Kỳ 2: Phát triển đội ngũ trí thức thời kỳ đổi mới

15:39, 17/08/2018

Thái Nguyên được TW Đảng, Chính phủ xác định là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của vùng trung du miền núi Bắc bộ và là một trong những trung tâm đào tạo lớn thứ ba của cả nước với 9 trường Đại học, 25 trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp 52 cơ sở dạy nghề. Đây là lợi thế lớn để tỉnh khai thác góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nhất là đào tạo đội ngũ trí thức.

Nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ trí thức

Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) đã khẳng định: “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức”. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh quốc gia trong chiến lược phát triển. Bối cảnh phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay đang đặt ra yêu cầu rất cao đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Đội ngũ trí thức là nguồn nhân lực quan trọng để xây dựng và phát triển KT-XH của tỉnh theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại.

Để tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý, Đảng bộ tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để tập trung chỉ đạo thực hiện. Đầu tiên, đó là tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong xu thế phát triển cách mạng công nghiệp 4.0. Chú trọng đẩy mạnh triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng trong đội ngũ trí thức bằng cách hình thức thiết thực, hiệu quả.

Nói về đội ngũ trí thức hiện nay, Đồng chí Hoàng Anh Trung, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chia sẻ: Đây là một lực lượng đặc biệt, do vậy cũng cần có sự quan tâm đặc biệt, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho họ phát huy năng lực, hoạt động sáng tạo. Khi mỗi trí thức được xã hội trân trọng, được đánh giá xứng đáng với sự cống hiến, bản thân họ sẽ có tâm trạng và tư tưởng tốt, sẵn sàng đem hết tài năng, trí tuệ để dâng hiến cho sự nghiệp chung.

Tạo vị thế pháp lý và cầu nối cho đội ngũ trí thức


GS-TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN): 

Tính từ năm 2013-2017, ĐHTN đã đào tạo cho tỉnh Thái Nguyên 13.316 cử nhân trình độ đại học, 2.101 cán bộ có trình độ thạc sĩ và 11 cán bộ có trình độ tiến sĩ. Thời gian tới, ĐHTN sẽ phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trên 7 lĩnh vực trọng yếu với tỉnh: Nông, lâm nghiệp, thủy sản; tài nguyên môi trường; giáo dục đào tạo; văn hóa xã hội; y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; công nghệ thông tin và truyền thông; cơ khí, tự động hóa…

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của TW, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các cơ chế, chính sách khả thi, phù hợp, tạo vị thế pháp lý cho hệ thống Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh hoạt động; phát triển thêm các tổ chức hội chuyên ngành, chú trọng các ngành chưa có tổ chức hội và các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh; đẩy mạnh kết nạp các đơn vị khoa học, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục và đào tạo vào hệ thống Liên hiệp hội với tư cách là hội viên tập thể... Tới đây, các hoạt động khuyến khích sáng tạo sẽ được tỉnh tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng như: Duy trì tổ chức, tham dự hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh và toàn quốc; tôn vinh các nhà khoa học tiêu biểu, người sản xuất có nhiều đóng góp, các cá nhân có nhiều sáng tạo trong hoạt động KH&CN.

Theo TS Nguyễn Văn Tảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có 03 cái vướng, đó là: Giữa nhà khoa học và tỉnh, doanh nghiệp đều có nhu cầu nhưng lại chưa gặp nhau ở một điểm do thiếu cầu nối; thứ hai là thủ tục hành chính để thực hiện cho một đề tài, nhiệm vụ khoa học rất rườm rà; thứ ba là cần có sự chủ động hơn giữa tỉnh trong việc đặt hàng đối với các nhà trường. Đội ngũ trí thức cần chủ động hơn trong việc tham mưu với tỉnh thông qua các diễn đàn, hội thảo... Tôi nghĩ, với chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Sở KH&CN phải là đầu mối, phối hợp cũng với các ngành chức năng liên quan là cầu nối “cung và cầu” giữa tỉnh với các trường đại học để nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp gặp được nhau. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ những thủ tục còn rườm rà liên quan đến các lĩnh vực, trong đó có nghiên cứu, chuyển giao các đề tài, dự án, nhiệm vụ KH&CN.

Phát triển khoa học cơ bản gắn với khoa học ứng dụng công nghệ mới

Phát triển khoa học cơ bản sẽ tiếp tục được củng cố và làm tiền để cho khoa học ứng dụng công nghệ mới tiên tiến. Các hội thảo khoa học và tập huấn kỹ thuật, tập trung vào những vấn đề lớn, có ảnh hưởng tích cực đến phát triển KT-XH, trong đó chú trọng các chuyên đề về những sản phẩm lợi thế của tỉnh, các vấn đề người sản xuất quan tâm nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Đồng thời đẩy mạnh liên kết 5 nhà: Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng (ngân hàng) nhằm góp phần tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.


TS Nguyễn Văn Vỵ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh:

Thời gian tới Hội sẽ tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các hội thành viên; định hướng hoạt động cho đội ngũ trí thức theo hướng đa dạng, phong phú để phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức. Đồng thời xây dựng dữ liệu chuyên gia về đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh để gắn kết, khai thác tối đa chất xám của họ trên từng lĩnh vực cụ thể.

iếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW bằng những chính sách, cơ chế không chỉ trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ trí thức mà là tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt nhất để đội ngũ trí thức yên tâm cống hiến, phát huy vai trò, khả năng sáng tạo phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Ðảng (khóa XI) về phát triển KH&CN trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng những cơ chế, chính sách phát huy hơn nữa sức sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN. Cần xây dựng chính sách trọng dụng đặc biệt với cán bộ KH&CN đầu ngành, công nghệ trẻ tài năng; sử dụng hiệu quả đội ngũ sinh viên, nghiên cứu sinh, chuyên gia KH&CN học tập, làm việc ở nước ngoài. Ðồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tác giả các công trình nghiên cứu và triển khai KH&CN.

Với hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra, cùng với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, đội ngũ trí thức của tỉnh chắc chắn sẽ tiếp tục được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Cùng với đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đội ngũ trí thức sẽ đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp phát triển KT-XH, sớm đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, đào tạo, y tế của vùng, bảo đảm cho tỉnh tăng trưởng, phát triển bền vững, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.

Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững (Trích Nghị quyết 27-NQ/TW).