Kỳ 2: Tội phạm có chức vụ

11:44, 24/10/2018

Mặc dù hành vi phạm tội của các đối tượng đã bị phát hiện, tố cáo hoặc cơ quan chức năng khởi tố, tạm giam để điều tra nhưng phần lớn cán bộ, đảng viên trong các vụ án hình sự không dũng cảm thừa nhận, quanh co chối tội, gây khó khăn cho tổ chức khi xử lý.Chức vụ dù nhỏ hay lớn, khi bị khởi tố, điều tra, xét xử, một số cán bộ, đảng viên kêu oan, cá biệt có trường hợp còn thách thức cơ quan chức năng, thuê luật sư bào chữa nhằm trốn tránh hình phạt của pháp luật…

Vụ án liên quan đến lãnh đạo xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) là Vương Sĩ Tạo, nguyên Chủ tịch UBND xã đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quản lý tài nguyên đất gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng khi người dân địa phương tố cáo, bị cơ quan điều tra triệu tập lấy lời khai vẫn không thừa nhận, đổ lỗi cho cơ chế, chính sách, cấp dưới tham mưu. Chỉ khi cơ quan điều tra tập hợp đủ hồ sơ, chứng cứ, đối tượng mới thừa nhận có vi phạm.

Tương tự, Chu Quyết Chiến, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Lũng (Phú Lương) cũng khăng khăng khẳng định mình vô tội, cho rằng bản án sơ thẩm có oan sai nên thuê luật sư bào chữa, làm đơn kêu oan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Ông Bùi Hồng Hương, Trưởng phòng Kiểm sát điều tra án kinh tế - trật tự trị an (Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh), cho biết: Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, đối tượng Chu Quyết Chiến không ăn năn, hối cải, luôn cho mình là đã thực hiện đúng quy định của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, viện lý do số tiền thất thoát là khách quan, vận dụng để phục vụ yêu cầu hoạt động của đơn vị. Sau nhiều lần xét xử với chứng cứ cụ thể, các nhân chứng, cơ quan tố tụng các cấp khẳng định bị cáo Chu Quyết Chiến có tội. 

Đối với vụ án Vi Nghĩa Hà và đồng bọn xảy ra từ giai đoạn 2010-2012 nhưng đến quý I-2018, Tòa án Nhân dân tối cao mới xét xử xong giai đoạn 2 của vụ án và tuyên phạt bị cáo tù chung thân, các đồng phạm đều bị xử lý hình sự tùy theo mức độ phạm tội. Nhưng đết hết quý III-2018, phần dân sự trong vụ án này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do bị cáo và một số cá nhân liên quan khai báo thiếu, không tố cáo thêm các hành vi phạm tội của đối tượng liên quan khác.

 Hay như bị cáo Lê Xuân Hộ, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng và các đồng phạm bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ nhưng trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều tìm mọi cách chối tội. Hiện nay, bị cáo Lê Xuân Hộ đang thi hành án tại Trại giam Phú Sơn 4 (Bộ Công an) nhưng vẫn tiếp tục có đơn thư khiếu kiện, kêu oan.

Các vụ án khác liên quan đến cán bộ, đảng viên có chức vụ phạm tội tham ô, tham nhũng trong quá trình điều tra thường phải kéo dài vì quá trình phạm tội diễn ra trong thời gian dài, hồ sơ, tài liệu, chứng từ lưu giữ không đầy đủ; bị can, bị cáo không nhận tội, lý luận với cán bộ các cơ quan tố tụng về những bất cập liên quan đến cơ chế chính sách, nguyên nhân vi phạm là do khách quan, đề nghị có sự tham gia của luật sư để bào chữa…

Lý giải về việc một số vụ án liên quan đến cán bộ, đảng viên phạm pháp hình sự phải kéo dài thời gian điều tra, truy tố hoặc tòa án khi xét xử sơ thẩm đề nghị hoàn hồ sơ điều tra bổ sung. Đại tá Đặng Đức Đang, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết: Một số vụ án cán bộ, đảng viên phạm pháp hình sự khi bị điều tra không nhận tội, tìm mọi cách hủy chứng cứ, khép kín hồ sơ để ngăn cản quá trình điều tra, dùng các mối quan hệ tìm cách tác động. Đơn cử như đối tượng Bùi Ngọc Thành, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh, Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Nguyên khi bị tạm giam đã bất hợp tác với điều tra viên, không khai báo thành khẩn. Chỉ khi mở rộng điều tra, cơ quan công an bắt tạm giam thêm một số đối tượng liên quan, hồ sơ, chứng cứ đã đầy đủ, bị can Bùi Ngọc Thành mới nhận tội.

Trong vụ án Lương Quốc Hội (nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tân Long, T.P Thái Nguyên) và đồng phạm trong giai đoạn 2012-2016 đã không thực hiện quy định về quản lý tài chính đối với số tiền trên 3,2 tỷ đồng để tìm cách chiếm đoạt. Sau gần 2 năm cơ quan chức năng phát hiện, tiến hành điều tra, truy tố, vụ án này mới được đưa ra xét xử ngày 8/5/2018 nhưng Hội đồng xét xử hình sự sơ thẩm Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên đã hoàn trả hồ sơ để cơ quan điều tra làm rõ một số nội dung liên quan đến vụ án. Đến ngày 15-10 vừa qua, Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên tiếp tục đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Lương Quốc Hội 8 năm 6 tháng tù giam về tội tham ô tài sản, 2 năm tù giam về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, bị cáo Lương Quốc Hội đã không chấp hành hình phạt mà tiếp tục kháng án lên tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh.

Đối với vụ án Trần Thu Lộc phạm tội tham ô tài sản quá trình phá án cũng gặp rất nhiều khó khăn khi đối tượng dựng hiện trường giả vụ mất cắp tài sản tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đại Từ, cố ý để quên chìa khóa phòng làm việc, chìa khóa két sắt tại nơi đông người… nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Thượng tá Nguyễn Văn Tỵ, cán bộ điều tra Công an huyện Đại Từ cho biết: Khi mới được giao nhiệm vụ điều tra ban đầu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do đối tượng Trần Thu Lộc giả vờ bị khủng hoảng tinh thần, né tránh các câu hỏi của điều tra viên, không cung cấp đầy đủ thông tin, quá trình, diễn biến về nghiệp vụ quản lý tài chính của đơn vị, cố tình tạo các chứng cứ ngoại phạm. Do vậy, phạm vi, đối tượng điều tra của vụ án phải mở rộng nên mất nhiều thời gian xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham ô, tham nhũng nhưng những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cơ quan tư pháp xử lý nghiêm minh các vụ án liên quan đến cán bộ, đảng viên phạm pháp hình sự. Các vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến cán bộ, đảng viên đã được đưa vào diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết và Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc quá trình xử lý.

Đối với cán bộ làm công tác chuyên môn của các cơ quan tố tụng trong tỉnh cũng đã rất nỗ lực trong quá trình thực hiện nghiệp vụ để đưa các vụ án cán bộ, đảng viên phạm pháp hình sự nói chung, phạm tội tham ô, tham nhũng nói riêng ra ánh sáng, trừng trị nghiêm minh trước pháp luật. Do vậy, trong 10 năm qua, trên địa bàn không có vụ án nào liên quan đến cán bộ, đảng viên phạm pháp hình sự rơi vào tình trạng án “thối”, bỏ lọt tội phạm hay oan sai mà đều được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Trong các cuộc họp đánh giá về công tác nội chính của tỉnh, đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy khẳng định: Các vụ án liên quan đến cán bộ, đảng viên phạm pháp hình sự trong diện cấp ủy chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc đã được các cơ quan tố tụng của tỉnh kịp thời báo cáo tiến độ giải quyết, kết quả xử lý, không để lọt tội phạm, nhất là đối tượng chủ mưu trong các vụ án tham ô, tham nhũng không có trường hợp nào xử án treo. Do đó, đã có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, kịp thời cảnh báo, răn đe.

Từ năm 2010 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện 13 cuộc kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, cấp ủy viên, đảng viên của Đảng bộ tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những tổ chức đảng, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm. Sau các cuộc kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 25 tổ chức đảng, kỷ luật bằng hình thức khiển trách 270 đảng viên, cảnh cáo 223 đảng viên, cách chức 18 đảng viên và khai trừ 24 đảng viên.

(Còn nữa)