Xác định được vai trò, vị trí của công tác dân vận giữa Đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân, những năm qua, Huyện ủy Phú Lương đã quan tâm, chỉ đạo xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm dân vận từ cấp huyện tới xã, xóm đáp ứng yêu cầu công việc. Hoạt động của đội ngũ dân vận các cấp đã góp phần tích cực vào thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Khi tôi đặt vấn đề viết bài về đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở các địa phương, ông Lèng Hữu Hiền, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện bảo: Mời nhà báo xuống thực tế dưới xóm, xã, trò chuyện cùng người dân, cán bộ phụ trách dân vận để nắm tình hình trước.
Trên đường đi xuống xóm Tân Thái, xã Tức Tranh, ông Hiền gặp nhiều người dân, ông đều nhớ mặt, nhớ tên và trò chuyện thân mật như người nhà. Ông Hiền giới thiệu: Hoạt động dân vận muốn thành công được hay không đều nhờ đội ngũ cán bộ có năng lực, trách nhiệm và nhiệt tình từ cơ sở. Như anh Tô Văn Khiêm vừa là Trưởng xóm, Tổ trưởng Tổ dân vận xóm Tân Thái cũng là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi (anh đang là Trưởng Ban Quản lý làng nghề xóm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc). Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, có uy tín, nói được làm được, anh luôn là tấm gương cho người dân noi theo.
Hoạt động của Tổ dân vận xóm những năm qua đều rất tích cực, từ vận động nhân dân hiến đất làm đường, xây dựng Nhà văn hóa, làm đường điện chiếu sáng, tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, phong quang... Anh Khiêm bảo: Dân vận ở đây chính là mình gương mẫu làm trước trong mọi phong trào, nói dân mới tin và nghe theo. Tân Thái có 78 hộ, 287 nhân khẩu, cả xóm có 50ha chè trung du, gần 10ha chè cành các loại. 100% hộ dân của xóm đều trồng và chế biến chè từ nhiều năm nay, có nguồn thu ổn định. Năm 2018, xóm được lựa chọn là xóm kiểu mẫu xây dựng nông thôn mới, theo đó phải thực hiện được chỉ tiêu có mô hình hợp tác xã. Tôi đã gặp gỡ một số người làm chè trong xóm, rồi tại các buổi họp xóm, bàn bạc cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng và vận động một số hộ tham gia, thành lập Hợp tác xã Chè an toàn hữu cơ vào tháng 5-2018 với 15 thành viên tham gia. Mỗi tháng, Hợp tác xã có doanh thu trên 100 triệu đồng, xuất kho hơn 1 tạ chè, chuyên về 3 loại chè biếu phục vụ đối tượng nhà cán bộ văn phòng, Nhà nước. Giá bán trung bình từ 500-600 nghìn đồng/kg đến vài triệu đồng/kg.
Ông Lê Minh Thảo, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối Dân vận xã Tức Tranh, cho biết: Thời gian qua, Đảng ủy xã đã rà soát và xây dựng cán bộ, công chức trong Khối Dân vận xã chuẩn về trình độ, năng lực, có phẩm chất, đạo đức tốt. Đồng thời, chỉ đạo các chi bộ xóm thành lập kiện toàn các tổ dân vận ở các xóm. Đến nay, 24/24 xóm đã có tổ dân vận. Tiêu biểu như Tổ dân vận xóm Tân Thái hoạt động hiệu quả với việc vận động nhân dân liên kết, đổi mới phương thức sản xuất để nâng cao chất lượng giá trị cây chè; Tổ dân vận xóm Bãi Bằng làm tốt việc vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường; Tổ dân vận xóm Gốc Gạo là điểm sáng “dân vận khéo” nhân dân hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công xây dựng đường bê tông và các công trình, dự án xây dựng nông thôn mới... Kết quả hoạt động của các tổ dân vận góp phần để xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, giai đoạn 2016-2020, được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.
Không chỉ ở xã Tức Tranh, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở các xã, thị trấn và cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện thời gian qua đã phát huy được vai trò, nhiệm vụ trách nhiệm để hoàn thành các công việc được giao, điển hình như ở thị trấn Đu, xã Yên Lạc, Phú Đô, Hợp Thành...
Với sự nhiệt tình, khéo léo trong vận động, thuyết phục, các cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở đã khơi dậy sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện phong trào phát triển kinh tế - xã hội. Riêng phong trào xây dựng nông thôn mới, 2 năm qua, các địa phương đã vận động được trên 5.270 hộ hiến trên 829.480m2 đất và tài nhiều tài sản để xây dựng các công trình. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hàng năm giảm trên 2%; đến hết năm 2017, có 7/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Có được những kết quả khả quan như trên, theo ông Lèng Hữu Hiền: Ban Thường vụ Huyện ủy, Đảng ủy các xã, thị trấn luôn quan tâm đến công tác lựa chọn, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, MTTQ và các đoàn thể. Hiện, 100% các cấp chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn đã xây dựng được quy chế phối hợp về hoạt động dân vận và phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách công tác dân vận theo quy định. Toàn huyện cũng thành lập, duy trì hoạt động 255 tổ dân vận tại các xóm, tiểu khu. Thành viên tham gia tổ dân vận cơ bản là bí thư chi bộ, trưởng xóm, các tổ chức đoàn thể, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng, được nhân dân quý mến, nể phục.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, từ năm 2016 đến nay, các ban Đảng, MTTQ và các đoàn thể của huyện đã phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở trên 20 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở xã, các trưởng xóm, bí thư, ban công tác mặt trận. Ngoài ra, căn cứ đề xuất thực tế của cơ sở, cán bộ của Ủy ban MTTQ huyện đã về xã, xóm để “cầm tay chỉ việc” giúp đội ngũ trưởng xóm, bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể tham gia ban công tác mặt trận có kỹ năng hoạt động hiệu quả. Quá trình tập huấn, không chỉ theo lý thuyết chung chung mà gắn với thực tế địa phương, đưa ra nhiều tình huống cụ thể để học viên thực hành giải quyết.
Bác Hồ từng căn dặn: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Thực tế ở huyện Phú Lương cho thấy, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ huyện đến xã, xóm đều đã và đang xây dựng cho mình phong cách làm việc trách nhiệm, gần gũi với nhân dân. Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó có sự nhiệt tình xông xáo của cán bộ dân vận từ huyện đến cơ sở đã góp phần tạo sự ổn định về chính trị, an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.