Những chi bộ trên đỉnh núi mờ sương

11:33, 30/10/2018

Thái Nguyên hiện có trên 7.000 người Mông sinh sống ở 47 xóm, thuộc 18 xã của 4 huyện: Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương. Tuy chỉ chiếm 0,6% dân số tỉnh nhưng do đời sống còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc Mông đang nhận được nhiều sự quan tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Để phát huy tốt hiệu quả của các chính sách đó, vai trò của các đảng viên người dân tộc Mông là một trong những yếu tố quan trọng. Trên những đỉnh núi mờ sương, các chi bộ ở xóm, bản vùng đồng bào dân tộc Mông đã và đang phát huy tốt  vai trò trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Kỳ I: Cách nghĩ của những người đầu tàu

Thái Nguyên hiện có trên 90 đảng viên người dân tộc Mông. Phát huy vai trò của mình, các đảng viên người dân tộc Mông đang từng ngày nỗ lực đổi mới tư duy, tiên phong trong những đổi thay, gương mẫu trong từng phong trào để đồng bào noi theo. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Mông.

Nghĩ mới để làm khác

“Phải xuống núi” - đó là suy nghĩ anh Hoàng Văn Tài, Bí thư Chi bộ xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) luôn nung nấu trong lòng. Anh nghĩ: Trên núi đất đai nhiều nhưng canh tác được vài năm thì cằn cỗi. Núi cao, đường sá đi lại khó khăn nên người Mông mình ít giao lưu, buôn bán được với bên ngoài. Cái đói, cái nghèo vì thế mà cứ quẩn quanh mãi trong từng nếp nhà. Phải xuống núi mới mở ra cuộc sống mới, ấm no hơn. Nghĩ vậy, sau nhiều lần nấn ná, năm 2004, anh Tài tiên phong “hạ sơn”. Nhớ lại ngày đó, anh Tài kể: Khi ấy bà con trong xóm cũng dao động lắm. Họ bảo mình là đảng viên, là Trưởng xóm mà bỏ bà con là không được. Lúc đó, mình phải kiên trì giải thích cho từng người.

Dần dần, thực tế đã chứng minh cho người Mông ở Mỏ Chì thấy quyết định của anh Tài là sáng suốt. Ở dưới núi, việc canh tác đơn giản và hiệu quả hơn, giao thông đi lại thuận tiện, đi xe máy ra đến chợ chỉ mất 10 phút nên cái ngô, con gà bán được giá hơn. Bắt đầu có thêm vài người đến hỏi anh Tài về việc xuống núi, ai cũng được anh tư vấn, hỗ trợ để tìm mua đất, làm thủ tục để được Nhà nước cấp giống ngô, phân bón. Ở Mỏ Chì có hơn 120 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống, thì đến nay đã một nửa số hộ xuống núi, trong số này, mỗi năm có khoảng 2-3 hộ vươn lên thoát nghèo. “Vui lắm!”, anh Tài hồ hởi: Người dân mình xuống núi vẫn đoàn kết một lòng để phát triển kinh tế. Xuống núi rồi, cái điện, cái đường Nhà nước hỗ trợ cũng gần hơn, đời sống nhờ vậy ngày một no ấm.

Giống như anh Tài, 13 năm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, điều ông Trần Văn Hồ, Chi bộ Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) luôn cố gắng phát huy vai trò của người đảng viên. Để tạo được sức mạnh đoàn kết dân tộc, ông Hồ cùng 3 đảng viên khác trong Chi bộ thường xuyên đến tận nhà dân để tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng với người Mông. Tại các buổi sinh hoạt của điểm nhóm Đạo Tin lành, ông Hồ cùng các đảng viên khác phân công nhau tham dự, kết hợp với việc phổ biến các quy định mới của Nhà nước để đồng bào Mông kịp thời nắm bắt. Ông kể: Cách đây vài năm, người của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình nhiều lần đến xóm dụ dỗ, lôi kéo bà con đi theo tà đạo. Mình đã báo cáo Đảng ủy xã và cùng với các cán bộ địa phương đến tuyên truyền ngay cho bà con, giải thích cho họ nhận ra âm mưu của kẻ xấu. Thấy mình nói có lý, có tình nên đồng bào nên đã cương quyết không ai theo tà đạo.

Cũng với suy nghĩ: “Là đảng viên phải gương mẫu”, ông Lầu Văn Vừ, 68 tuổi, Bí thư Chi bộ xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương) luôn hết mình vì công việc chung. Đối với ông, việc giữ gìn nét văn hóa đắc sắc của dân tộc Mông cũng là vấn đề đảng viên cần quan tâm. Ông Vừ chia sẻ: “Bọn trẻ bây giờ đang dần quên mất tiếng khèn, điệu sáo lưỡi rồi. Mấy năm trước, cả xóm không còn cái khèn nào.”

Với quyết tâm không để những nét đẹp của dân tộc mình bị mai một, ông Vừ đã cất công đi khắp nơi, bỏ gần 10 triệu đồng mua 2 chiếc khèn và truyền dạy cho lớp trẻ người Mông. Ông bảo: Tiếng Khèn là phần hồn của người Mông. Đến nay, ông đã vận động được hơn 10 thanh niên người Mông học thổi khèn. Không chỉ vậy, với vai trò là đảng viên người dân Mông duy nhất của xóm Phú Thọ, trong những buổi sinh hoạt, lễ hội của xóm, ông thường chia sẻ phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của người Mông cho lớp trẻ biết yêu, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa. Ông cũng tích cực khuyên nhủ bà con trong xóm xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tập trung vào phát triển kinh tế và đời sống văn hóa, tinh thần, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Quả ngọt trên núi đá

Ông Hồ, ông Vừ, anh Tài chỉ là 3 trong số nhiều đảng viên người dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh đang tích cực nghĩ mới, làm khác để thay đổi những quan niệm cũ trong những xóm bản người Mông. Đồng chí Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) chia sẻ: Trước đây, một số xóm bản vùng đồng bào dân tộc Mông chưa có chi bộ, chưa kết nạp được đảng viên nên việc địa phương nắm được tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2010 trở về đây, với việc kết nạp được thêm một số đảng viên người dân tộc Mông, việc triển các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, xây dựng các mô hình xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ tình trạng di dân tự do ở các xóm bản người Mông đã được triển khai hiệu quả hơn nhiều.

Những năm qua, các đảng viên người dân tộc Mông đã tích cực tiếp cận, bền bỉ tuyên truyền vận động cho đồng bào nhận rõ đúng sai, hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, âm mưu chia rẽ, phá hoại mối đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Bằng uy tín và sự tận tâm của mình, các đảng viên người dân tộc Mông đã vận động hiệu quả đồng bào vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2017, đã có 250 hộ người dân tộc Mông vay vốn Ngân hàng Chính sách – Xã hội để phát triển chăn nuôi. Đến nay, đã có trên 30 hộ trả hết nợ. Hiện nay, 100% số hộ người dân tộc Mông đã chuyển đổi sang trồng giống ngô lai cho năng suất cao. Ở một số xóm bản, đồng bào đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ như trồng lúa 2 vụ, trồng chè, trồng cây ăn quả… để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở các xóm, bản có đông đồng bào Mông trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã giảm 5,35%, huyện Võ Nhai giảm 2,7%... Được sự hỗ trợ của Nhà nước, tỏng 2 năm 2017-2018, các xóm bản vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã được đầu tư 15 tuyến đường với tổng chiều dài 42,7km; xây dựng 15 công trình nhà lớp học; 4 công trình nhà văn hóa; 11 công trình điện lưới; công trình nước sạch…

Tuy vậy, nhìn nhận một cách thẳng thắn, toàn tỉnh hiện chỉ có trên 90 đảng viên người dân tộc Mông và 10 chi bộ ở các xóm bản người Mông. Vẫn còn 37 xóm bản có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống chưa có chi bộ, đảng viên. Trong khi đó, việc phát triển tổ chức đảng ở những khu vực này còn gặp nhiều khó khăn trong kết nạp thêm đảng viên mới, duy trì sinh hoạt đảng hiệu quả, phát huy tối ưu vai trò của đảng viên…