Thái Nguyên nằm trong Vùng trung du miền núi phía Bắc, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội; dân số gần 1,3 triệu người, có diện tích tự nhiên trên 3.500km2. Thái Nguyên đã được Trung ương Đảng và Chính phủ lựa chọn là trung tâm của ATK Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp bởi “Thuận đường tiến, tiện đường lui; tiến có thể đánh, lui có thể giữ”...
Là địa bàn có vị trí đặc biệt nên các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã lấy đây là trụ sở hoạt động trung tâm; Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Trần Đăng Ninh và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao khác cũng đã lấy đây là địa bàn chính để hoạt động. Nhận rõ vinh dự và trách nhiệm của một địa bàn chiến lược được Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm căn cứ kháng chiến của cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết một lòng, quyết tâm coi việc xây dựng và bảo vệ ATK là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, cùng với quân và dân cả nước, sẵn sàng đập tan các cuộc tấn công về quân sự trong mọi tình huống nếu có thể xảy ra.
Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên xưa và nay, sẵn có truyền thống nồng nàn yêu nước và cách mạng, cần cù trong lao động, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, linh hoạt và sáng tạo. Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh được thành lập vào mùa Thu năm 1936 tại xã La Bằng, huyện Đại Từ, đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực hưởng ứng chủ trương kháng chiến chống thực dân Pháp của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, như: Tuyên truyền, vận động “toàn dân, toàn diện”; “phòng gian, bảo mật, phát hiện và làm vô hiệu hoá mọi âm mưu và hoạt động của tình báo, gián điệp lọt vào căn cứ”; thực hiện tốt phong trào “Ba không” (không nói chuyện làm lộ bí mật; không nghe những điều không có liên quan đến mình; không chỉ đường và phải cảnh giác với người lạ mặt); phong trào “Toàn dân đóng góp lương thực, thực phẩm”; phong trào “Hũ gạo nuôi quân; bán thóc khao quân...”. Nhân dân trong tỉnh đã cung cấp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ hàng nhiều triệu cây tre nứa, gần 600 tấn gạo, trên 30 tấn thực phẩm thịt, cá, gần 20 tấn vừng lạc; huy động được trên 10 nghìn lượt dân công sửa chữa cầu đường, vận chuyển vũ khí quân lương, tải thương, tải đạn…; nhiều nơi, nhân dân đã tích cực ủng hộ cho mượn ruộng vườn, nhà cửa để xây dựng nơi ở và làm việc, chứa đựng kho tàng, bến bãi; đã có gần 32.500 người tham gia dân quân, du kích, tự vệ chiến đấu, hơn 17.800 người con quê hương tình nguyện lên đường đánh giặc; có hơn 1.600 người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc, hơn 1.120 người là thương, bệnh binh.
Những đóng góp trên đã góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, 63 tập thể, 3 cá nhân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quốc hội tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp” (trong đó có danh hiệu tập thể dành cho nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên). Có 3/9 đơn vị hành chính cấp huyện là vùng ATK và 75/139 xã được công nhận là xã ATK trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với 600 điểm di tích về lịch sử, trong đó, riêng ATK Định Hóa có 128 điểm di tích lịch sử cách mạng; Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Từ sau ngày thống nhất đất nước, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, nhất là bước vào thời kỳ đổi mới; thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục lập thêm những thành tích mới trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2015 - 2019 đạt 11,1%/năm. Giá trị xuất khẩu năm 2019 đạt 27,63 tỷ USD, là tỉnh đứng ở vị trí số 1 trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 2 trong vùng Thủ đô, đóng góp hơn 10% vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, hiện nay, có trên 7.000 doanh nghiệp hoạt động với tổng số vốn đăng ký gần 86 nghìn tỷ đồng; 143 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký gần 8,1 tỷ USD; nhiều dự án lớn, có sức lan toả cao đã được thực hiện, nổi bật là Dự án Samsung với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ USD; Dự án khai thác và chế biến khoáng sản đa kim Núi Pháo với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD; Dự án Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc và các dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu... Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 2%/năm, đến năm 2019 còn 4,38%, có 101/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 70,6%), có 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỉnh được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2) về thành tích 10 năm xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu: Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, là một trong những trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, với cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Công nghiệp - Xây dựng - Dịch vụ chiếm trên 90%, phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh giàu có và phồn thịnh như mong ước của Bác Hồ kính yêu trong những lần Người về thăm tỉnh.