Làm gì để quản lý đảng viên toàn diện? Kỳ I: Đảng viên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng

08:23, 08/10/2018

Quản lý đảng viên là nhiệm vụ quan trọng của Đảng. Thông qua công tác này giúp tổ chức Đảng các cấp sàng lọc, phân loại đảng viên; đưa ra khỏi Đảng những đảng viên suy thoái, biến chất; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên hiện nay, công tác quản lý đảng viên còn khá lỏng lẻo dẫn tới tình trạng đảng viên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng… Vì vậy vấn đề cấp bách hiện nay là bên cạnh việc hoàn thiện các quy định trong công tác quản lý đảng viên, thì vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được đặt lên hàng đầu nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ… 

 

Thời gian qua mặc dù các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã có nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát… Tuy nhiên, tình trạng cán bộ, đặc biệt là đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải thi hành kỷ luật có chiều hướng gia tăng.

 “Sau 1 ngày không thấy số giáo viên này đến làm việc, chúng tôi điện thoại cho gia đình mới biết họ bị tạm giữ về tội “đánh bạc”. Và sau khi cơ quan công an xuống làm việc với Nhà trường chúng tôi mới nắm bắt được cụ thể tình tiết vụ việc”. Đó là chia sẻ của đồng chí Trương Văn Biển, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh). Theo đó, vào khoảng 15h20 ngày 6/12/2017, khi một nhóm đối tượng đang đánh bạc bằng hình thức đánh “ba cây” tại nhà nhà ông Nguyễn Đức Tòa (sinh năm 1965), tổ 9, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) thì bị Tổ công tác của Đội Cảnh sát hình sự, Công an T.P Thái Nguyên bắt quả tang. Tổ Công tác lập biên bản bắt người phạm tội và thu giữ tang vật trên 44 triệu đồng, 36 quân bài… Cả 8 đối tượng nêu trên đều là giáo viên của Trung tâm Đào tạo lái xe thuộc Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên, trong đó có 2 đảng viên là Chúc Danh Giới và Nguyễn Xuân Đoàn.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên có số đông cán bộ, đảng viên tham gia đánh bạc. Trước đó, khoảng 13h20 phút ngày 26/2/2016 tại Tổ kiểm lâm Hóa Trung, Đồng Hỷ thuộc Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng, Công an huyện Đồng Hỷ đã bắt quả tang 7 cán bộ, đảng viên của Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng đánh bạc. Điều đáng buồn là cả 7 cán bộ tham gia đánh bạc đều là đảng viên, trong đó có đội trưởng Nguyễn Đức Tú còn là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy, Bí thư Chi bộ; trong 2 đội phó có đội phó Nguyễn Đức Thắng là Phó Bí thư Chi bộ.

Khi chúng tôi đang thực hiện bài viết này thì cũng là thời điểm Viện Kiểm sát Nhân dân T.P Thái Nguyên có văn bản đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đình chỉ sinh hoạt đảng đối với 3 đảng viên thuộc 2 chi bộ là Chi bộ Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động Thương binh và Xã hội) theo cáo trạng số 413, ngày 26/9/2018 truy tố bị can về tội “đánh bạc”. Được biết, trong số 4 cán bộ thuộc 2 trung tâm nêu trên tham gia “đánh phỏm” sát phạt nhau bằng tiền mặt trong giờ hành chính, bị bắt quả tang vào hồi 16h30 ngày 27/7/2018 tại quán Alone café, tại tổ 31, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên ngay gần 2 cơ quan mà họ làm việc, trong số này có 3 đảng viên tuổi đời còn rất trẻ.

Ngoài hành vi đánh bạc, còn nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến chơi lô đề, làm giả giấy tờ của cơ quan Nhà nước, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, trong quản lý tài chính, đất đai, ngân sách…

Ngày 6/2/2018, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự Chu Quyết Chiến và đồng phạm tham ô tài sản tại Trường THCS Cổ Lũng, huyện Phú Lương. Kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm đã làm rõ: Từ tháng 11-2012 đến tháng 7-2013, Chu Quyết Chiến là Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Lũng và Lê Đức Tuấn, kế toán của Nhà trường đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao lập chứng từ khống để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 248 triệu đồng. Riêng Lê Đức Tuấn còn chiếm đoạt 3 chiếc máy tính xách tay của Nhà trường trị giá 27,9 triệu đồng. Xét thấy tính chất của vụ án là rất nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo không chỉ xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước mà còn gây dư luận xấu trong ngành Giáo dục và địa phương, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt mỗi bị cáo 7 năm tù về tội tham ô tài sản.

Thực tế cho thấy do buông lỏng trong công tác quản lý, nên tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng…

Nhìn vào danh sách các tổ chức, cá nhân sai phạm trên có thể thấy cùng lúc hai cảm xúc vui và buồn. Vui vì việc xử lý cán bộ sai phạm đã đáp ứng mong mỏi của người dân. Ngay cả cán bộ đang đương chức nếu có sai phạm đều bị thi hành kỷ luật và chịu trách nhiệm hậu quả mình đã gây ra. Vui vì những sai phạm đã được làm sáng tỏ. Nếu không có sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt và hiệu quả thì những sai phạm này không được ngăn chặn và có cơ hội lấn sâu hơn, gây mất niềm tin đối với nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, khó tránh được cảm xúc buồn. Buồn vì “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, bất chấp các quy định vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật. Đáng chú ý trong số cán bộ, đảng viên vi phạm này có người còn rất trẻ, đầy tiềm năng và được kỳ vọng nhiều ở tương lai. Vì vậy, khi những kết luận về sai phạm của số đảng viên này được công bố thì không ít người vừa ngỡ ngàng, hụt hẫng và thấy vô cùng đáng tiếc…

Tổng số đảng viên bị thi hành kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ tính đến thời điểm tháng 3-2018, trong toàn Đảng bộ là 354 trường hợp (tăng 77 trường hợp so với cùng kỳ nhiệm kỳ 2010- 2015), chiếm 0.40% so với tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trong đó cấp ủy viên bị thi hành kỷ luật là 94 trường hợp, chiếm 26,55% so với tổng số đảng viên bị thi hành kỷ luật. Đã xử lý bằng hình thức khiển trách 177 trường hợp, cảnh cáo 111 trường hợp, cách chức 16 trường hợp, khai trừ 50 trường hợp; số đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên và cho rút khỏi danh sách đảng viên là 70 trường hợp. Riêng năm 2017, toàn tỉnh đã thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng và 149 đảng viên, trong đó có 27 đảng viên là cấp ủy viên các cấp (tăng 7 tổ chức đảng, 36 đảng viên so với năm 2016).

 

Bà Lê Thị Thu An, Bí thư Đảng ủy phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên): Từ năm 2016 đến nay, Đảng bộ phường có 2 đảng viên bị xử lý kỷ luật với hình thức khai trừ do vi phạm pháp luật (1 tham gia đánh bạc, 1 buôn bán trái phép ma túy), 1 đảng viên bị xóa tên do không tham gia sinh hoạt Đảng. Tuy nhiên, những biểu hiện vi phạm pháp luật của các đảng viên là rất khó nắm bắt vì nó không giống như các biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sinh hoạt, đạo đức, lối sống, ứng xử của đảng viên hằng ngày để cấp ủy nhắc nhở, phê bình.

 

 

 

 

 

Trung tướng Đàm Đình Trại, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Quân khu I, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam: Trong giai àoaån hiïån nay vêîn coá möåt bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức bị kỷ luật ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là việc kiểm tra, giám sát ở các cấp chưa nghiêm, thiếu trách nhiệm nên không phát hiện được sai phạm, hoặc có tiêu cực, dẫn tới các vi phạm của tập thể, cá nhân bị “lấp liếm”, bao che. Trên thực tế nhiều vụ việc tham ô, tham nhũng của cán bộ, đảng viên sai phạm trong thời gian dài mới bị phát hiện, đến khi xử lý thì vụ việc đã trở thành nghiêm trọng, hậu quả lớn, ảnh hưởng đến kinh tế, ngân sách của Nhà nước, đồng thời tạo dư luận xã hội xấu...

 

 

                                                                                                                                                                                         (Còn nữa)