Không chỉ là một bí thư chi bộ gương mẫu, trách nhiệm, ông Trần Duy Hưng, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) còn là điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Trên đường vào xóm Cây Thị, chúng tôi chứng kiến cảnh làm việc khẩn trương của đơn vị thi công xây dựng hai dự án đường Bắc Sơn kéo dài và Khu tái định cư xóm Trung Tâm 1. Ông Hưng chỉ ra bãi đất cách nhà ông không xa, nói: Đó là địa điểm Nhà văn hóa cũ của xóm đã được phá đi nhường đất cho dự án. 2 năm gần đây, Chi bộ đã lãnh đạo xóm vận động nhân dân chấp hành tốt việc bàn giao mặt bằng thi công hai dự án. Như Dự án đường Bắc Sơn kéo dài, có 120/126 thuộc diện ảnh hưởng đến đất ở, đất sản xuất, trong đó có 34 hộ phải chuyển nhà. Nan giải nhất là phải di chuyển 38 ngôi mộ, trong đó có 1 ngôi mộ mới chôn chưa đầy 3 tháng. Nhận được chỉ đạo của cấp trên về việc triển khai Dự án cuối năm 2017, ông Hưng đã họp, thông tin tới các đảng viên, Chi bộ thống nhất ban hành nghị quyết; xóm tổ chức họp, tuyên truyền để nhân dân nắm được chắc chủ trương... Liền ngay đó, xóm thành lập Ban vận động, do đồng chí Bí thư Chi bộ làm Tổ trưởng, thành viên là Trưởng xóm, trưởng các đoàn thể đến từng nhà tuyên truyền, vận động. Nhờ vậy, cơ bản các hộ thuộc diện ảnh hưởng đều đồng thuận.
Nói về kinh nghiệm thực hiện dân vận ở cơ sở, ông Hưng cho rằng: Đảng viên gương mẫu, trách nhiệm, phát huy được sức mạnh đoàn kết của nhân dân, ắt mọi việc đều thành công. Như chuyện giải phóng mặt bằng cho hai dự án nói trên, các đảng viên của Chi bộ đều gương mẫu chấp hành trước nên khi chúng tôi đi vận động nhân dân rất thuận lợi. Vậy là từ ngày 15 đến 28 tháng Chạp năm 2017, xóm đã hoàn thành việc khó nhất là di chuyển các ngôi mộ. Đối với Dự án Khu tái định cư xóm Trung Tâm 1, có 116 hộ bị thu hồi và đền bù đất nông nghiệp, cũng nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, Chi bộ, Tổ tuyên truyền mà người dân đã bàn giao mặt bằng cho Dự án triển khai thuận lợi. Từ năm 2015 đến nay, xóm cũng đã vận động nhân dân đóng góp gần 500 triệu đồng để mở rộng đường bê tông, sửa chữa Nhà văn hóa, đóng góp xây dựng Trung tâm văn hóa xã.
Chi bộ xóm Cây Thị hiện có 19 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên miễn sinh hoạt. Xóm có 127 hộ, trên 530 nhân khẩu. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, xóm Cây Thị luôn nằm trong top các xóm dẫn đầu phong trào thi đua của địa phương. Hàng năm, xóm có gần 98% số hộ đạt gia đình văn hóa. Xóm không còn hộ nghèo, chỉ còn 2 hộ cận nghèo. Ông Đỗ Xuân Ngũ, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Cây Thị nhận xét: Ông Hưng là một người nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. 23 năm làm Bí thư Chi bộ, ông Hưng có nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các công việc chung ở xóm. Nhiều năm nay, ông luôn là đảng viên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông cùng cấp ủy đã lãnh đạo Chi bộ hoạt động vững mạnh, nhiều năm hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Không chỉ là một Bí thư Chi bộ năng động, ông Trần Duy Hưng còn là một người làm kinh tế giỏi, được nhận nhiều Giấy khen của hội nông dân các cấp và UBND T.P Thái Nguyên.
Nhìn cách ông Hưng pha trà, chúng tôi cảm nhận được kinh nghiệm, tâm huyết của ông đối với cây chè và cách thưởng trà. Gia đình ông Hưng có gần 2.000m2 đất sản xuất chè, mỗi lứa thu được 1 tạ chè khô, chủ yếu là chè cao cấp, như: Chè tôm, nõn, đinh, móc câu... với giá từ 350 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/kg. Vợ ông Hưng, bà Tống Thị Kim Thoa trước là xã viên của Hợp tác xã chè Tân Hương nổi tiếng. Bà có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất và chế biến chè đảm bảo an toàn. Đầu năm vừa qua, vợ chồng ông bàn bạc cùng vợ chồng người em và cháu thành lập Tổ hợp tác chè Kim Thoa với 6 thành viên. Trung bình mỗi tháng, Tổ hợp tác xuất bán 3-4 tạ chè khô, có doanh thu trên 300 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 100 triệu đồng.
Lý giải việc chọn làm chè cao cấp theo mô hình tổ hợp tác, ông Hưng cho rằng: Gia đình tôi có lợi thế nắm kỹ thuật làm chè, có thị trường tiêu thụ ổn định nên muốn liên kết với các thành viên có đất, chè, nhân công… để sản xuất chè cao cấp, đáp ứng nhu cầu của những khách hàng khó tính.
Thành lập Tổ hợp tác và sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, chè của gia đình ông sản xuất theo quy trình hữu cơ, đảm bảo an toàn nên đã vươn xa tới nhiều vùng, miền trong nước. Thời gian tới, vợ chồng ông có ý định đầu tư thêm máy móc và công nghệ hiện đại, nâng cao sản lượng chè, thu hút thêm nhiều thành viên tham gia Tổ hợp tác chè an toàn và mở rộng thị trường tiêu thụ.