Thứ 6, 10/01/2025, 21:28

Nhất thể hóa chức danh lãnh đạo: Ghi nhận từ mô hình điểm

17:55, 01/09/2018

Đầu tháng 7-2018, xã Nga My được Huyện ủy Phú Bình chọn làm thí điểm mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Đây là mô hình nhằm cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tinh giản bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy thời gian triển khai thực hiện mô hình chưa được dài nhưng bước đầu đã có những chuyển biến đáng ghi nhận trong công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy Đảng và chính quyền ở địa phương này.

Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi đến xã Nga My và có cuộc trò chuyện với người đang được giao trọng trách “gánh cả hai vai” ở địa phương này để tìm hiểu tình hình thực tế, qua đó đã ghi nhận được nhiều kết quả khả quan khi triển khai mô hình nhất thể hóa chức danh. Ông Vũ Cao Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nga My chia sẻ: Trước khi được lãnh đạo huyện giao giữ chức vụ “hai trong một” này tôi đang làm Chủ tịch UBND xã. Nhận nhiệm vụ tôi cũng có phần lo lắng bởi công việc thì gấp đôi, nếu không làm tốt chắc chắn sẽ “vỡ trận”. Tuy nhiên sau đó tôi đã bắt tay ngay cùng cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, điều hành và thực hiện các công việc với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tôi nhận thấy muốn làm tốt các nhiệm vụ của mình thì quan trọng là cần tránh sự lẫn lộn về trách nhiệm, phải thể hiện rõ khi nào ở vai Bí thư, lúc nào trong vai Chủ tịch.

Để tránh tình trạng một cá nhân “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, xã Nga My đã xây dựng lại quy chế hoạt động của Đảng ủy và UBND xã, xác lập rõ mối quan hệ làm việc của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ với chính quyền và các đoàn thể, phân công giao nhiệm vụ thêm cho các cấp phó trong Đảng ủy, chính quyền và tăng cường trách nhiệm của các cán bộ trong hệ thống chính trị của xã. Với cách làm như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, công việc của xã Nga My đã nhanh chóng nhịp nhàng trở lại. Tôi nhận thấy việc nhất thể hóa chức danh vừa giảm bớt sự cồng kềnh trong bộ máy lãnh đạo, điều hành, vừa giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền đồng bộ, thống nhất và kịp thời hơn.

Theo ông Cường, mô hình này có nhiều ưu điểm như người lãnh đạo xã vừa là cán bộ của Đảng vừa là công chức Nhà nước nên có điều kiện nắm bắt được nhiều thông tin, từ đó xử lý, điều hành công việc tốt hơn, ý kiến chỉ đạo được tập thể chấp hành cao hơn. Với mô hình này, chủ trương của bí thư không phải mất nhiều thời gian triển khai cho chủ tịch, ngược lại, có vấn đề gì chủ tịch cũng không cần nhiều thủ tục báo cáo, xin ý kiến bí thư. Bên cạnh đó, về mặt nhân sự, tinh giản được một biên chế sẽ góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cùng một lúc đảm nhận hai trọng trách nên áp lực công việc cao hơn bởi vừa phải không ngừng nghiên cứu chủ trương, nghị quyết của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo, vừa phải đầu tư suy nghĩ để tìm cách thực hiện những chủ trương, nghị quyết đó sao cho đạt hiệu quả tốt nhất. Do đó, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cũng cao hơn, bên cạnh đó để thực hiện tốt vai trò bí thư – chủ tịch thì sự hỗ trợ của cấp phó là rất cần thiết, đó phải là những người thực sự nhanh nhạy, có năng lực và tinh thần làm việc nghiêm túc.

Ông Lưu Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết: Trước kia chưa nhất thể hóa, để triển khai 1 vấn đề có khi xã phải tổ chức 2-3 cuộc họp cả bên Đảng và bên chính quyền nên rất mất thời gian. Thậm chí, ở bên chính quyền nếu Chủ tịch họp triển khai chủ trương của Đảng cho cấp dưới mà không hết ý hoặc cấp dưới không hiểu hết ý chỉ đạo dễ dẫn đến việc thực hiện chủ trương không sát, không đúng. Nay thực hiện mô hình này, để cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng chỉ cần 1 cuộc họp là đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch xã sẽ triển khai ngay một cách rõ ràng, chính xác và nhanh chóng. Ai không hiểu hoặc hiểu chưa rõ vấn đề gì thì có thể trao đổi trực tiếp với người đứng đầu xã và được giải đáp, chỉ dẫn cặn kẽ ngay, từ đó tư tưởng cán bộ được thông suốt, thoải mái nên việc thực hiện nhiệm vụ cũng đem lại nhiều kết quả cao hơn.

Đánh giá về việc triển khai mô hình nhất thể hóa chức danh lãnh đạo ở địa phương, ông Đinh Hồng Thanh, Bí thư Huyện ủy Phú Bình cho biết: Thực tế cho thấy, nếu chọn được nhân sự tốt thì việc nhất thể hóa sẽ đem lại những kết quả tích cực, giúp xử lý công việc kịp thời, nhanh chóng, giảm hội họp, tiết kiệm thời gian. Đây cũng là môi trường để thử thách, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn công tác, đồng thời củng cố tinh thần đoàn kết nhất trí trong nội bộ, sự phối hợp và gắn kết các thành viên của hệ thống chính trị cũng sẽ ngày càng chặt chẽ hơn. Theo kế hoạch, trong năm 2018, sau khi triển khai thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh lãnh đạo ở xã Nga My, huyện sẽ nhân rộng mô hình này tại xã Lương Phú.

Có thể thấy, việc thực hiện nhất thể hóa chức danh đã góp phần phát huy tính chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của cá nhân đứng đầu, qua đó tạo ra nét mới trong việc nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực nêu trên vẫn còn một số điểm bất cập như: Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thường phải giải quyết nhiều công việc, tham gia nhiều cuộc họp do cấp ủy, UBND cấp trên triệu tập nên ít có thời gian đi cơ sở; công tác xây dựng Đảng, xây dựng đoàn thể cũng như công tác kiểm tra, giám sát nếu không được duy trì thực hiện thường xuyên sẽ dễ dẫn đến tình trạng quan liêu, bỏ sót việc, ảnh hưởng đến vai trò, chức năng lãnh đạo toàn diện của cấp ủy; việc không xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND sẽ dễ dẫn đến việc lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ… do đó cần phải có hướng khắc phục những hạn chế này để việc nhất thể hóa chức danh đạt được hiệu quả cao nhất khi triển khai nhân rộng mô hình.