Đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị

08:01, 22/01/2019

Giáo dục lý luận chính trị (LLCT) là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trọng sạch vững mạnh.

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác này, thời gian qua, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành các hướng dẫn về nhiệm vụ công tác giáo dục LLCT, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; tổ chức thao giảng LLCT… chỉ đạo các trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) cấp huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Trong đó yêu cầu các đơn vị phải chú trọng nghiên cứu lý luận, các quan điểm, đường lối của Đảng, kịp thời phát hiện những vấn đề mới, mang tính đột phá để vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tiễn; coi trọng tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận, nhất là những mô hình mới, khó, cách làm hay, hiệu quả đã được thực tiễn kiểm nghiệm để nhân rộng;  khắc phục tính hình thức trong sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên học tập, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước. Trong năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thi giảng viên LLCT giỏi cấp tỉnh lần thứ 6. Hội thi là dịp để thí sinh, các giảng viên cùng nhau trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác LLCT, kỹ năng, phương pháp giảng dạy đồng thời khảo nghiệm lại những vấn đề mang tính thực tiễn tại cấp mình, địa phương mình đặt ra trong sự gắn kết với yêu cầu nhiệm vụ công việc chung, từ đó đúc kết kinh nghiệm cho bản thân để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới. Kết quả thi lần này giúp cho Ban Tổ chức phát hiện và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện các chương trình giáo dục LLCT, tạo cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện hơn nữa về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy LLCT cho các TTBDCT cấp huyện, góp phần triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương về công tác giáo dục, đào tạo LLCT.

Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo ban tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc tỉnh, TTBDCT thường xuyên dự giờ, thăm lớp nhằm góp ý, trao đổi kinh nghiệm, không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy LLCT. Đến nay, 100% giảng viên tại các TTBDCT cấp huyện đã được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy LLCT tích cực. Đặc biệt, Trường Chính trị tỉnh và các TTBDCT cấp huyện với vai trò nòng cốt đã tích cực nâng cao chất lượng giảng dạy theo hướng cụ thể, thiết thực phù hợp với yêu cầu thực tiễn; công tác quản lý học viên được thực hiện ngày càng chặt chẽ; việc kiểm tra, chấm điểm, đánh giá xếp loại có nhiều chuyển biến tiến bộ.

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Phạm Minh Chuyên, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Nhà trường thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá lại năng lực giảng dạy của từng giảng viên, thực hiện phân công lại bài giảng một cách hợp lý cho cả giảng viên chính thức và giảng viên tập sự, tạo điều kiện cho giảng viên luân phiên tham gia giảng các bài trong chương trình, vừa nâng cao nhận thức lý luận, đảm bảo tính hệ thống vừa rèn luyện kỹ năng, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên. Hằng quý các chi bộ, phòng, khoa đều tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác của từng cán bộ, đảng viên, tiến hành phân loại theo quy chế làm cơ sở bình xét thi đua cuối năm… Hiện nay, trong số 51 cán bộ, công chức, viên chức toàn trường, trong đó có 38 giảng viên thì 100% có trình độ đại học, nhiều đồng chí có 2 bằng đại học; có 22 thạc sĩ, 2 nghiên cứu sinh, 6 học viên cao học với các chuyên ngành lĩnh vực.

Các TTBDCT cấp huyện cũng có nhiều đổi mới trong công tác giáo dục LLCT. Tiêu biểu là TTBDCT huyện Phú Lương. Riêng năm 2018 đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở lớp 1 trung cấp LLCT cho 75 cán bộ, đảng viên; tổ chức 27 lớp đào tạo, bồi dưỡng LLCT và chuyên môn nghiệp vụ cho 2.300 lượt cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Trong việc nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, Trung tâm đã tham mưu cho Huyện ủy mời các lãnh đạo chủ chốt các chi, đảng bộ, các phòng ban, các báo cáo viên dự hội nghị trực tuyến nghe báo cáo viên Trung ương quán triệt; đối với  các chi, đảng bộ cơ sở, phát huy vai trò của các đồng chí bí thư đảng bộ trong việc trực tiếp truyền đạt, quán triệt nghị quyết. Căn cứ vào nội dung, chương trình học, Trung tâm mời các giảng viên là các đồng chí lãnh đạo huyện, các phòng, ban có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy một số tiết....

Có thể khẳng định, mặc dù vẫn còn những khó khăn, hạn chế, song dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, công tác giáo dục LLCT đã có nhiều đổi mới. Trường Chính trị tỉnh và các TTBDCT đã có nhiều sáng kiến hiệu quả nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng LLCT trong Đảng và trong hệ thống chính trị, đóng góp thiết thực vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao nhận thức, củng cố lập trường, quan điểm chính trị cho cán bộ, đảng viên; phòng chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tính đến trung tuần tháng 11-2018, các TTBDCT cấp huyện và các đảng ủy trực thuộc tỉnh đã mở được 241 lớp với 20.622 học viên, trong đó có 10 lớp sơ cấp LLCT; 30 lớp đối tượng kết nạp Đảng; 27 lớp bồi dưỡng đảng viên mới; 10 lớp bồi dưỡng bí thư chi bộ, cấp ủy viên cơ sở; 18 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ khối đảng; 57 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đoàn thể; 29 lớp bồi dưỡng chuyên đề và 55 lớp các loại hình bồi dưỡng khác.