Những “cánh tay nối dài của Đảng”

09:56, 01/05/2020

Trong những chuyến công tác, chúng tôi thường xuyên được tiếp xúc với các bí thư chi bộ của xóm, bản ở huyện Đại Từ. Bên câu chuyện thường ngày với họ, chúng tôi hiểu để làm tốt công việc được giao, mỗi bí thư chi bộ phải thực sự tâm huyết, nhiệt tình, chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể. Họ chính là những “cánh tay nối dài của Đảng", khơi nguồn các phong trào thi đua, cuộc vận động ở khu dân cư.

Giúp dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất

Ngót hơn chục năm làm bí thư chi bộ xóm Đồng Vẽn, xã Phú Lạc, chị Vi Thị Nga, dân tộc Nùng (sinh năm 1971) đã góp phần không nhỏ tạo nên sự đổi thay về diện mạo cho làng quê nơi đây cũng như đổi thay trong suy nghĩ của từng người dân Đồng Vẽn. Chúng tôi tìm đến gia đình chị Nga, được người dân ở xóm dẫn ra cánh đồng gặp chị và cho biết: Ban ngày, phần lớn thời gian chị có mặt ở cánh đồng này, vừa kiểm tra tình hình phát triển của lúa, vừa tỉ mỉ hướng dẫn người dân các bước chăm sóc lúa.

Nói về thời điểm trước khi chị Nga làm Bí thư chi bộ, đồng chí Nguyễn Ngọc Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lạc cho biết: Trước, Đồng Vẽn nghèo lắm, toàn xóm có 67 hộ dân với 260 nhân khẩu, dân tộc Nùng chiếm tỷ lệ 85%, đa phần đời sống của người dân thuộc diện nghèo. Cuộc sống người dân ở đây dần có những thay đổi kể từ khi biết đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, việc này chị Nga là người có công rất lớn.

Năm 2012, nhờ được tham gia một khóa tập huấn về cấy lúa theo phương pháp mới, chị mới biết đến cấy lúa SRI, về nhà chị thử áp dụng trên diện tích 8 sào ruộng của gia đình. Nhận thấy, đây là phương pháp cấy mới vừa tiết kiệm giống, công lao động, không cần sử dụng đến thuốc diệt cỏ, cây lại sinh trưởng đẻ nhánh tốt, không đổ, ít sâu bệnh, bông dài, hạt to chắc, nên chị đã vận động một số hộ thành lập câu lạc bộ khoa học kỹ thuật cấy lúa theo phương pháp cải tiến SRI. Ban đầu, do người dân đã quen với cách làm cũ, nên khi nghe nói về phương pháp cấy cải tiến này còn phân vân, nhưng sau khi thấy chị làm tốt, một số người mới đồng ý tham gia. Thời gian đầu, câu lạc bộ chỉ có 20 hộ, sau 1 năm đã tăng lên 40 hộ và đến nay, 100% số hộ dân trong xóm đã áp dụng phương pháp cấy lúa mới. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa, giảm chi phí đầu vào. Ngoài ra, chị Nga còn vận động bà con tham gia sản xuất cánh đồng 1 giống lúa chất lượng cao với diện tích 12,8ha, tạo cho nông dân có 1 phương thức sản xuất tập trung, đại trà, đưa cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất, giảm chi phí lao động thủ công và có sản phẩm hàng hóa giá trị cao trên thị trường. Năm 2012, xóm còn 23 hộ nghèo, đến nay đã giảm được 13 hộ nghèo, hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng.

Vận động bà con hiến đất làm đường

Chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Phòng, Bí thư Chi bộ Bình Sơn (Bình Thuận) khi ông đang tất bật chuẩn bị cho đại hội chi bộ. Khi được hỏi về những công việc thường nhật của mình, ông Phòng khiêm tốn: Với vai trò là trung gian nối liền tổ chức Đảng cấp trên với đảng viên, nhân dân ở cơ sở, tôi cùng chi ủy lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nghe đơn giản vậy, nhưng chúng tôi hiểu, để làm tốt việc đó chẳng dễ dàng gì. Nhất là việc vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Trước, Bình Sơn là một trong những xóm khó khăn nhất về đường giao thông của xã. Để người dân đồng thuận, cắt ruộng, vườn, góp công, góp của làm đường, xây dựng nông thôn mới, ngoài việc tổ chức các hội nghị triển khai nội dung thực hiện, bản thân ông Phòng đã đến từng nhà vận động, thuyết phục người dân. Với vai trò tiên phong gương mẫu, Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Phòng tự nguyện đóng góp mức cao hơn hẳn các hộ dân khác (với 8 triệu đồng) để làm đường. Nhờ đó mà người dân đã đồng thuận, hiện nay, 100% đường giao thông của xóm đã được đổ bê tông theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn mới. Cùng với việc làm đường giao thông nông thôn, chi bộ cũng đã triển khai, vận động bà con đóng góp để kiên cố toàn bộ hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất với tổng chiều dài 1,5km.

“Cầu nối” phản ánh nguyện vọng của dân

Hiện nay Đại Từ có hơn 400 bí thư chi bộ ở khu dân cư của 30 xã, thị trấn. Đây chính là “cánh tay nối dài của Đảng” đến cơ sở, là những người khơi nguồn các phong trào thi đua ở cơ sở. Đồng chí Trịnh Quốc Việt, Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Đại Từ cho biết: Đây là đội ngũ cán bộ ở gần dân, nhờ họ, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân nhanh hơn, thuận lợi hơn. Chính họ cũng là những “cầu nối” phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đối với huyện Đại Từ, những bí thư chi bộ địa bàn dân cư hiện nay có tuổi đời trung bình trên 55 tuổi, đa phần đều là những người có uy tín, được tín nhiệm bầu. Để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác cho đội ngũ bí thư chi bộ các khu dân cư, hằng năm huyện đã chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo cho đội ngũ bí thư chi bộ.

Cùng với đó, Huyện ủy Đại Từ cũng đã ban hành chỉ thị, hướng dẫn, quy định cụ thể về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò của người đứng đầu, đặc biệt là các bí thư chi bộ ở cơ sở. Ngoài ra, Huyện đã phân công cán bộ chủ chốt của huyện và xã, thị trấn thường xuyên dự sinh hoạt cùng các chi bộ khu dân cư, qua đó giúp đội ngũ bí thư chi bộ nâng cao chất lượng hoạt động. Do vậy, hầu hết bí thư chi bộ khu dân cư trên địa bàn đều có nhận thức chính trị vững vàng, có năng lực, trình độ, hiểu biết về công tác Đảng, quản lý Nhà nước, pháp luật.

Qua thực tiễn cho thấy hầu hết các bí thư chi bộ ở Đại Từ đều phát huy tốt năng lực, có đạo đức, chính trị, tinh thần trách nhiệm, là những người tâm huyết, nhiệt tình và có uy tín đối với nhân dân. Họ không chỉ triển khai nghị quyết tới đảng viên trong chi bộ, mà còn chủ động trong việc sinh hoạt chi bộ, góp sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.