Các vùng có đồng bào dân tộc Mông sinh sống lâu nay vẫn được coi là “vùng lõm” của tỉnh về nhiều mặt. Trong điều kiện đó, chính sách gỡ khó cho hoạt động của các chi bộ được coi là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, linh hoạt tháo gỡ khó khăn, phát huy sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng nhằm thực hiện chương trình, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có đông đồng bào Mông sinh sống.
Những điểm sáng hiếm hoi
Trước năm 2015, Chi bộ xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) gặp nhiều khó khăn trong phát triển đảng viên mới. Anh Lý Văn Nùng, đảng viên Chi bộ Mỏ Chì, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm bảo: Người Mông mình trước đây ít chữ, nói đến việc viết hồ sơ hay điều tra lý lịch là họ ngại lắm. Đảng viên trong Chi bộ phải phân công nhau gặp từng người trong diện xét kết nạp Đảng để giải thích cho họ về ý nghĩa của việc đứng trong hàng ngũ của Đảng để đóng góp cho xóm làng. Sau này, gia đình nào có đảng viên là tự hào lắm, không khí vui ra trò đấy!
Đồng chí Lương Văn Thực, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cúc Đường tâm đắc: Xã đã xóa bỏ “tục” đảng viên mới mời cơm liên hoan. Chỉ một việc làm nhỏ cộng với việc thay đổi nội dung sinh hoạt chi bộ trở nên gần gũi như: thời điểm nào nên tra ngô, các loại sâu bệnh trong thời tháng này, tình hình dịch bệnh của gia súc, gia cầm… nên nhiều quần chúng thấy rõ hơn ý nghĩa của việc tham gia sinh hoạt Đảng. Tiếp lời, đồng chí Lương Quốc Thụy, Bí thư Đảng ủy xã Cúc Đường gật gù: Năm nay, Chi bộ Mỏ Chì gửi hồ sơ đề nghị kết nạp Đảng cho 4 quần chúng ưu tú thì chúng tôi vừa nhận được trả lời đồng ý đối với 3 anh Ngô Văn Hanh, Hoàng Văn Giảng và La Văn Tu.
Không có nhiều đảng viên người dân tộc Mông như ở Mỏ Chì nhưng mọi sinh hoạt của Chi bộ Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương) đều diễn ra suôn sẻ nhờ thay đổi cách làm. Tháng 3-2017, Chi bộ Đồng Tâm được thành lập trên cơ sở tách chi bộ sinh hoạt ghép Khe Nác - Đồng Tâm. Thời điểm đó, xóm Đồng Tâm mới có 2 đảng viên, không đủ số lượng để được phép chia tách. Vì vậy, Đảng ủy xã Động Đạt đã quyết định phân công 2 cán bộ xã và 1 đảng viên ở xóm Khe Nác tham gia sinh hoạt ở Đồng Tâm. Theo đó, anh Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã, đảng ủy viên phụ trách Chi bộ; anh Đỗ Viết Lâm, Trưởng Công an xã; anh Bùi Văn Dương đảng viên xóm Khe Nác nhưng có nhiều đất canh tác nằm ở xóm Đồng Tâm được phân công sinh hoạt tại Chi bộ.
Được phân công sinh hoạt cùng Chi bộ Đồng Tâm đều là những người hiểu rõ địa bàn, phong tục tập quán và có uy tín nhiều năm trong việc tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Mông, do vậy, mọi hoạt động của chi bộ sau khi chia tách đều diễn ra suôn sẻ. Anh Dương Văn Phong, Bí thư Chi bộ Đồng Tâm chia sẻ: Việc xóa sinh hoạt ghép giúp mọi chủ trương được Chi bộ triển khai nhanh và trôi chảy hơn. Dù có 3 đảng viên không thuộc xóm nhưng họ đều là những người nhiều năm gắn bó với người Mông ở Đồng Tâm nên đều được đồng bào tin yêu, tín nhiệm. Hiện nay, ngoài đội ngũ đảng viên cũ, Chi bộ đã kết nạp được thêm anh Lý Văn Đình và đang xác minh lý lịch để xem xét kết nạp với anh Sầm Văn Giàng.
Không khó nếu có giải pháp phù hợp
Đồng chí Mông Chí Hồng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phú Lương nói với chúng tôi như vậy khi đề cập đến giải pháp nhằm phát triển Đảng tại vùng đồng bào dân tộc Mông.
Huyện Phú Lương có 3 xóm có đồng đồng bào dân tộc Mông sinh sống là Đồng Tâm (xã Động Đạt), Na Sàng và Phú Thọ (xã Phú Đô). Hiện nay, cả 3 xóm đã có chi bộ riêng và đang hoạt động hiệu quả. Đồng chí Hồng cho hay: Hàng năm, Huyện ủy giao các Đảng ủy địa phương chỉ đạo chi bộ thực hiện rà soát, tìm nguồn, vận động những người có đủ các điều kiện về văn hoá, có lối sống lành mạnh để phấn đấu vào Đảng. Trong đó, chú trọng đến đội ngũ trưởng xóm, bí thư chi đoàn thanh niên, chi hội trưởng chi hội phụ nữ và nông dân... Sau đó, chi bộ tiếp tục phân công đảng viên đến nhà tuyên truyền, vận động, kèm cặp, giúp đỡ và định hướng cho quần chúng có hướng phấn đấu vào Đảng.
Cũng có quan điểm tương tự, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đồng Hỷ quả quyết: Việc phát triển đảng viên người dân tộc Mông dù đang gặp khó khăn nhưng không thể chạy theo số lượng. Chất lượng đảng viên và chất lượng sinh hoạt chi bộ vẫn là điều quan trọng nhất. Như ở Đồng Hỷ, nhiều chi bộ đã đủ số lượng đảng viên để tách sinh hoạt ghép nhưng chúng tôi chưa có chủ trương chia tách vì các lý do như: các đảng viên đều mới được kết nạp Đảng; đảng viên trong xóm đều là người thân trong gia đình, dòng họ; có nơi địa phương đang có chủ trương sáp nhập xóm… Để khắc phục khó khăn trong sinh hoạt chi bộ ghép, Huyện ủy và các Đảng ủy địa phương đã phân công cán bộ dự tất cả các buổi sinh hoạt chi bộ, phát biểu ý kiến và định hướng hoạt động của từng chi bộ.
Còn đồng chí Vũ Thị Huệ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Võ Nhai thông tin: Trước đây, việc kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình vào Đảng do ban thường vụ cấp tỉnh xem xét, quyết định. Tuy nhiên, hiện nay, quy định đó đã được thay thế bằng Quy định số 05-QĐi/TW ngày 28/8/2018 của Ban Bí thư về việc kết nạp người vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình vào Đảng, theo đó, thẩm quyền này được giao về ban thường vụ cấp uỷ huyện (hoặc tương đương). Như vậy, tùy từng điều kiện cụ thể của địa phương và quá trình phấn đấu của đối tượng, Huyện ủy có thể xem xét và kết nạp. Điều này sẽ gỡ khó thành công cho không ít trường hợp ở Võ Nhai, nơi việc sinh nhiều con mới được đồng bào dân tộc Mông dần xóa bỏ trong những năm gần đây.
Có thể khẳng định, các chi bộ ở các xóm có đông người Mông sinh sống có đóng góp không nhỏ trong việc làm cầu nối giữa cấp ủy Đảng với đồng bào dân tộc Mông, những người còn sống trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do vậy, trước những khó khăn trong phát triển Đảng và hạn chế trong việc phát huy vai trò của những đảng viên người dân tộc Mông việc “bắt trúng mạch, kê đúng thuốc” là cách hữu hiệu. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào, đảng viên phát huy tốt vai trò của từng người trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn là giải pháp then chốt. Cùng với đó, cần đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt chi bộ gần gũi hơn với đời sống đồng bào người dân tộc Mông. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người Mông phát triển kinh tế - xã hội. Có như vậy, từ trên những đỉnh núi cao, “cánh tay” của người Mông mới có thể tiếp tục “vươn dài”, nắm tay và cùng sánh bước với các dân tộc khác trên con đường phát triển chung của Thái Nguyên.