Góp phần giáo dục truyền thống

08:40, 01/10/2019

Để nâng cao chất lượng công tác biên soạn, nghiên cứu và tuyên truyền lịch sử, ngay từ đầu nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU về “Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 2020” (Đề án 04).

Để nâng cao chất lượng công tác biên soạn, nghiên cứu và tuyên truyền lịch sử, ngay từ đầu nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU về “Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 2020” (Đề án 04). Sau 3 năm thực hiện, các cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, có nhiều cố gắng trong việc sưu tầm tài liệu, biên soạn các công trình nghiên cứu, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử trước mắt cũng như lâu dài. 

Với vai trò trực tiếp tham mưu về công tác này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành hướng dẫn về quy trình nghiên cứu, biên soạn; tham gia hội thảo, góp ý xây dựng, hoàn thiện nhiều công trình lịch sử đảng bộ cấp huyện, cấp xã, lịch sử truyền thống các ngành, đơn vị cấp tỉnh; giúp đỡ, tạo điều kiện cho các cơ quan, nhóm tác giả trong sưu tầm, khai thác tư liệu lịch sử. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 372-QĐ/TU “Về việc ban hành Quy định thẩm định bản thảo lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị; lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh Thái Nguyên”. Theo quy định này, các bản thảo lịch sử trước khi xuất bản phải được hội đồng thẩm định lịch sử do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thành lập thẩm định và thông qua; nếu bản thảo không bảo đảm chất lượng, không được thông qua, cơ quan, đơn vị phải tổ chức biên soạn lại.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thành lập nhiều hội đồng thẩm định bản thảo lịch sử với sự tham gia của các đồng chí đã và đang công tác chuyên ngành, có kinh nghiệm nhiều năm trong nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn và thẩm định lịch sử. Hội đồng nhận xét, góp ý toàn diện về bố cục, phân kỳ lịch sử, tiêu đề các chương, mục; các sự kiện, nhân vật lịch sử; phương pháp, diễn đạt, ngữ pháp, sau đó tiến hành thảo luận, thống nhất nhận xét và đánh giá bằng phiếu chấm điểm quyết định thông qua hay không thông qua bản thảo. Từ khi có hoạt động thẩm định bản thảo lịch sử, chất lượng các cuốn sách, các tài liệu lịch sử sau xuất bản, phát hành được nâng lên rõ rệt, bảo đảm tính Đảng, tính khoa học. 

Thực tế tại một số đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy chúng tôi nhận thấy cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan rất quan tâm đến công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử. Đơn cử như ở Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, năm 2019 đã chỉnh sửa và tái bản cuốn lịch sử nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Đảng bộ (2/11/19542/11/2019). Bản thảo cuốn sách gồm 5 chương, tái bản trên cơ sở bổ sung, chỉnh sửa từ cuốn “Lịch sử Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên (1954 2004)” đã xuất bản. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Trần Xuân Hựu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh cho biết: Việc chỉnh sửa và tái bản cuốn sách nhằm dựng lại quá trình lịch sử 65 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ; nêu rõ những thành tựu mà Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh đã lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị đạt được trong các thời kỳ, giai đoạn cách mạng; đồng thời cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Cuốn sách sau khi tái bản sẽ cung cấp thêm nguồn tài liệu để phục vụ công tác giáo dục truyền thống, lịch sử Đảng bộ cho cán bộ, đảng viên các đơn vị trong Khối các cơ quan tỉnh, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh. 

Đại Từ cũng là một trong những đảng bộ đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Ngô Ngọc Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện thông tin: Bám sát vào Đề án 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Huyện ủy Đại Từ đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc từ khâu khai thác, xử lý tư liệu đến biên soạn, hội thảo, thẩm định và nghiệm thu các cuốn lịch sử. Về kinh phí để thực hiện các cuốn lịch sử, hỗ trợ 30 triệu đồng cho đơn vị, địa phương nào tổ chức biên soạn cuốn sách. Mặc dù kinh phí thực hiện tương đối khó khăn, song các địa phương đã huy động từ nhiều nguồn để thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng. Đến thời điểm này 28/30 xã, thị trấn đã hoàn thành việc biên soạn, chỉnh lý, tái bản lịch sử đảng của địa phương. Hiện nay chỉ còn 2 đơn vị là xã Khôi Kỳ và Tân Linh đang trong quá trình tập hợp tư liệu để biên soạn.

Sau 3 năm thực hiện Đề án số 04, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử ở các cấp, các ngành được thực hiện nghiêm túc từ khâu khai thác, xử lý tư liệu đến biên soạn, hội thảo, thẩm định và nghiệm thu. Về nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử, ở cấp tỉnh, đã triển khai chỉnh lý, biên soạn bổ sung “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)”; biên soạn các cuốn sách “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Thái Nguyên”, “Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1945 - 2020... 18/42 ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh xuất bản lịch sử truyền thống ngành, đơn vị. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ cấp xã, lịch sử truyền thống các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện; chỉnh sửa, biên soạn bổ sung, tái bản lịch sử đảng bộ cấp huyện và các cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã viết đến năm 2005 trở về trước. Đến nay, 9/9 huyện, thành, thị và 135/180 xã, phường, thị trấn đã hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương...