Sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực khi đã huy động được sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần sớm được khắc phục để có nhiều hơn người dân, cơ sở sản xuất được tiếp cận với nguồn vốn vay giải quyết việc làm.
Có 4 nội dung mà Chỉ thị số 40-CT/TW đề cập đến. Bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH); nâng cao trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng CSXH; tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng CSXH và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng CSXH (NHCSXH).
Để Chỉ thị hiện thực hóa trong cuộc sống, ngày 20/3/2015, Tỉnh ủy đã ban hành công văn số 998-CV/TU chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội tổ chức triển khai Chỉ thị này. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản và kế hoạch chỉ đạo các huyện, thành, thị về việc triển khai công tác tín dụng chính sách theo nội dung Chỉ thị 40-CT/TW và giao NHCSXH tỉnh tổ chức triển khai đến các thành phần, đối tượng có liên quan…
Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh: Một trong những kết quả nổi bật sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đó là cấp ủy, chính quyền các cấp đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn để hoạt động của NHCSXH đạt hiệu quả cao hơn. Cùng với việc tạo điều kiện tốt nhất về địa điểm giao dịch thì công tác an ninh trật tự trong những ngày giao dịch tại xã cũng được hỗ trợ, tăng cường để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hàng năm, các huyện, thành, thị đã dành nhiều hơn một phần ngân sách để ủy thác qua NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm. Ngoài ra, một số địa phương cũng đã huy động được sự vào cuộc của doanh nghiệp. Nếu như tính đến cuối năm 2014, tổng nguồn vốn địa phương ủy thác cho NHCSXH tỉnh là 31,2 tỷ đồng, thì đến cuối tháng 5-2019, con số này đạt 88,3 tỷ đồng. Hiện, toàn bộ nguồn vốn này đều dành để thực hiện cho vay giải quyết việc làm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế, khó khăn khiến kết quả thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW chưa đạt như mong muốn. Tính đến nay, trong tổng các nguồn vốn mà NHCSXH đang quản lý thì nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đang có dư nợ và số người được đáp ứng nhu cầu vay thấp nhất, với 148 tỷ đồng (trong đó có 60 tỷ do Trung ương cấp, 88 tỷ đồng do địa phương ủy thác) với trên 3.700 hộ còn dư nợ. So với nhu cầu thì nguồn vốn này hiện chỉ đáp ứng được khoảng 5%. Trên thực tế, đây là nguồn vốn có tỷ lệ Trung ương rót vốn thấp nhất do có điều kiện huy động từ ngân sách địa phương và doanh nghiệp theo Chỉ thị 40-CT/TW. Vì thế, nếu địa phương không cấp hoặc cấp hạn chế, sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc đáp ứng nhu cầu vốn vay của từng hộ dân. Đối với Thái Nguyên, theo kế hoạch, từ năm 2015, mỗi năm, UBND tỉnh sẽ dành 10 tỷ đồng từ ngân sách để ủy thác cho NHCSXH thực hiện việc cho vay. Vậy nhưng, từ nhiều năm qua, số kinh phí này chỉ được 5 tỷ đồng. Ngoài ra, theo Đề án 2476/QĐ-UBND về việc ban hành chương trình việc làm tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020 thì mỗi năm, ngân sách tỉnh cũng sẽ ủy thác qua NHCSXH tỉnh 10 tỷ đồng để thực hiện cho vay giải quyết việc làm. Vậy nhưng từ năm 2017 đến nay, NHCSXH tỉnh chưa được nhận được nguồn vốn ủy thác này. Ngoài ra, cũng mới có huyện Đại Từ, T.X Phổ Yên và huyện Võ Nhai huy động được sự vào cuộc của gần 20 doanh nghiệp, trong khi tổng số doanh nghiêp trên địa bàn trên 6.000.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm mang lại hiệu quả rất thiết thực đối với người dân. Nó sẽ giúp một phần rất đáng kể cho những người trong độ tuổi lao động nhưng không có điều kiện xin việc làm tại các doanh nghiệp, công ty, có cơ hội tự tạo việc làm ngay tại gia đình, quê hương. Vì thế, nguồn vốn này được rất nhiều người trông đợi.
Chị Hà Thị Học, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm - Vay vốn xóm Búc 2, xã Đồng Thịnh (Định Hóa) cho biết: Lúc nào trong tổ cũng có hàng chục hộ có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm nhưng từ trước đến nay, cả xóm có duy nhất 1 hộ được vay và cũng đã trả cách đây 5 năm. Sở dĩ người dân mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn này là vì họ không được tiếp cận với nguồn vốn hộ nghèo, cận nghèo hay mới thoát nghèo. Trong khi đó, lãi suất vay ưu đãi như hộ nghèo, chỉ 6,6%/năm. Khi không được vay, buộc họ phải vay ở các ngân hàng thương mại, lãi suất cao gấp 2 lần NHCSXH; cá biệt có hộ, không thể vay được ngân hàng khác do không có tài sản đảm bảo.
Còn theo chị Dương Thị Sâm, xóm Bình Định, xã Kha Sơn, Phú Bình - một trong hai hộ dân của xóm may mắn được tiếp cận với nguồn vốn này thì nhu cầu vay vốn của gia đình là rất lớn và mức được vay tối đa theo quy định cho hộ dân là 50 triệu đồng nhưng chị cũng chỉ được vay 40 triệu đồng - sau nhiều năm chờ đợi, với thời hạn vay 2 năm. Có số tiền vay, chị đầu tư thêm máy móc để mở rộng cơ sở sản xuất đồ gỗ của gia đình. Nhờ đó, chị cũng giải quyết việc làm cho thêm 1 lao động thường xuyên và 1 vài lao động thời vụ. Hiện, Bình Định có gần 20 xưởng gỗ và đều có nhu cầu vay nguồn vốn giải quyết việc làm nhưng không được tiếp cận. Chị Sâm mong muốn sẽ được vay nguồn vốn này với thời hạn dài hơn và đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, quan tâm tạo điều kiện để giúp người dân phát triển sản xuất, kinh doanh tại gia đình.
Có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư thì vẫn còn một số nội dung chưa đạt được như mong muốn, nhất là về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Thực tế này rất cần sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó có việc động viên, huy động sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp. Làm tốt được nội dung này sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm cho lao động địa phương, để từ đó giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu một cách hiệu quả, bền vững.