Kỳ 2: Rào cản từ nếp sống cũ

11:37, 30/10/2018

Thời gian qua, các cấp ủy đảng rất quan tâm đến công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc Mông. Tuy nhiên, vấn đề kết nạp đảng viên mới và phát huy vai trò đảng viên trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn.

Khó khăn từ thực tế

Tại xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) hiện có 1 chi bộ phải sinh hoạt ghép đến 4 xóm: Vân Lăng, Khe Hai, Mỏ Nước và Bản Tèn. Trong đó, các xóm Vân Lăng, Mỏ Nước, Bản Tèn là nơi có đông đồng bào người dân tộc Mông sinh sống. Tuy vậy, vấn đề phát triển đảng viên là người dân tộc Mông còn nhiều khó khăn.

 Anh Lường Văn Khoa, Bí thư chi bộ chia sẻ: Chi bộ có 12 đảng viên nhưng vẫn không thể chia tách được vì hiện Bản Tèn và Mỏ Nước mỗi xóm mới có 2 đảng viên, Khe Hai có 1 đảng viên. Việc sinh hoạt ghép khiến cho việc đánh giá đầy đủ tình hình và đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội cho cả 4 xóm gặp khó khăn. Thêm nữa, cả 4 xóm có đến gần 200 hộ người dân tộc Mông nhưng chỉ có 2 đảng viên người dân tộc Mông nên việc tiếp cận và tuyên truyền chủ trương, chính sách đến đồng bào gặp nhiều trở ngại do khác biệt trong tiếng nói và lối sống.

Ông Vương Văn Minh, đảng viên ở xóm Bản Tèn bảo: Xóm Bản Tèn có hơn 100 hộ với trên 500 nhân khẩu hầu hết là người dân tộc Mông nhưng đa phần người trong độ tuổi xét kết nạp Đảng thường đi làm ăn xa, không tham gia hoạt động ở địa phương nên xóm thiếu nguồn. Nhiều năm qua, Bản Tèn mới kết nạp được thêm 2 đảng viên. Tuy nhiên, năm trước, anh Hoàng Văn Thà do đi làm ăn xa nhà nên đã xin nghỉ sinh hoạt. Hay như anh Vương Văn Che, Chi bộ đã xác minh xong lý lịch, chuẩn bị kết nạp Đảng nhưng anh này cũng đi làm ăn xa nhà nên chưa thể kết nạp.

Anh Khoa cho biết thêm: Không chỉ thiếu nguồn, ở nhiều chi bộ người dân tộc Mông hiện nay, việc kết nạp đảng viên mới còn gặp không ít khó khăn do nếp sống cũ. Ví như ở xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương) có trường hợp của anh Lý Văn Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm dù rất tích cực tham gia các phong trào của xóm, phấn đấu rèn luyện tốt nhưng do sinh con thứ 3 nên đến nay chưa thể kết nạp. Hay ở Chi bộ Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) có anh Hoàng Văn Sinh, cộng tác viên dân số không đủ điều kiện kết nạp do mới học hết lớp 4.

Đồng chí Ngô Việt Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Sảng Mộc (Võ Nhai) chia sẻ: Xã hiện có 570 người là đồng bào dân tộc Mông đều thuộc xóm Khuổi Mèo. Chi bộ xóm Khuổi Mèo thành lập từ năm 2013 với 5 đảng viên. Từ đó đến nay, Chi bộ không kết nạp được thêm đảng viên mới nào. Những khó khăn do nếp sống cũ như trình độ học vấn thấp, những hủ tục như: sinh nhiều con, tảo hôn… khiến việc kết nạp đảng viên là người dân tộc Mông ở xã còn gặp khó khăn.

Bao giờ người Mông hết nghèo?

Bao năm qua, câu hỏi ấy cứ đeo đẳng mãi những xóm bản người Mông ở 47 xóm, thuộc 18 xã của 4 huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa. Anh Hoàng Văn Sỉnh, Bí thư Chi bộ Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) lắc đầu: Ngót nghét đã gần 40 năm đồng bào mình từ Cao Bằng xuống đây lập bản mà cái nghèo nó cứ theo mãi chẳng dứt. Xóm có 40 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông thì có đến 80% số hộ thuộc diện nghèo, trong đó có cả hộ gia đình có đảng viên. Nhưng những hộ còn lại đời sống cũng không khá hơn do thiếu đất, nước sản xuất, sinh đẻ nhiều…

Đồng chí Lý Văn Sinh, đảng viên ở xóm người Mông Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai) cũng buồn rầu: Ruộng nương khan hiếm, lại cằn cỗi, chỉ làm được một vụ, trong khi người thì ngày càng đông. Bà con ở đây chủ yếu trồng ngô theo truyền thống hàng chục năm nay. Dù Nhà nước có cấp giống ngô lai năng suất cao nhưng đồng bào cũng chỉ trồng loại ngô dành cho chăn nuôi nên có đem bán cũng chẳng được bao nhiêu tiền. Đời sống của nhiều gia đình khó khăn lắm mới không đứt bữa, mâm cơm họa hoằn lắm mới có miếng thịt. Nằm không xa Lũng Hoài, xóm Khuổi Mèo có 108 hộ người Mông thì mới có 2 hộ thoát nghèo. Trong đó, gia đình cả 5 đảng viên đều vẫn thuộc diện hộ nghèo.

Để xóa đói giảm nghèo của vùng đồng bào Mông trên địa bàn, từ năm 2014, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm khó khăn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 2037). Trong đó, tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và đời sống cho các xóm có người Mông sinh sống để giúp đồng bào ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đánh giá: Sau 4 năm triển khai, đến nay, cơ bản các mục tiêu của Đề án 2037 đều đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tuy vậy, vẫn còn những thực tế đáng buồn. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xóm, bản tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Tỷ lệ hộ nghèo ở 12 xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống của huyện Võ Nhai là 75,2%, 9 xóm của huyện Đồng Hỷ là 69,58%. Nhiều người dân, trong đó có cả đảng viên vẫn chưa mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất khiến việc giảm nghèo còn khó khăn. Điển hình như một số loại cây trồng mới đưa vào các xóm bản người Mông như cây na ở xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, cây cam Vinh ở Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc, hồng không hạt ở xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng… số lượng đảng viên tiên phong tham gia mô hình cũng không nhiều.

Thực tế cho thấy, nhiều đảng viên người dân tộc Mông chưa mạnh dạn đổi mới vậy nên đồng bào cũng dùng dằng với chuyện đổi thay. Cứ thế, việc nuôi con gì, trồng cây gì ở vùng đồng bào dân tộc Mông để thoát nghèo vẫn còn là câu chuyện dang dở…