Từ một địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Định Hóa, xã Thanh Định đã bứt phá mạnh mẽ về nhiều mặt và chuẩn bị về đích nông thôn mới.
Ai từng đến Thanh Định dăm bảy năm trước, nay trở lại chắc chắn có chung cảm giác ngỡ ngàng với diện mạo của vùng quê thuần nông này. Hai năm trở lại đây, Thanh Định được ví như một công trường xây dựng với việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng nông thôn. Cụ thể: Năm 2018, xã làm chủ đầu tư thực hiện 41 công trình xây dựng; huyện đầu tư 4 công trình (Chợ, Nhà văn hóa xã và các phòng chức năng; 2 đập dâng nước đầu mối); năm 2019, xã tiếp tục triển khai 12 công trình và đề nghị thực hiện thêm 12 công trình nữa vào năm 2020.
Ông Nguyễn Công Hiếu, Chủ tịch UBND xã tự hào: Thanh Định là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Từ năm 2000, chúng tôi đã được công nhận là xã an toàn khu; cán bộ và nhân dân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân trong thời kỳ chống Pháp. Trên địa bàn hiện có 3 di tích lịch sử cấp Quốc gia là: Nơi thành lập Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) ở xóm Thẩm Quẩn; nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xóm Keo En và Nhà hội trường 8 mái của Quân ủy Trung ương ở xóm Văn Lang, cùng hàng chục điểm di tích khác. Tự hào là miền quê cách mạng nên cả hệ thống chính trị ở địa phương đều quyết tâm không để sự lạc hậu, trì trệ tồn tại trên quê hương mình. Các phong trào thi đua gắn với từng đoàn thể, từng xóm được triển khai, người dân tin tưởng và đồng thuận, đạt hiệu quả cao.
Để xây dựng các công trình hạ tầng, đòi hỏi nguồn vốn lớn cùng sự đồng lòng của người dân. Chính vì vậy, Đảng bộ xã Thanh Định đã chỉ đạo các chi bộ phát huy vai trò hạt nhân gương mẫu và thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ. Cụ thể là mọi kế hoạch đều công khai, minh bạch, người dân được biết, được bàn, được kiểm tra; ban thanh tra và tổ giám sát đầu tư cộng đồng xây dựng quy chế làm việc chặt chẽ; đảng viên là những người tiên phong gương mẫu… Việc làm đường giao thông, xã giao chỉ tiêu cho các xóm để họp, thông báo rõ mức hỗ trợ, kinh phí và phần việc người dân phải đối ứng. Nếu bà con quyết tâm thì ký cam kết, khi triển khai phải thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh xây dựng kế hoạch dài hạn để đối ứng thành nhiều đợt, một số công trình xã chủ động đăng ký để bà con lao động, vừa tạo thành phong trào sôi nổi, vừa giảm gánh nặng đóng góp bằng tiền mặt. Nhờ vậy, nhiều phần việc tưởng chừng khó lại được hoàn thành nhanh hơn dự kiến. Riêng năm 2018, người dân Thanh Định đối ứng hơn 3 tỷ đồng, hiến 25.000m2 đất cho các công trình. Việc làm tuyến đường từ xóm Đồng Chùa ra trung tâm xã Định Biên là ví dụ tiêu biểu. Trưởng xóm Hoàng Văn Tùng kể: Để làm được tuyến đường này, chúng tôi xây dựng kế hoạch trước 2 năm để người dân chủ động. Tiền đối ứng quy định nộp thành 3 đợt, thu tới đâu gửi hết vào Kho bạc Nhà nước. Với gia đình mất đất, chi bộ và các đoàn thể của xóm đến tận nhà làm công tác tư tưởng nên tất cả đều động thuận. Có hộ như ông Hà Văn Bảy sẵn sàng phá bỏ gần 400m2 keo đã được 3 năm để giải phóng mặt bằng. Tính tổng cả xóm có hơn 30 hộ hiến đất, với diện tích khoảng 5.000m2.
Cùng với phát triển hạ tầng, việc phát triển các mô hình kinh tế nhằm nâng cao đời sống cho người dân cũng được xã Thanh Định đặc biệt quan tâm. Nếu như đầu nhiệm kỳ 2015-2020, xã còn tới 34% số hộ nghèo; 25% thuộc diện cận nghèo thì nay đã có sự thay đổi đột phá với số liệu tương ứng là 8,75% hộ nghèo và 16,5% cận nghèo. Ông Diệp Đình Vệ, Trưởng xóm Thẩm Thia nói: “Cách làm của chúng tôi là hỗ trợ có trọng điểm. Xóm phân công đảng viên, trưởng các đoàn thể trực tiếp theo dõi, giúp đỡ từng hộ nghèo. Trường hợp có điều kiện, đăng ký phấn đấu thoát nghèo thì lập danh sách, đề nghị cấp trên ưu tiên nguồn vốn ưu đãi, thiết bị sản xuất theo Chương trình 135 và các nguồn hỗ trợ khác. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm Thẩm Thia có 2-3 hộ thoát nghèo và không có trường hợp tái nghèo”. Là địa phương thuần nông, Thanh Định đang khuyến khích người dân đầu tư phát triển cây chè với diện tích 95ha và cây lâm nghiệp. Xã cũng từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với quy hoạch nông thôn mới. Đó là vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại xóm Hùng Lập; trồng rừng sản xuất, ưu tiên cây quế tại Nà Chèn, Văn Lang, Bản Cái - Thanh Xuân, phát triển cây khoai tây vụ Đông… Một số giống cây ăn quả như bưởi Diễn, ổi, cam sành cũng được nhiều hộ bước đầu trồng thử nghiệm cho hiệu quả khả quan.
Ông Nguyễn Công Hiếu, Chủ tịch UBND xã Thanh Định chia sẻ: Kinh nghiệm của chúng tôi là bám sát mục tiêu nghị quyết cả nhiệm kỳ, cụ thể hóa thành nhiệm vụ từng năm, từng quý và từng tháng để kiểm điểm, khắc phục kịp thời những hạn chế. Dù có nhiều khởi sắc nhưng so với mặt bằng chung toàn huyện thì Thanh Định là xã nghèo, nhất là tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo… Đó là những chỉ tiêu Đảng bộ xã đã và đang tập trung lãnh đạo, thực hiện các giải pháp để cải thiện. Tôi tin với sự đoàn kết của tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, với điểm tựa và động lực của một miền quê giàu truyền thống, Thanh Định sẽ tiếp tục có sự phát triển nhanh hơn, phấn đấu trở thành xã thuộc nhóm khá ở Định Hóa.