Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng đội ngũ trí thức (Kỳ 1)

16:45, 16/08/2018

Ngày 6/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương (BCH TW) Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Nghị quyết 27-NQ/TW). Chặng đường 10 năm cho nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức của Đảng bộ tỉnh tuy không dài, song để lại nhiều dấu ấn.

Xác định xây dựng đội ngũ trí thức là một trong những giải pháp mang tính đột phá, Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng công tác cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngay sau khi Nghị quyết 27-NQ/TW được ban hành, tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai đến cán bộ chủ chốt, các cấp, các ngành, các đoàn thể, đồng thời ban hành Chương trình hành động số 23-CT/TU ngày 28/10/2008 để triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW nhằm phát huy sức mạnh, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa giới trí thức với nhiệm vụ phát triển của tỉnh.

Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động trí thức

* Từ năm 2009 đến tháng 11-2017, tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I chọn cử 1.043 đồng chí đi học cao cấp lý luận chính trị, hoàn chỉnh kiến thức và đại học chính trị.

* Tính đến tháng 4-2018, toàn tỉnh đã chọn cử được 58 cán bộ đi đào tạo (trong đó có 13 tiến sĩ và 45 thạc sĩ);

* Giai đoạn 2012-2016, tỉnh đã tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện 198 đề tài, dự án, nhiệm vụ KH-CN, trong đó đề tài dự án cấp tỉnh là 179.

Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã rất quan tâm đến việc hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; máy móc thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học được quan tâm đầu tư. Một số cơ quan đã đầu tư xây dựng nhà công vụ cho những cán bộ ở xa; có thư viện, phòng đọc, phòng tư liệu phục vụ việc khai thác thông tin, bổ trợ quá trình học tập, nghiên cứu khoa học. UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nhiều đề án trên các lĩnh vực như: phát triển giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), khoa học và công nghệ (KH-CN), văn hóa - xã hội (VH-XH), đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đào tạo nghề và giải quyết việc làm... với sự đóng góp trí tuệ của đội ngũ trí thức.

Đầu nhiệm kỳ 2015-2020, UBND tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ KH-CN với Đại học Thái Nguyên đến năm 2020 trị giá 100 tỷ đồng. Mục tiêu của chương trình là tỉnh sẽ đặt hàng những gì mình cần nhằm nhằm phát huy khả năng sáng tạo của đội ngũ trí thức để nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ KH&CN, thực sự tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh còn đặc biệt quan tâm tạo nguồn cán bộ dự bị thông qua chủ trương cho tuyển dụng các sinh viên đã tốt nghiệp đại học hệ chính quy từ hạng khá trở lên tùy theo từng chuyên môn vào các cơ quan Đảng từ cấp huyện đến tỉnh theo Nghị quyết số 04-NQ/TU về công tác cán bộ và Đề án số 16-ĐA/TU ngày 7/11/2013 về bổ sung hợp đồng lao động làm việc tại các cơ quan thuộc khối Đảng, đoàn thể tỉnh. Đồng thời, cũng ban hành nhiều chính sách thu hút nhân lực có trình độ đại học và trên đại học về các xã khó khăn, đặc biệt là các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại khá các chuyên ngành mà địa phương, đơn vị còn thiếu.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh đội ngũ trí thức

Đồng chí Phạm Minh Chuyên, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh: Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên đáp ứng nhu cầu thực tế, Nhà trường đã tổ chức khảo sát nhu cầu, mở hội nghị tham vấn xin ý kiến các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, các ngành liên quan để xây dựng kế hoạch theo từng năm. Nhờ vậy, đã làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối tượng trong quy hoạch.

TS. Bác sĩ Ngô Thị Tính, Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Chủ tịch Hội Nữ trí thức của tỉnh: Hội Nữ trí thức Thái Nguyên được thành lập chính là minh chứng sống động thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với giới nữ trí thức. Xác định trách nhiệm lớn lao đó, Hội đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để tập hợp, phát huy khả năng sáng tạo của các hội viên trên từng lĩnh vực cụ thể, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của tỉnh. Đồng thời, giúp đỡ các nhóm phụ nữ yếu thế trong chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao thu nhập.

Để tăng thêm nguồn cán bộ có chuyên môn cao ở một số lĩnh vực y tế, quản lý đô thị, quản lý giáo dục, xây dựng Đảng, chính quyền Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý dự án, kiến trúc, thương mại... tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án số 11-ĐA/TU ngày 24/11/2012 về đào tạo 100 thạc sĩ và tiến sĩ bằng nguồn ngân sách của tỉnh. Thực hiện kế hoạch số 28-KH/TU ngày 08/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo cán bộ nguồn cho các chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, tỉnh đã mở 4 lớp bồi dưỡng cho 233 đồng chí.

Đồng chí Phạm Minh Chuyên, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh: Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên đáp ứng nhu cầu thực tế, Nhà trường đã tổ chức khảo sát nhu cầu, mở hội nghị tham vấn xin ý kiến các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, các ngành liên quan để xây dựng kế hoạch theo từng năm. Nhờ vậy, đã làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối tượng trong quy hoạch.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Đến nay, Trường Chính trị tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã mở được 84 lớp đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị cho 7.283 đồng chí, đào tạo sơ cấp lý luận chính trị cho 2.020 đồng chí. Tại các huyện vùng cao, chính sách đào tạo đại học theo chế độ cử tuyển đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện tốt việc chọn cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ trong nước và đào tạo tại nước ngoài theo Đề án số 165-ĐA/BTCTW của Ban Tổ chức TW.

Là 1 trong 13 cán bộ của tỉnh được cử đi đào tạo dài hạn tại nước ngoài theo Đề án số 165, đồng chí Lưu Viết Linh, Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Định Hóa khẳng định: Được cử đi đào tạo trình độ Thạc sĩ tại Trung Quốc bản thân tôi thấy rất vinh dự cũng như nhận thức trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên khi được tổ chức quan tâm và tin tưởng. Đây là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ được tiếp cận với những kiến thức mới, có cơ hội tìm hiểu thực tế về đất nước, con người và văn hóa của nước bạn và bạn bè các nước theo học, mở rộng thế giới quan.

Tỉnh thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và tạo điều kiện để đội ngũ trí thức tự khẳng định, cống hiến và trưởng thành, được tôn vinh. Từ năm 2009 đến năm 2017, tỉnh đã tổ chức được 3 hội nghị gặp mặt với 410 lượt đại biểu (2009, 2014, 2017), kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng đội ngũ tri thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc đào tạo, công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ được cấp ủy các cấp quan tâm, thực hiện theo đúng nguyên tắc dân chủ, phù hợp với trình độ chuyên môn, vị trí công tác. Tính đến tháng 12-2017 đã điều động, luân chuyển 155 lượt cán bộ. Qua theo dõi, số cán bộ được luân chuyển đào tạo thực tiễn tại cơ sở đã phát huy năng lực, nâng cao bản lĩnh chính trị; nhiều đồng chí khi trở về được giao trọng trách cao hơn.

Đổi mới hoạt động, phát huy sức sáng tạo của các hội trí thức

Những năm qua, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện để các hội trí thức thu hút hội viên tham gia một cách tự nguyện và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh. Nhờ vậy, các hội trí thức trên địa bàn đã phát huy vai trò, tập hợp, đoàn kết rộng rãi của mọi tầng lớp trí thức, không phân biệt lứa tuổi, lĩnh vực hoạt động.

Điển hình như Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, sau 16 năm hình thành và phát triển từ 18 hội thành viên với 400 hội viên (năm 2002) lên 25 hội thành viên với 50.496 hội viên (năm 2018). Liên hiệp hội luôn chủ động đổi mới phương thức hoạt động, phát huy đội ngũ trí thức thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội; sáng tạo trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chủ trì và phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, hội thảo, tập huấn về nhiều lĩnh vực, tập trung vào các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Từ năm 2012 đến 2017, cơ quan thường trực của Liên hiệp hội đã chủ trì thực hiện 05 đề án, dự án cấp tỉnh, 04 dự án cấp Nhà nước. Với sự khuyến khích, tạo điều kiện của tỉnh, mới đây, ngày 10-6, Hội Nữ trí thức của tỉnh đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động với trên 170 hội viên. Cùng với Liên hiệp hội, Hội Nữ trí thức ra đời sẽ tập hợp, đoàn kết nữ trí thức trên địa bàn tỉnh với mục đích hỗ trợ, phát huy năng lực, kết nối trí thức trong và ngoài tỉnh cùng hoạt động, đóng góp vào sự tiến bộ, bình đẳng giới, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ những giải pháp đồng bộ của tỉnh trong thời gian qua đã phát huy được nguồn lực đặc biệt của đội ngũ trí thức trong việc đóng góp tích cực vào xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trao đổi cùng chúng tôi, PGS-TS Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên khẳng định: Được tham dự các cuộc gặp mặt tôn vinh đội ngũ trí thức của tỉnh, bản thân tôi và các cán bộ, giảng viên trong Trường rất vinh dự và tự hào, luôn xác định rõ trách nhiệm của mình đối với địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục động viên các giảng viên phát huy khả năng sáng tạo, nghiên cứu nhiều đề tài khoa học đóng góp tích cực vào nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường nói chung và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì công tác xây dựng, củng cố, phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh còn bộc lộ một số mặt hạn chế do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức chưa đầy đủ; còn ít quan tâm đến bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và tôn vinh những trí thức tài năng. Một số cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ tri thức của tỉnh còn chưa đủ mạnh, môi trường làm việc còn hạn chế nên khó thu hút được trí thức trẻ, nhất là sinh viên giỏi mới tốt nghiệp, nên nhiều địa phương, đơn vị vẫn còn thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, thiếu chuyên gia đầu ngành ở một số lĩnh vực. Công tác nghiên cứu các đề tài khoa học, đề án mang tính ứng dụng thực tiễn chưa nhiều, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được hết tiềm năng của đội ngũ trí thức. Số lượng và chất lượng của đội ngũ trí thức tuy có tăng cao nhưng chưa đáp ứng được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

 (Còn nữa)