được nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian gần đây.
Từ cuối năm 2017 đến nay, vấn đề thời sự được nhiều người dân ở xã Tân Quang quan tâm nhất là việc giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện Dự án Khu công nghiệp (KCN) Sông Công II và các dự án liên quan trên địa bàn. Các dự án này có tổng diện tích quy hoạch lên tới gần 300ha (chiếm gần 30% trong tổng diện tích tự nhiên của xã), ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân ở phần lớn các xóm. Khối lượng công việc GPMB rất lớn và yêu cầu tiến độ nhanh, đòi hỏi cả hệ thống chính trị của địa phương phải vào cuộc quyết liệt. Nắm bắt tinh thần này, ngay sau khi nhận được chủ trương, kế hoạch triển khai Dự án KCN Sông Công II, tháng 11-2017, Đảng ủy xã Tân Quang đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về nâng cao hiệu quả lãnh đạo công tác GPMB. Nghị quyết nêu rõ những kết quả, kinh nghiệm cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai, GPMB thực hiện các dự án trên địa bàn xã trước đây, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Công tác tuyên truyền, vận động được đặt lên hàng đầu nhằm để người dân hiểu rõ các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của họ khi Nhà nước thu hồi đất. Bà Trần Thị Tuyến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Quang cho biết: Ngay khi Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo công tác GPMB, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, cùng với các tổ chức thành viên vận động nhân dân không cơi nới, xây dựng đón đền bù, phối hợp với các cơ quan chức năng thống kê tài sản để sớm xây dựng phương án bồi thường. Những trường hợp có ý kiến thắc mắc, cán bộ Mặt trận và các đoàn thể cùng với lãnh đạo xã, xóm đến tận nơi vận động, giải thích thỏa đáng nên đều đạt kết quả. Có thể nói, từ khi có Nghị quyết, hoạt động tuyên truyền của MTTQ xã và các tổ chức thành viên không còn chung chung, hời hợt như trước.
Anh Dương Văn Võ, người dân xóm Làng Dỗ nói: Gia đình tôi bị thu hồi gần 1.900m2 đất và phải di chuyển chỗ ở để phục vụ Dự án đường 36m vào KCN. Lúc đầu, tôi cũng có một chút thắc mắc về giá bồi thường và việc kiểm đếm tài sản nhưng khi được cán bộ xóm, xã giải thích đầy đủ, thấy đúng nên đã đồng thuận di chuyển…
Cùng với tuyên truyền, vận động, Đảng ủy xã Tân Quang chỉ đạo chính quyền, cán bộ chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố triển khai các thủ tục GPMB đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, không để người dân bị thiệt thòi. Đồng thời tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản các hộ xây dựng, cơi nới công trình nhằm đón đền bù. Quán triệt cán bộ, đảng viên gương mẫu để người dân làm theo, xử lý những đảng viên vi phạm về lĩnh vực này. Ví dụ như trường hợp gia đình 6 đảng viên của Chi bộ xóm La Chững có cơi nới công trình sau khi công bố quy hoạch chi tiết, Đảng ủy xã đã yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc. Từ đó không còn đảng viên trong xã vi phạm tương tự, tình trạng người dân xây dựng đón đền bù trong vùng dự án xảy ra không nhiều… Với những giải pháp tích cực, phù hợp đó, công tác GPMB các dự án tại xã Tân Quang cơ bản đảm bảo đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu đầu tư và không làm phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.
Trước đó, do xác định nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn có vai trò quan trọng và ngày càng phức tạp, đầu năm 2017, Đảng ủy xã Tân Quang đã xây dựng Nghị quyết lãnh đạo công tác này. Những giải pháp phù hợp và sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền xã đã khiến tình trạng người dân vi phạm về xây dựng, vi phạm về đất đai, lấn chiếm hành lang giao thông giảm hẳn. Xã được T.P Sông Công đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác luôn tiềm ẩn sự phức tạp, khó khăn này.
Dù bắt đầu bước vào giai đoạn công nghiệp hóa mạnh nhưng Tân Quang vốn dĩ là xã thuần nông, phần lớn người dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhằm nâng cao đời sống mọi mặt của người dân, thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới nhanh và đi vào chiều sâu, năm 2015, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết nhấn mạnh công tác tuyên truyền, huy động nội lực trong nhân dân để phát triển hạ tầng, đồng thời tích cực xây dựng các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phù hợp. Việc triển khai tốt Nghị quyết này đã góp phần giúp diện mạo nông thôn của Tân Quang có sự khởi sắc đáng kể trong vài năm gần đây: Một số mô hình hiệu quả được triển khai và nhân rộng (trồng khoai tây thương phẩm, cánh đồng một giống, bưởi diễn, thanh long, chăn nuôi gà gia trại…); thu nhập bình quân của nhân dân năm 2015 mới đạt 22 triệu đồng/người/năm thì nay tăng lên 36 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,53%; phần lớn các tuyến đường trục xã, ngõ xóm đã được bê tông hóa…
Bí thư Đảng ủy xã Tân Quang, bà Ngô Thị Chi chia sẻ: Qua thực tế chúng tôi nhận thấy, việc xây dựng các nghị quyết chuyên đề gắn với nhiệm vụ trọng tâm của địa phương là rất cần thiết và hiệu quả. Bởi như vậy sẽ cụ thể hóa được các chủ trương, nhiệm vụ với những giải pháp cụ thể, huy động tốt sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tạo đồng thuận trong nhân dân. Để nghị quyết được triển khai hiệu quả thì công tác kiểm tra, giám sát cần được coi trọng, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, cán bộ, đảng viên gương mẫu là những yếu tố quyết định.