Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có từ 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), cao hơn mục tiêu chung toàn quốc 20%, cao hơn mục tiêu phấn đấu khu vực miền núi phía Bắc 42%. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu mà tỉnh đề ra đã là khá cao, vậy nhưng, hiện nhiều địa phương còn đang phấn đấu đạt tỷ lệ cao hơn, mặc dù vẫn biết còn không ít khó khăn, hạn chế, cần khắc phục. Có hay không “bệnh thành tích” và đâu là nguyên nhân?
Gắng gượng để... đạt đích
Việc đưa ra các tiêu chí theo từng giai đoạn ở bất kể chương trình, mục tiêu nào là việc làm hết sức bình thường và đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cũng vậy. Ở giai đoạn 2011-2015, nhiều tiêu chí sau khi được triển khai đã bộc lộ bất cập, hạn chế nên căn cứ theo hướng dẫn của Trung ương, tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung trong giai đoạn 2017-2020. Cũng vì thế đã có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra song có một thực tế đáng buồn đó là nhiều địa phương vẫn không dành sự quan tâm thỏa đáng để khắc phục, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Ông Vũ Văn Cương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng - một trong 2 xã về đích NTM sớm nhất của huyện Phú Lương (năm 2014) chia sẻ: Trước hết phải khẳng định, xây dựng NTM là chủ trương lớn, rất đúng và trúng, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo bà con nông dân. Qua đó góp phần quan trọng kéo giảm khoảng cách, chênh lệch trong phát triển kinh tế - xã hội giữa nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, tham vọng của các địa phương đều rất lớn, trong khi nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên lại chưa thông, từ đó nảy sinh mâu thuẫn giữa năng lực thực và tham vọng. Chính điều này đã khiến sau khi được công nhận đạt chuẩn, Cổ Lũng phải gánh khoản nợ lên tới 12 tỷ đồng và đến nay vẫn còn 3 tỷ chưa được trả. Cùng với đó, xã phải điều chỉnh lại quy hoạch một số công trình, trong đó có Khu trung tâm thể thao xã. Theo quy hoạch giai đoạn trước, công trình này được “vẽ” tại xóm làng Phan, cách trung tâm xã 3km, không thuận lợi về giao thông. Nay, để chuẩn bị cho việc được công nhận lại NTM vào năm 2019, xã đã phải quy hoạch lại về xóm trung tâm xã...
Hay như ở xã Thượng Đình (Phú Bình), vì để đảm bảo tiến độ “cán đích” theo kế hoạch nên mặc dù sau những ngày mưa khiến nền đường rất yếu, không được xử lý đảm bảo nhưng đơn vị thi công vẫn tiến hành đổ bê tông, khiến người dân bức xúc. Theo người đứng đầu UBND xã thì một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do cùng lúc xã triển khai thi công 5 công trình khác nhau khiến việc giám sát thiếu chặt chẽ. Thực tế này cũng chính là nguyên nhân để lý giải cho nhiều công trình được xây dựng chỉ sau một vài năm đã xuống cấp trầm trọng. Hay như để đảm bảo tiêu chí chợ nông thôn, nhiều xã đã đầu tư xây dựng nhưng khi xong, chỉ một vài hộ dân đến họp, còn lại bỏ không, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Việc xác định xã về đích NTM ở một số địa phương cũng là vấn đề cần bàn. Đơn cử như Tràng Xá (Võ Nhai). Tính đến cuối năm 2016, xã này mới đạt 8 tiêu chí nhưng đây lại là xã thuộc tốp đầu, nên để đảm bảo mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, huyện đã mạnh dạn đăng ký với tỉnh về đích năm 2017. Tuy nhiên, kết thúc năm 2017, xã mới đạt 11 tiêu chí. Trước thực tế này nên năm 2018, huyện không đăng ký xã nào về đích, nhưng sau khi tỉnh bổ sung 11 xã phấn đấu về đích trong năm nay thì Tràng Xá một lần nữa “được” đăng ký. Tuy nhiên, trong cuộc họp đánh giá tiến độ các xã về đích NTM mới đây, đại diện lãnh đạo địa phương này cho biết, nhiều khả năng Tràng Xá tiếp tục lỗi hẹn vì không thể đạt chỉ tiêu giảm nghèo từ 21% xuống 12% và thu nhập không thể nâng được từ 22 triệu đồng lên 29 triệu đồng chỉ trong 1 năm. Ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Nguồn lực của đại đa số các xã ở Võ Nhai rất khó khăn, nếu với cơ chế hỗ trợ như hiện nay, 30 năm nữa, chưa chắc huyện đã hoàn thành Chương trình. Ông Tiến cũng phân tích: Trong khi mục tiêu Chính phủ đưa ra đến năm 2020, cả nước có khoảng 50% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó miền núi phía Bắc (gồm có Thái Nguyên) là 28% thì việc tỉnh ta phấn đấu có 70% số xã đạt là cao, mặc dù so với các tỉnh khác trong khu vực chúng ta có nhiều lợi thế hơn trong phát triển kinh tế - xã hội. Căn cứ kế hoạch của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đặt mục tiêu có 8/14 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, theo dự đoán, nhiều khả năng, chỉ có 5 xã về được đích.
Cơ chế hỗ trợ có bất cập?
Ngoài cơ chế hỗ trợ của Trung ương, trong giai đoạn 2013-2015, tỉnh ta thực hiện cơ chế hỗ trợ cho những xã về đích là 2 tỷ đồng, xã còn lại 600 triệu đồng xây dựng hạ tầng nông thôn; tổng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ không quá 85% tổng dự toán công trình; cùng với đó, mỗi năm hỗ trợ 50-60 nghìn tấn xi măng để làm đường giao thông nông thôn. Sang giai đoạn 2016-2020, theo Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, mức hỗ trợ cho các xã đã được nâng lên: Xã đăng ký đạt chuẩn NTM tối thiểu 4 tỷ đồng/xã/năm; xã NTM kiểu mẫu 2 tỷ đồng/xã/năm; xã còn lại tối thiểu 400 triệu đồng/xã/năm; xã đạt chuẩn NTM tối thiểu 300 triệu đồng/xã/năm. Cùng với đó, lượng xi măng hỗ trợ trong giai đoạn này đã nâng lên 100 nghìn tấn. Về tỷ lệ hỗ trợ, đối với các công trình/dự án (nhà văn hóa xã, trường học, trạm y tế, đường xã..., không tính chi phí giải phóng mặt bằng nếu có), thì mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước (gồm cả ngân sách trung ương, tỉnh, huyện, xã) không quá 95% đối với các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng 3; không quá 90% đối với xã thuộc khu vực 2; các xã thuộc khu vực 1 và còn lại không quá 85%. Mặc dù so với giai đoạn trước, hiện mức hỗ trợ này đã được nâng lên khá đáng kể nhưng theo ghi nhận của chúng tôi tại các huyện như Định Hóa, Võ Nhai vẫn không hề dễ để thực hiện, bởi người dân ở những xã đặc biệt khó khăn để huy động làm đường trục xóm, liên xóm còn khó, nữa là đóng góp để xây dựng các công trình chung. Vì thế, đối với những xã vùng 2, vùng 3, cần sự đầu tư nguồn lực 100% của nhà nước. Riêng đối với đường giao thông trục xóm, liên xóm ở những xã dân cư thưa thớt mà đoạn đường đầu tư dài cần được áp dụng theo tỷ lệ hỗ trợ của tỉnh theo Nghị quyết 47, chứ nếu chỉ được hỗ trợ xi măng, cát sỏi (chiếm khoảng 60% tổng chi phí), còn lại nhân dân phải đối ứng thì người dân các địa phương sẽ rất khó thực hiện được.
Không chỉ về tỷ lệ, ngay trong cơ chế hỗ trợ của tỉnh đối với từng nhóm xã cũng được cho là chưa hợp lý. Trong khi trên thực tế, càng những xã về đích sau thì càng khó khăn thì cơ chế hỗ trợ vẫn chỉ như các xã trước, vì cơ chế này áp dụng chung cho cả giai đoạn. Ngoài ra, cũng do để tập trung nguồn lực cho những xã về đích nên những xã chưa có kế hoạch về đích chỉ được hỗ trợ 400 triệu đồng; lượng xi măng hỗ trợ ngoài cũng không được ưu tiên phân bổ để làm đường. Điều này vô hình chung đang tạo ra khoảng cách ngày càng lớn trong phát triển giữa các xã trong cùng một địa phương và giữa địa phương này với địa phương kia. Điều đáng nói nữa là trong việc triển khai các mô hình sản xuất, một số mô hình mặc dù bước đầu mang lại hiệu quả nhưng khó, thậm chí là không thể nhân rộng do không tìm được đầu ra nên sau khi mô hình được triển khai, có đánh giá, tổng kết và được khuyến cáo nhân ra diện rộng nhưng người dân lại quay trở lại với giống và phương thức sản xuất cũ; có địa phương thậm chí còn chưa xác định được lợi thế để định hướng phát triển; việc liên kết giữa 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) để tổ chức sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm cho người dân hiện còn rất mờ nhạt.
Ông Lê Thanh Tuyết, Bí thư Thị ủy Phổ Yên: Thời gian qua, Phổ Yên đã chỉ đạo huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn để góp phần tạo thuận lợi trong kết nối giao thương, thu hút các nhà đầu tư, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ngoài nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, địa phương còn đầu tư cho mỗi xã năm nay về đích gần 15 tỷ đồng/xã để cuối năm thị xã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Ông Phạm Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa: Tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất quy định, xã NTM kiểu mẫu phải có ít nhất 2 HTX kiểu mới hoạt động theo Luật HTX 2012, có doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng theo tôi là không cần thiết, mà điều quan trọng là HTX đó hoạt động có tạ được sự liên kết, bao tiêu sản phẩm, giải quyết việc làm và giúp nâng cao thu nhập cho hộ xã viên như thế nào. Do đó, tiêu chí này cần có sự mềm dẻo hơn.
Ông Phan Ngọc Thơm, Giám đốc HTX Chè an toàn Đại Phú, xã Phú Lạc (Đại Từ): Tiếng là HTX nhưng thực chất chỉ do mình tôi đảm nhận vai trò tìm kiếm thị trường và bao tiêu sản phẩm cho hộ xã viên. Tôi đã từng tìm được hợp đồng xuất khẩu chè với số lượng lớn, nhưng phải bỏ vì không thể tìm được nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nếu không thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, tạo ra được sản phẩm có uy tín, chất lượng thì sẽ rất khó để các HTX nông nghiệp tồn tại, phát triển.
(Còn nữa)