“Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Đồng chí Mông Chí Hồng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy huyện Phú Lương bắt đầu câu chuyện về công tác phát triển đảng viên mới với chúng tôi bằng cách nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên.
Tôi biết không phải anh “lên gân”, hay “thói quen” của người làm công tác Đảng, mà đó là tâm huyết của một cán bộ đảng viên ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Thái Nguyên. Nhưng không vì lý do khó, khổ, thiếu thốn mà ảnh hưởng đến công tác phát triển đảng viên mới. Vì từ Đảng bộ huyện đến các cơ sở Đảng trực thuộc đều phát huy được vị trí, vai trò của Đảng, tính tiền phong, gương mẫu trước nhiệm vụ của đảng viên. Đặc biệt từ công tác tìm nguồn, tạo nguồn, định hướng cho quần chúng ưu tú có động cơ phấn đấu trong sáng để kết nạp, bổ sung vào đội ngũ của Đảng, góp phần làm tăng thêm nguồn sinh lực, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới.
Được biết: Huyện Phú Lương có hơn 29.000 hộ, hơn 94.000 nhân khẩu, gồm 8 dân tộc chính cùng đoàn kết, sinh sống tại 255 khu dân cư, thuộc 15 xã và thị trấn. Đảng bộ huyện có 60 chi, đảng bộ trực thuộc, gồm 18 Đảng bộ xã, thị trấn; 42 chi bộ cơ quan, đơn vị sự nghiệp; 362 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, với tổng số đảng viên (tính đến đầu tháng 10-2018) có 5.470 đồng chí, trong đó có gần 2.190 đảng viên viên nữ, chiếm hơn 40%; hơn 2.400 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm gần 44%.
Đồng chí Lèng Hữu Hòa, cán bộ Ban tổ chức Huyện ủy tâm đắc: Hằng năm, Đảng bộ đều tổ chức việc tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng; cấp thẻ đảng viên; công nhận đảng viên chính thức cho đảng viên theo đúng Điều lệ Đảng. Đặc biệt là việc kết nạp đảng viên mới được quan tâm, từ năm 2016 đến đầu tháng 10-2018, toàn Đảng bộ kết nạp mới 540 đảng viên, trong đó có 193 đảng viên nông thôn, chiếm 35,7%. Riêng năm 2018, đến đầu tháng 10, toàn Đảng bộ kết nạp mới 132 đảng viên, đạt 69,5% chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới của Đảng bộ huyện đề ra trong năm 2018.
Tuy nhiên trong công tác phát triển đảng viên mới, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, Đảng bộ huyện Phú Lương còn gặp không ít khó khăn, vì các lý do: Đại bộ phận người trong độ tuổi nguồn (từ 18 đến 60 tuổi), có đủ các điều kiện để được đào tạo bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng, nhưng do mải lo làm kinh tế gia đình, trong số họ có nhiều người thường xuyên phải đi làm kinh tế xa nhà dài ngày, nên không phát triển được. Hoặc do tại địa phương, một số cán bộ, đảng viên chưa thật mẫu mực, có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, nên đã tạo hình ảnh phản cảm, dẫn đến hiện tượng có nhiều người trong độ tuổi phát triển Đảng hiểu sai lệch về phẩm chất đảng viên, mất niềm tin vào đảng viên, nên không mặn mà với việc được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến công tác phát triển đảng viên mới là từ cấp ủy cơ sở, còn có không ít cán bộ, đảng viên có tư tưởng “phát triển dòng họ”, trọng nam, khinh nữ, thậm chí ích kỷ, hẹp hòi, “sợ” người khác tài giỏi hơn mình. “Họ” không vào cuộc nghiêm túc, thậm chí tìm cách làm cho đối tượng nguồn chán nản, không tha thiết phấn đấu vào Đảng.
Đồng chí Hồng cho biết thêm: Để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực trong đảng viên, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng, Đảng bộ huyện đã thường xuyên, kịp thời sử lý thỏa đáng đối với những đang viên có biểu hiện mất phẩm chất đạo đức cách mạng. Chỉ trong thời gian 9 tháng đầu năm 2018, Đảng bộ huyện đã kỷ luật, đưa ra khỏi Đảng 1 trường hợp vi phạm Điều lệ Đảng. Đau đớn, nhưng đó cũng là giải pháp hiệu quả nhất làm trong sạch nội bộ Đảng. Góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng, với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ yên tâm, tin tưởng, phấn đấu để được đứng trong đội ngũ của Đảng.
Khi tìm hiểu về công tác phát triển đảng viên mới, chúng tôi phát hiện thêm một nghịch lý là: Nhiều địa phương có điều kiện kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi, nhưng công tác phát triển đảng viên mới lại khó đạt chỉ tiêu, như Đảng bộ xã Tức Tranh, Hợp Thành và Đảng bộ thị trấn Giang Tiên. Trong 9 tháng đầu năm 2018, Đảng bộ xã Tức Tranh kết nạp mới 5/13 đảng viên, đạt 38,5% chỉ tiêu của năm; Đảng bộ xã Hợp Thành kết nạp mới 3/8 đảng viên, đạt 37,5% chỉ tiêu của năm; Đảng bộ thị trấn Giang Tiên kết nạp mới 3/9 đảng viên, đạt 33,3% chỉ tiêu của năm…
Ngược lại, một số địa phương kinh tế khó khăn, giao thông chưa thuận lợi, song công tác phát triển đảng viên mới lại đạt cao, như: Đảng bộ xã Vô Tranh kết nạp mới 11/12 đảng viên, đạt 91,7%; Đảng bộ xã Yên Lạc kết nạp mới 10/13 đảng viên, đạt 76,9%; Đảng bộ xã Phấn Mễ kết nạp mới 11/15 đảng viên, đạt 73,3%... Dự đoán khả năng đến hết tháng 12-2018, các tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ huyện sẽ hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên của năm.
Trong công tác phát triển đảng viên mới ở Đảng bộ huyện Phú Lương, có thể khẳng định Đảng bộ xã Yên Trạch là một điểm sáng. Bởi Yên Trạch là một trong những xã xa nhất, khó khăn nhất của huyện Phú Lương, nhưng từ nhiều năm gần đây, Đảng bộ luôn kết nạp đảng viên mới đạt và vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra: Năm 2012, kết nạp 18 đảng viên; các năm 2013, 2014 kết nạp 12 đảng viên/năm. Từ năm 2015 đến năm 2018, Đảng bộ kết nạp 13 đảng viên/năm. Trong phát triển đảng viên mới, Đảng bộ xã Yên Trạch được các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy đánh giá cao. Bởi trong số đảng viên mới được kết nạp hằng năm, ngoài các đồng chí đang làm việc tại cơ quan, trường học, trạm y tế hoặc giữ các chức việc ở cơ sở, còn có nhiều nông dân được bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng. Như năm 2018, trong tổng số 13 đảng viên mới, có 5 đảng viên là nông dân được kết nạp từ chi bộ nông thôn.
Đồng chí Nguyễn Công Đảm, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Yên Trạch là xã vùng ATK của tỉnh Thái Nguyên, nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Xã có 12 xóm, với gần 1.700 hộ, 6.800 nhân khẩu (hơn 90% là người dân tộc Tày), 100% các ông, bà làm trưởng xóm đều là đảng viên. Phần lớn các trưởng xóm được kết nạp vào Đảng từ trước lúc “nhận chức”. Hiện, Đảng bộ xã có 308 đảng viên, trong đó có 31 đảng viên miễn sinh hoạt, song các cụ, những đảng viên cao tuổi luôn tích cực tham gia ý kiến đóng góp xây dựng Đảng bộ, chi bộ…
Cụ Nguyễn Công Chính, xóm Na Pháng, Chi hội trưởng Người cao tuổi, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của xã, cho biết: Xã Yên Trạch còn nghèo, nhưng không vì nghèo mà tự ti, đố kỵ... Nên xã không có chuyện các dòng họ trong xã kìm hãm nhau, mà hỗ trợ, động viên nhau cùng vươn lên phát triển kinh tế; động viên nhau phấn đấu, rèn luyện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Là người cao tuổi, tôi rất mừng khi hằng năm, các chi bộ nông thôn đều kết nạp được đảng viên mới. Các đồng chí Nguyễn Công Đảm, Bí thư Đảng ủy xã; Dương Đức Việt, Bí thư Đoàn Thanh niên xã, cùng nhiều đồng chí đảng viên khác được kết nạp từ chi bộ nông thôn, sau đó đã thể hiện được vai trò của mình trước các phong trào cơ sở, được nhân dân quý mến, lãnh đạo cấp trên tín nhiệm, giao đảm trách các chức vụ phù hợp với năng lực tại địa phương.
Khi chúng tôi hỏi “bí quyết” gỡ nút thắt về nguồn kết nạp đảng viên mới, đồng chí Đảm cho biết: Là xã thuần nông, đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn, nhiều người trong độ tuổi lao động, nhất là lớp trẻ thường rủ nhau đi làm ăn xa (các công ty trong, ngoài tỉnh); xuất khẩu lao động; làm thợ xây,… cả năm mới về nhà một lần vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Trong thời gian người dân đi làm ăn xa nhà, địa phương vận động họ cam kết không vi phạm luật pháp. Thường là người dân đi làm kinh tế sau khoảng thời gian 3 đến 5 năm lại trở về quê hương an cư, nên Đảng ủy chỉ đạo tới các chi bộ nông thôn, hằng năm thực hiện rà soát, tìm nguồn, vận động những người có đủ các điều kiện về văn hoá từ trung học cơ sở trở lên, có lối sống lành mạnh phấn đấu vào Đảng. Trong năm 2018, xã có 9 trường hợp đủ điều kiện tham gia các lớp học tập nâng cao nhận thức về Đảng. Đây là nguồn để các chi bộ Đảng tổ chức kết nạp vào năm 2019.
Nói về chuyện phát triển đảng viên mới tại các chi bộ nông thôn, đồng chí Nguyễn Thị Hồi, Bí thư Chi bộ xóm Na Hiên, cho biết: Chi bộ hiện có 22 đảng viên, trong đó có 15 đảng viên nông thôn. 100% đảng viên đều được giao nhiệm vụ, như làm trưởng xóm, chi hội trưởng phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên và trực tiếp phụ trách các cụm dân cư. Hiện nay, Chi bộ đang tiến hành thực hiện các thủ tục cần thiết như xác minh lý lịch nhân thân, xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy để tổ chức Lễ kết nạp Đảng cho đồng chí Ma Văn Hạnh, công an viên của xóm...
Như vậy, từ đầu năm đến nay, Đảng bộ xã Yên Trạch đã kết nạp được 4 đảng viên nông thôn, gồm: Nguyễn Thanh Đảng, Chi bộ xóm Đồng Quốc; Nguyễn Quốc Hoàng; Nguyễn Thanh Chính cùng ở Chi bộ xóm Bài Kịnh, và Lường Thị Hiến, Chi bộ xóm Na Pháng.
Nhận xét về đảng viên mới, đồng chí Nguyễn Trọng Luyến, Bí thư Chi bộ xóm Na Pháng, cho biết: Đồng chí Hiến trước đó là một quần chúng tích cực, được nhân dân tín nhiệm, bầu làm Chi hội phó Chi hội Phụ nữ. Do có quá trình phấn đấu tốt, đồng chí Hiến được kết nạp vào Đảng, và tiếp tục phát huy có hiệu quả vai trò của người đảng viên trước các phong trào tại địa phương…
Tìm lời giải cho việc gỡ nút thắt thiếu nguồn kết nạp đảng viên mới, chúng tôi đến các chi bộ: Bản Cái, Bản Héo, Đin Đeng, Khuân Lặng,… đều nhận được câu trả lời: Chi bộ Đảng ở nông thôn là nơi gần dân nhất, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân nhất, nên để tạo nguồn thành công, ngay từ đầu năm, chi bộ đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các tổ chức đoàn thể của xóm, sau đó phân công đảng viên đến nhà tuyên truyền, vận động, kèm cặp, giúp đỡ và định hướng cho quần chúng có hướng phấn đấu vào Đảng. Chính vì vậy mà hầu hết những quần chúng ưu tú sau khi được chi bộ giới thiệu, Đảng bộ cử tham gia lớp học tập bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, đều được kết nạp vào Đảng trong nhiệm kỳ.
Đồng chí Luyến cho biết thêm: Dự kiến tháng 11 này, Chi bộ xóm Na Pháng sẽ tổ chức kết nạp đảng cho đồng chí Nguyễn Thanh Gióng, sinh năm 1990. Mới đây, đồng chí Gióng được ngành Y tế tuyển dụng vào làm viên chức tại Trạm Y tế xã, trực tiếp phụ trách công tác dân số.
“Vào Đảng không phải để làm quan, lên chức, cũng không phải để được tuyển dụng vào làm việc trong cơ quan Nhà nước,… mà để có môi trường phấn đấu, rèn luyện tốt để thực hiện lý tưởng cao đẹp góp phần sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước”. Câu trả lời này tôi được nghe từ các đồng chí đảng viên mới được kết nạp ở vùng nông thôn, miền núi huyện Phú Lương. Họ là những người đảng viên nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không tư lợi, mà hồn nhiên, trong sáng như mạch nguồn bất tận chảy về những dòng sông - Dòng sông cuộc đời. Và theo dòng sông ấy, những đảng viên lớp sau theo lớp trước, ví như hạt cát bồi, gom lại phù sa để góp phần làm nên những mùa vàng thắng lợi cho quê hương, đất nước ngày thêm phồn thịnh .