Tranh thủ lợi thế tạo sự thay đổi thực sự về chất

09:12, 14/04/2020

Sau khi nghiên cứu dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025), tôi có vài ý kiến đóng góp như sau:  

Thứ nhất, theo tôi, chủ đề Đại hội nên rút ngắn lại nhưng vẫn nêu bật được tư tưởng bao trùm. Trong đó cần đảm bảo đạt được 3 yêu cầu của chủ đề gồm: Năng lực lãnh đạo; phương thức lãnh đạo; mục tiêu cần đạt được của nhiệm kỳ.

Do đó, theo tôi, chủ đề Đại hội chỉ cần nêu như sau: Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng; đoàn kết, đổi mới và sáng tạo; xây dựng Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững.

Thứ hai, phần đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ qua, trong dự thảo đã đưa ra những số liệu chứng minh tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Nhưng theo tôi, ở một số lĩnh vực vẫn cần phải nhìn lại một cách thật nghiêm túc để chúng ta có thể tạo ra những bước chuyển rõ nét trong nhiệm kỳ tới. Đặc biệt là phải đề ra được những chiến lược phát triển lâu dài, đó là những khát vọng không chỉ trong 5 năm mà là 10 năm, 15 năm tới và lâu hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã từng nói.

Ngoài những chỉ tiêu về tăng trưởng như dự thảo Báo cáo đã nêu thì theo tôi cần phải có những chỉ tiêu cụ thể hơn. Ví dụ như muốn đạt được mục tiêu đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì các tiêu chí phải thế nào, kinh tế chuyển dịch đến đâu, hạ tầng cơ sở đạt được tiêu chí gì và nhiều vấn đề xã hội khác… Nghĩa là cần phải phác họa ra được hình hài của Thành phố trong 10 năm tới.

Có 2 điều tôi trăn trở. So với các tỉnh miền núi khác, tỉnh ta có vị thế về công nghiệp và giáo dục, nhưng thực tế chúng ta chưa đạt được điều chúng ta mong muốn.

Để kinh tế của tỉnh ta phát triển bền vững, cần xây dựng được chuỗi sản xuất ở cả 2 lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Trong công nghiệp, cần có công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp dịch vụ để kết nối với công nghiệp đầu tư nước ngoài và công nghiệp Trung ương. Trong sản xuất nông nghiệp phải có được chuỗi giá trị sản phẩm, chủ động từ đầu vào đến đầu ra. Ví dụ, Thái Nguyên có thể tự hào là vùng chè ngon có tiếng, nhưng hầu hết chúng ta mới chỉ dừng ở sản xuất chế biến thô. Ngoài chè xanh truyền thống thì chúng ta gần như chưa xuất khẩu được loại nào khác. Mặt khác, dù có thế mạnh diện tích đất đồi lớn nhưng ngoài chè ra chúng ta cũng chưa phát triển mạnh được các sản phẩm khác theo hướng sản xuất hàng hóa. Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ.

Chúng ta có hệ thống giáo dục đại học lớn mạnh thì cần phải tính đến việc kết nối từ giáo dục phổ thông đến giáo dục chuyên nghiệp, đại học để hệ thống các trường đại học không chỉ là thế mạnh về mặt cơ học của tỉnh. Muốn vậy, cần phải có chương trình mục tiêu về giáo dục.

Theo tôi cần có phân tích và đặt mục tiêu phương hướng trọng tâm, trọng điểm ở một vài lĩnh vực như vậy để chúng ta có những chuyển biến thực sự về chất trong nhiệm kỳ tới.