Gần dân để giải quyết các vấn đề thực tiễn

11:02, 27/05/2019

Bắt đầu từ tháng 4/2019, Huyện ủy Đại Từ ban hành quy định về việc phân công thành viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện dự sinh hoạt tại đảng ủy xã, thị trấn và chi bộ xóm, tổ dân phố. Đây được xem là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ nông thôn. Đồng thời cũng là một kênh giúp cán bộ cấp huyện sâu sát hơn với cơ sở, gần dân, hiểu dân để giải quyết tốt các vấn đề từ thực tiễn.  

Buổi họp tháng 5 của Chi bộ xóm Cầu Hoàn đặc biệt hơn thường kỳ bởi sự có mặt của lãnh đạo huyện Đại Từ và xã Na Nao. Đó là các đồng chí: Nguyễn Xuân Quang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Dương Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện và Âu Văn Hoàn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã. Không hề có thông báo trước nên chi bộ hoàn toàn không có sự chuẩn bị, nhờ đó đảm bảo tính khách quan, không “diễn”.

Trong thời gian 2 tiếng đồng hồ, ông Nông Văn Thức, Bí thư Chi bộ Cầu Hoàn đã điều hành cuộc họp gồm 4 nội dung chính, gồm: Quán triệt Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; triển khai nghị quyết tháng 5 của Đảng ủy xã Na Mao; kiểm điểm nghị quyết chi bộ xóm tháng 4 và xây dựng nghị quyết chi bộ tháng 5/2019. Trong phần thảo luận, đảng viên chi bộ đã phát biểu sôi nổi về việc đăng ký chỉ tiêu số hộ thoát nghèo năm nay là 3 hay 4; theo rà soát còn 20/80 hộ trong xóm có nhà tiêu chưa hợp vệ sinh, làm sao để xóa từ nay đến cuối năm; giải pháp duy trì con đường hoa theo tiêu chí nông thôn mới, bởi sau khi trồng một tháng quá nửa đã bị chết; việc ứng phó với dịch tả lợn châu Phi; kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ 3 quần chúng ưu tú vừa học xong lớp bồi dưỡng kiến thức về đảng...

Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy đã thông tin một số nét khai quát về tình hình kinh tế - xã hội trong nước và địa phương, đồng thời đánh giá cao việc điều hành và nội dung buổi họp chi bộ của Cầu Hoàn. Tuy nhiên cũng còn một số khía cạnh cần điều chỉnh. Đó là bí thư vẫn độc thoại nhiều, mới có khoảng một nửa thành viên tham gia cuộc họp phát biểu ý kiến; nội dung nghị quyết chưa chỉ ra giải pháp cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu. “Thông qua các buổi dự họp thế này, chúng tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với đảng viên và cán bộ ở cở sở, từ đó thấy được nhiều vấn đề cần khắc phục. Ví dụ như ở Cầu Hoàn, chi bộ có 13 đảng viên nhưng 4 người thuộc diện miễn sinh hoạt do tuổi cao, 2 người có đơn xin đi làm ăn xa, thêm 2 người nữa ốm xin nghỉ. Như vậy là số người dự họp, gánh vác công việc địa phương còn rất ít. Chi đoàn thanh niên chỉ có bí thư, đoàn viên không còn để tổ chức các phong trào. Cầu Hoàn nói riêng và hầu hết xóm ở Na Mao đều chung tình trạng trưởng xóm chưa phải là đảng viên nên việc lãnh đạo, điều hành công việc nhiều khi gặp vướng mắc” - đồng chí Nguyễn Xuân Quang chia sẻ.

“Từ khi thực hiện đến nay, các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tham dự hơn 20 buổi sinh hoạt ở chi bộ dưới cơ sở” - đó là số liệu thống kê của Văn phòng Huyện ủy Đại Từ. Đồng chí Cao Việt Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đại Từ cho biết: Sau hơn 1 tháng triển khai, chúng tôi nhận thấy chủ trương này đạt được một số kết quả bước đầu. Đó là bản thân cán bộ cấp huyện có dịp sâu sát, nắm chắc và hiểu được tình hình thực tiễn ở khu dân cư. Từ đó có chỉ đạo, điều hành, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất của cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Về tổ chức thì nền nếp được duy trì, chất lượng sinh hoạt chi bộ nâng lên, cơ bản đảm bảo đúng quy định. Ngoài ra, một cái được rất lớn khác là đảng viên và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao khi có mặt của những người đứng đầu cấp huyện, mối quan hệ gắn bó giữa đảng và nhân dân ngày càng mật thiết.

Thực tế, việc tăng cường cán bộ về sinh hoạt ở cơ sở đã được Đại Từ quan tâm thực hiện khá lâu. Năm 2013, Huyện ủy Đại Từ triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn, với việc thí điểm ở 4 xã là: Mỹ Yên, Bản Ngoại, Hà Thượng và thị trấn Hùng Sơn, sau hơn 1 năm thì nhân rộng ra toàn huyện. Theo đó, một tổ công tác được thành lập gồm cấp phó, chuyên viên các ban xây dựng Đảng, lãnh đạo Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phụ trách đảng bộ cơ sở. Mỗi thành viên của tổ có trách nhiệm luân phiên dự sinh hoạt một chi bộ nông thôn bất kỳ ở địa bàn mình được giao. Ban Chấp hành đảng bộ cấp xã cũng phân công thành viên phụ trách và cùng dự. Trong các buổi họp, khách không tham gia nhiều vào công việc nội bộ của cơ sở, họ chủ yếu góp ý cách thức tổ chức, điều hành, việc phát biểu ý kiến của đảng viên, ghi biên bản, xây dựng nghị quyết…chỗ nào còn yếu thì khắc phục ngay. Họp đúng thời gian hay không, quân số đủ hay thiếu, nội dung có đảm bảo chất lượng… đều có thể kiểm soát vì việc lựa chọn chi bộ dự họp là ngẫu nhiên.

Đồng chí Lê Kim Phúc, Bí thư Huyện ủy Đại Từ chia sẻ: Đề án nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn hạn chế. Đó là thành viên tổ công tác của huyện khi dự họp ở cơ sở chủ yếu nắm tình hình, không thể đưa ra chỉ đạo, định hướng ngay đối với nhiều vấn đề vường mắc hoặc kiến nghị. Việc phân công thành viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tăng cường dự họp cùng chi bộ xóm, tổ dân phố chính là để khắc phục điều này. Giúp đỡ chi bộ dưới cơ sở nhiều nội dung, đặc biệt là hạn chế cố hữu khu vực nông thôn khi vai trò của bí thư còn mờ nhạt, chưa xác định được các nhiệm vụ trong tâm để xây dựng nghị quyết. Kết quả đi dự và thực hiện chế độ báo cáo sẽ là một trong những tiêu chí để xem xét, đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên cuối năm. Theo đồng chí Lê Kim Phúc, kết thúc năm 2019, Huyện ủy Đại Từ sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm việc phân công cấp ủy về sinh hoạt chi bộ thôn xóm, tổ dân phố để có sự điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, thực hiện chủ trương giải thể chi bộ cơ quan cấp xã, nhiều chi bộ yếu kém hoặc ít đảng viên ở nông thôn sẽ được tăng cường nhân lực, khi đó vai trò và sức chiến đấu của chi bộ nông thôn chắc chắn sẽ được nâng lên đáng kể.