Sau khi nghiên cứu toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đăng trên Báo Thái Nguyên số 6426 ngày 03/4/2020, tôi xin đóng góp ý kiến như sau:
Chủ đề Đại hội lần này bao gồm 4 thành tố, nhằm đạt mục tiêu: “Xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững”, cùng với mục tiêu tổng quát là: “Phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, có mục tiêu của nhiệm kỳ (đến năm 2025) và có mục tiêu để phấn đấu (đến năm 2030) đã thể hiện một tư duy biện chứng và logic, tạo nên chỉnh thể của chủ đề Đại hội. Có thể nói thành tố “Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực” chính là hệ quả của ba thành tố trước. Nếu không tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nếu không phát huy dân chủ và nhất là nếu không giữ vững an ninh chính trị thì không thể huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực được. Vấn đề mấu chốt, cái mới ở đây là “sử dụng hiệu quả”. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần thấy rõ hai cấp độ của thành tố thứ 4: Cấp độ huy động và cấp độ sử dụng.
Muốn huy động được, trước hết cần phải “kiểm kê”, cụ thể hóa xem đã và đang có những nguồn lực nào, rồi mới bàn đến làm sao để huy động được. Khi đã huy động được rồi, thì sử dụng các nguồn lực như thế nào cho hiệu quả đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ, các nhà quản lý đủ trình độ để sử dụng nguồn lực đó. Như vậy, đội ngũ cán bộ (nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý) giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Nguồn lực này không tự nhiên có mà phải được đào tạo, rèn luyện, phấn đấu theo tiêu chí “hồng thắm, chuyên sâu”, “có tâm, có tầm”. Đặt ra những vấn đề này để hoàn chỉnh logic nội tại của thành tố “huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực”. Vì vậy, cần phải có những giải pháp cụ thể để bố trí, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu cho cả nhiệm kỳ.
Thứ hai, về cụm từ “sử dụng hiệu quả” và “sử dụng có hiệu quả”. Đây là hai nội dung cần được nghiên cứu thấu đáo để làm rõ. Bởi vì, “sử dụng hiệu quả” mang tính thụ động, dùng cái kết quả, thành quả nào đó, do ai đó, cái gì đó, nguồn lực nào đó mang lại. Còn “sử dụng có hiệu quả” mang tính chủ động: Là người điều khiển, là người quản lý, có năng lực, có trình độ điều khiển. Họ biết trong tay họ có những nguồn lực gì, biết khai thác, sử dụng các nguồn lực đó, cái nào trước, cái nào sau hoặc đồng thời phối hợp các nguồn lực… Như vậy, có thể cân nhắc bổ sung cụm từ “sử dụng hiệu quả các nguồn lực” thành “sử dụng có hiệu quả các nguồn lực” (thêm từ “có”).