Bài 4: Luân chuyển để đào tạo, rèn luyện cán bộ

20:55, 24/04/2019

Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, đặc biệt là các cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cho thấy công tác luân chuyển cán bộ trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ.

Đồng chí Nguyễn Thị Hiền (đứng thứ 4 từ trái sang), Bí thư Đảng ủy xã Tân Đức (nguyên là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Phú Bình) trao đổi công việc với các đảng viên của Chi bộ xóm Diễn.

Môi trường rèn luyện, thử thách cán bộ

Được dự buổi họp giao ban giữa Thường trực Đảng ủy, lãnh đạo UBND xã với các bí thư chi bộ, trưởng xóm ở xã Yên Lạc (Phú Lương) đầu tháng 4 này, chúng tôi nhận thấy đồng chí Nguyễn Chí Tâm, Bí thư Đảng ủy xã có cách điều hành cuộc họp rất khoa học, nắm bắt sâu sát tình hình cơ sở, việc chỉ đạo giải quyết các công việc nhận được sự đồng thuận cao. Được biết, trước đó đồng chí Nguyễn Chí Tâm là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Yên Lạc từ tháng 8-2017. Đây là xã thuộc diện được đầu tư theo Chương trình 135 trong giai đoạn 2017-2020, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và theo đạo. Đội ngũ cán bộ từ xã đến xóm trình độ chưa đồng đều, nhận thức của người dân còn chưa cao. Xác định rõ khó khăn nhiều, thuận lợi ít, đồng chí Tâm đã dành nhiều thời gian xuống cơ sở nắm bắt tình hình sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để có những giải pháp thiết thực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Tâm khẳng định: Với tôi, về cơ sở chính là môi trường để rèn luyện bản thân. Từ thực tế và những kinh nghiệm tích lũy được, tôi đưa ra ý kiến cùng với Ban Chấp hành Đảng bộ xã thống nhất sửa đổi quy chế làm việc, thực hiện sắp xếp lại công tác cán bộ, tăng cường công tác tuyên truyền trong thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, đảng viên theo phương châm: Khen thưởng đúng đối tượng, kỷ luật nghiêm minh, nhắc nhở phê bình để cán bộ, đảng viên tiến bộ. Nhờ đó, thời gian qua địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, là địa phương đầu tiên của huyện thực hiện việc sáp nhập các xóm không đủ điều kiện theo quy định, đến nay xã đã hoàn thành sáp nhập 6 xóm thành 3 xóm, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận cao. Hiện nay, xã đang tập trung dồn các nguồn lực để hoàn thiện các tiêu chí còn lại, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm nay.

Cũng về công tác luân chuyển cán bộ, đồng chí Lê Thị Ngọc Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ T.P Thái Nguyên cho biết: Công việc trước khi luân chuyển của tôi là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy. Trong thời gian 2 năm luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy phường Quan Triều, tôi thấy mình được rèn luyện, trưởng thành, tự tin hơn nhiều về phong cách lãnh đạo, kế hoạch làm việc, chỉ đạo của người đứng đầu. Mọi việc để đánh giá hay chỉ đạo giải quyết tôi đều ý thức phải tìm hiểu kỹ từ cơ sở, gần gũi với người dân, cán bộ, đảng viên, nắm bắt tình hình, chủ động, linh hoạt xử lý...

Trao đổi với một số cán bộ khác được luân chuyển, chúng tôi nhận thấy các ý kiến đều cho rằng việc luân chuyển đã tạo cơ hội để từng cán bộ phấn đấu vươn lên, có những  chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị. Đồng chí Nguyễn Tuấn Hưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Phú Bình (là người đã có thời gian luân chuyển về xã Bảo Lý làm Bí thư Đảng ủy xã trong 3 năm) chia sẻ: Từ việc luân chuyển vị trí công tác, tôi nhận thấy bản thân mình được trải nghiệm thực tiễn, qua đó có thêm nhiều kiến thức thực tế, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện hơn. Khi quay về huyện đảm nhận vai trò, vị trí mới, từ những kiến thức tích lũy được, tôi cùng lãnh đạo Ban tham mưu với cấp ủy về các nội dung công việc bảo đảm sát đúng hơn với thực tế cơ sở. 

 

Khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín

Một trong những yêu cầu của công tác luân chuyển cán bộ được đề cập trong Kế hoạch số 11-KH/TU ngày 20/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ giai đoạn 2016-2020 là phải bảo đảm tính toàn diện, đa chiều, công khai, dân chủ, ổn định và phát triển; khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, khuynh hướng cục bộ, khép kín.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đảng bộ trực thuộc đã cụ thể hóa bằng nhiều kế hoạch cụ thể, bảo đảm việc luân chuyển, điều động gắn với bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị, địa phương. Địa phương tiêu biểu trong công tác này là T.P Thái Nguyên. Trong nhiệm kỳ này, Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng kế hoạch theo hướng luân chuyển dọc cán bộ từ thành phố xuống phường, xã; luân chuyển cán bộ từ phường, xã lên thành phố; luân chuyển ngang giữa các phòng, ban, ngành, đoàn thể và luân chuyển từ phường, xã này sang đảm nhận, giữ chức vụ chủ chốt ở phường, xã khác (nhiệm kỳ trước chưa thực hiện được). Kết quả từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay đã có 79 cán bộ được luân chuyển (tăng 15 người so với nhiệm kỳ trước). Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Thái Nguyên: Các đồng chí cán bộ khi luân chuyển về cơ sở đã nhanh chóng tiếp cận công việc, cùng với đội ngũ cán bộ ở địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ xã, phường và được cán bộ, đảng viên, nhân dân tín nhiệm cao. Công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ của thành phố trong thời gian qua đã tạo sự chuyển biến tích cực, là chủ trương đúng, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhờ thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ, thành phố đã từng bước khắc phục được tình trạng khép kín, cục bộ địa phương trong bố trí các chức danh chủ chốt ở các xã, phường…

Đối với huyện Phú Bình, công tác luân chuyển cán bộ cũng được thực hiện các bước theo quy trình, bảo đảm chặt chẽ, thận trọng. Các cán bộ trước khi luân chuyển đều được Thường trực Huyện ủy gặp gỡ, trao đổi, giao nhiệm vụ, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng cán bộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã luân chuyển được 13 lượt cán bộ. Đồng chí Dương Viết Dũng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy đánh giá: Hầu hết các đơn vị có cán bộ luân chuyển đã từng bước thay đổi phương pháp, lề lối làm việc, chất lượng quản lý, điều hành,  phục vụ nhân dân được nâng lên. Phú Bình đã rút ra được những kinh nghiệm là luân chuyển cán bộ phải đúng người, đúng chỗ, đúng thời điểm; quá trình thực hiện cần nắm vững mục đích, yêu cầu, các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy; có phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ một cách khoa học, thực hiện đúng quy trình, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ…

 

Tránh tạo ra tư tưởng “đi dễ, khó về”

Thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016-2020, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, tỉnh đã điều động, luân chuyển 16 trường hợp cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trong đó luân chuyển từ tỉnh về huyện 03 đồng chí; luân chuyển từ huyện về tỉnh 03 trường hợp; luân chuyển từ ngành này sang ngành khác 10 trường hợp. Đối với cấp huyện đã thực hiện điều động, luân chuyển 122 trường hợp, trong đó luân chuyển từ huyện về xã: 9/9 huyện, thành, thị đều có cán bộ luân chuyển về xã với 47 trường hợp, đạt tỷ lệ 26,1% (theo Kế hoạch số 11-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mục tiêu này đề ra là phấn đấu có trên 20% số xã, phường, thị trấn), riêng T.P Thái Nguyên đạt 47%. Luân chuyển từ xã về huyện có 6/9 địa phương có cán bộ xã luân chuyển về với 17 trường hợp, trong đó 04 trường hợp giữ chức vụ cao hơn, 13 trường hợp giữ chức vụ tương đương. Cán bộ luân chuyển từ phòng, ban này sang phòng, ban khác có 7/9 huyện, thành, thị thực hiện với 54 trường hợp, trong đó 19 trường hợp giữ chức vụ cao hơn, còn lại là tương đương. Về luân chuyển cán bộ từ xã này sang xã khác hiện có 2 địa phương là T.P Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ thực hiện được với 4 trường hợp. Thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương, đến thời điểm này, bí thư cấp ủy ở 6/9 huyện, thành, thị không phải là người địa phương; đối với chức vụ chủ tịch UBND cấp huyện có 3/9 huyện, thành, thị không phải là người địa phương.

Đánh giá về công tác luân chuyển cán bộ từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Luân chuyển cán bộ là một trong những biện pháp đào tạo, rèn luyện và thử thách cán bộ qua thực tiễn. Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành đã thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển với bố trí, sử dụng cán bộ. Thông qua công tác luân chuyển nhằm đào tạo nguồn nhân sự lãnh đạo, quản lý các cấp, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, đồng thời từng bước sắp xếp, bố trí một cách hợp lý, tăng cường cán bộ cho những địa phương, đơn vị khó khăn về cán bộ lãnh đạo, quản lý. Việc luân chuyển đã gắn với quy hoạch. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ luân chuyển có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, ý thức trách nhiệm với công việc được giao, được quần chúng nhân dân tín nhiệm, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác luân chuyển cán bộ thời gian qua cũng còn một số mặt hạn chế, như: Việc luân chuyển từ xã, phường, thị trấn này sang giữ chức vụ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn khác còn hạn chế; một số cán bộ còn tư tưởng băn khoăn về bố trí công việc sau luân chuyển; một số cơ quan, đơn vị còn cục bộ, khép kín, muốn đề bạt, bổ nhiệm người cơ quan, đơn vị mình. Bên cạnh đó, Trung ương chưa có quy định liên thông giữa công chức cấp huyện, cấp xã cũng ảnh hưởng đến luân chuyển cán bộ từ huyện về xã và ngược lại…Một khó khăn nữa là công tác luân chuyển cán bộ làm công tác đảng, mặt trận, đoàn thể sang khối quản lý Nhà nước và ngược lại còn ít, chưa phát huy hết khả năng, sở trường của cán bộ. Khi luân chuyển từ xã lên huyện, không có vị trí công chức, không có tiêu chí để chuyển ngạch...” - đồng chí Mông Chí Hồng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phú Lương chia sẻ thêm.

Từ thực tế tại cơ sở cho thấy, hầu hết các cán bộ được luân chuyển đều có ý thức nỗ lực vươn lên, luôn trăn trở để tạo ra bước phát triển cho địa phương, khẳng định tốt hơn vai trò của người đứng đầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, tránh sức ỳ trong đội ngũ cán bộ cơ sở. Tuy nhiên, trong công tác luân chuyển cán bộ vẫn còn những băn khoăn đặt ra. Thiết nghĩ, các cấp cần xây dựng cơ chế “hậu” luân chuyển cho cán bộ, gắn với xây dựng các tiêu chí đánh giá để có sự sắp xếp tương ứng với những cống hiến, đóng góp của cán bộ luân chuyển.

(Còn nữa)