Cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên thường vụ và phó bí thư cấp ủy

16:45, 21/02/2020

Ông Nguyễn Văn Hiền ở huyện Định Hóa hỏi: Cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên thường vụ và phó bí thư cấp ủy được quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời:

Cơ cấu cấp ủy:

Cơ bản bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với những địa bàn, lĩnh vực quan trọng; không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; thực hiện chủ trương không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy; đồng thời, thống nhất quy định một số chức danh cụ thể có cơ cấu ban thường vụ, số cơ cấu còn lại do cấp ủy quyết định theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của cán bộ. Kết hợp hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả việc chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ từ nơi khác đến.

Các địa phương và ngành có cơ cấu cấp ủy viên, nhưng chưa chuẩn bị được nhân sự tại chỗ thì cấp ủy cấp trên điều động người đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị từ nơi khác đến hoặc xem xét, bổ sung sau đại hội. Cơ bản thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp. Thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp huyện, cấp xã đối với những nơi có đủ điều kiện. Mỗi đồng chí thường trực cấp ủy cấp tỉnh không giữ quá 2 chức danh trong các chức danh chủ chốt: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND.

Căn cứ Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương theo lộ trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương; cấp ủy cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch để đến năm 2025, cơ bản hoàn thành ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác. Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 10% trở lên; tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy khóa mới; đồng thời, có giải pháp hiệu quả chuẩn bị nguồn cán bộ cả trước mắt và lâu dài. Cấp ủy các cấp đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên mỗi nhiệm kỳ và thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và phấn đấu ba độ tuổi trong thường trực cấp ủy.

Vào đầu nhiệm kỳ, nơi nào chưa chuẩn bị đủ số lượng, cơ cấu thì phải khẩn trương, nghiêm túc chuẩn bị nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ sung, thay thế trong nhiệm kỳ bảo đảm đủ cơ cấu, tỷ lệ theo đúng quy định. Cơ cấu cấp ủy, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và việc đổi mới cấp ủy trong lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và một số đơn vị đặc thù sẽ có hướng dẫn riêng.

Số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ và phó bí thư cấp ủy:

 Quy định số lượng cấp ủy viên và ủy viên ban thường vụ các cấp; đồng thời, thực hiện giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện so với số lượng tối đa đã được Trung ương xác định ở nhiệm kỳ 2015 - 2020, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, 7, khóa XII. Căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện và tình hình đội ngũ cán bộ, đại hội quyết định số lượng cấp ủy viên; cấp ủy khóa mới quyết định số lượng ủy viên ban thường vụ, phó bí thư cấp ủy trên cơ sở quy định khung của cấp có thẩm quyền.