Dưới những tán rừng ở Đồng Danh

08:10, 18/03/2020

Ông Triệu Văn Quảng, phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Yên Ninh (Phú Lương) nhận xét: Chi bộ Đồng Danh hoạt động hiệu quả, dẫn đầu trong các chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã. Dịp 3-2 vừa qua, Chi bộ vinh dự là chi bộ xóm duy nhất toàn huyện được Ban Thường vụ Huyện ủy khen thưởng tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2015-2019).

Có được kết quả này, theo ông Lường Văn Lưu, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Danh: Trước hết, nhờ chi ủy luôn đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo công việc. Chi bộ duy trì sinh hoạt đầy đủ, việc phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong cấp ủy cũng như từng đảng viên đều cụ thể, sát với thực tế. Chi bộ luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của đảng viên, là tấm gương để nhân dân noi theo. 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hàng năm, 100% đảng viên của Chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ; Chi ủy có tổng kết đánh giá hoạt động của Chi bộ, nêu những mặt mạnh, mặt chưa mạnh, từ đó, có giải pháp, định hướng hoạt động cho năm sau một cách cụ thể, bài bản hơn. Trong điều hành công việc, giữa Bí thư Chi bộ và Trưởng xóm luôn có sự phối hợp chặt chẽ, trên tinh thần trách nhiệm cao. Nhờ vậy mà xóm Đồng Danh luôn dẫn đầu trong các phong trào ở địa phương, điển hình là việc lãnh đạo người dân phát triển kinh tế rừng và huy động sức dân đóng góp xây dựng nông thôn mới. 

Để dẫn chứng những gì mình nói, ông Lường Văn Lưu, Bí thư Chi bộ đưa chúng tôi đi thực tế một vòng quanh xóm. Ông Lưu cho biết: Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, hàng chục năm nay, xóm đã giao đất, giao rừng đến từng hộ dân. Những năm 2000, cả xóm mới có gần 100ha rừng, nay cây rừng đã phủ xanh những núi đồi, với tổng diện tích 285ha. Cơ bản trên 200 hộ trong xóm đều khai thác được thế mạnh đồi rừng trong phát triển kinh tế hộ. Đơn cử như gia đình ông Hoàng Văn Tình trồng được 20ha rừng, ông Trần Văn Long 15ha, Trần Đăng Ninh 10ha... Xác định phát triển kinh tế rừng là mũi nhọn nên hàng năm, Chi bộ đều ban hành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện. Xóm tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi hàng chục ha diện tích chè già cỗi, cho thu nhập thấp sang trồng các loại keo lai. Nhờ trồng rừng, người dân Đồng Danh có nguồn thu nhập khá ổn định. Như gia đình ông Lường Văn Lưu, từ năm 2012 đến nay, đã khai thác khoảng 7ha rừng, trừ chi phí mỗi ha thu được từ 60-120 triệu đồng; gia đình anh Lý Hoài Nam, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm, năm 2019, khai thác 3ha keo lai, thu trên 300 triệu đồng để làm ngôi nhà mới khang trang... Trong xóm có 4 xưởng sơ chế gỗ của gia đình các ông: Lê Thanh Tịnh, Nguyễn Công Chung, Hoàng Văn Tình, Hoàng Xuân Phương, giải quyết việc làm cho trên 30 lao động trên địa bàn. 

Có mặt ở xưởng sơ chế gỗ của ông Hoàng Văn Tình và Hoàng Văn Phương, chúng tôi thấy 4 máy xẻ đang hoạt động hết công suất. Anh Hoàng Sinh Phẩm, người làm ở đây cho biết: Chúng tôi xẻ gỗ được trả công theo sản phẩm, trung bình mỗi ngày từ 270-300 nghìn đồng/người. Còn anh Hoàng Văn Phương, chủ xưởng cho biết: Tôi cùng chú ruột là Hoàng Văn Tình mở xưởng đã 6 năm nay. Ngoài thuê các nhân công xẻ gỗ, chúng tôi còn tạo việc làm thời vụ cho phụ nữ trong xóm với công việc bóc gỗ với thu nhập từ 150-170 nghìn đồng/người/ngày. 

Ở Đồng Danh, những năm qua, nhiều gia đình nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng đã thoát nghèo, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng lên. Mỗi năm, trung bình xóm giảm được 10-20 hộ nghèo (xóm hiện còn 24 hộ nghèo). Anh Lý Hoài Nam, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm, đồng thời là Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng của xóm chia sẻ: Hàng chục năm nay, xóm luôn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, không để xảy ra trường hợp nào vi phạm lâm luật.

Đời sống kinh tế ổn định, bà con ở Đồng Danh đều nhận thức được, xây dựng nông thôn mới là không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà cùng chung tay hiến đất, đóng góp tiền của xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu dân cư. Điển hình như năm 2018, cùng với nguồn vốn đối ứng của Nhà nước hỗ trợ, Chi bộ đã chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp trên 200 triệu đồng để xây dựng Nhà văn hóa mới, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tập thể của nhân dân. Mỗi năm, xóm đều huy động được 1.200 ngày công lao động, tu sửa, phát quang trên 10km đường làng. 12 hộ dân trong xóm hiến trên 700m đất các loại để xây dựng trạm bơm điện và đường bê tông lên Nhà văn hóa, xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng. Xóm tổ chức và duy trì hoạt động sôi nổi của các câu lạc văn hóa, văn nghệ, thể thao. Từ năm 2012 đến nay, xóm liên tục đạt xóm văn hóa, với 90% số hộ đạt gia đình văn hóa…