Người đảng viên "sống trong lòng" đồng bào

14:50, 26/04/2021

Theo con đường loắc ngoắc cua dốc, nhiều đoạn bên ta luy dương như áp vào mặt, mạn ta luy âm thấy hun hút dưới chân, sơ sểnh mất lái thì “hóa thân vào đất mẹ”. Tôi gồng mình khi vượt các đoạn đèo dốc lên đỉnh núi chất ngất, đến xóm Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ). Xóm có 173 hộ, trong đó có 103 hộ người dân tộc Mông, gần 70 hộ người dân tộc Dao, còn lại là người dân tộc khác. Vì người Mông, người Dao chiếm đa số, nên trường hợp ông Phạm Tuấn Tú, dân tộc Kinh, người Hà Nam lên sinh sống được đồng bào gọi bằng cái tên thân thiện: Người của bản ta.

Vì duyên với người, với đất mà ông có một hành trình dài từ miền xuôi lên miền ngược, định chân lại trên vùng đất nghèo nhất tỉnh. Cơ duyên từ tháng 1-1978, ông nhập ngũ, biên chế vào Quân đoàn 3, làm nhiệm vụ Quốc tế ở Cam-pu-chia. Năm 1979, đơn vị chuyển quân ra Bắc, đứng chân tại khu vực Bãi Cọ, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ). Năm 1983, xuất ngũ, về quê, dảnh việc, ông ngược đường lên Thái Nguyên thăm bạn bè. Qua mai mối ông nên duyên vợ chồng với cô sơn nữ ở chân núi Mỏ Ba. Thấy quê vợ nhiều đất đai bỏ cỏ mọc lút đầu, ông quyết định ở lại, cùng vợ lên núi để mở đất làm ruộng, rẫy. Chỉ sau ít năm ông đã tạo lập được cơ ngơi bề thế. Ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 chái có đầy đủ tiện nghi của ông được nhiều đồng bào lui tới chia sẻ kinh nghiệm trồng bắp, trồng rừng. Bên giò lan Long Tu trước nhà vừa độ rộ hoa, ông cho biết: Tôi có 9 sào ruộng cấy 2 vụ lúa, 1 sào ao thả cá, 10 sào đất chè, hơn 10 ha đất trồng rừng, gần 8 sào đất trồng đào cảnh. Hiện các con tôi đều đã có cuộc sống riêng, nhà chỉ còn hai vợ chồng với 2 chiếc ô tô phục vụ đồng bào lên, xuống núi.
 
Không chỉ chăm lo việc nhà, ông tích cực giúp đỡ, phục đồng bào những việc liên quan đến cuộc sống, lao động sản xuất. Người Mông cao tuổi nhất bản hiện nay là ông Đào Văn Lình, 84 tuổi cho biết: Ông Tú là người năng động, tích cực giúp đỡ bà con thông qua việc giúp hộ khó khăn vay tiền không lấy lãi. Vào kỳ giáp hạt, ông xuống núi chuyển lương thực về cho bà con mua chịu, khi thu bắp, bán được mới nhận lại tiền. Còn ông Đặng Tăng Chi cho biết: Nhà ông Tú bận nhiều việc, hết ruộng lại rừng. Nhưng ông Tú luôn sẵn lòng dành thời gian chia sẻ với bà con kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Chuyện xóa giảm nghèo, ông Tú Đúc kết: Hiện Mỏ Ba có 87/173 hộ nghèo, chiếm 52%; các hộ còn lại cơ bản là cận nghèo. Nguyên nhân do thiếu đất, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu khoa học kỹ thuật và thiếu “tinh thần” vươn lên.
 
Cũng theo ông Tú: Trình độ văn hóa thấp là căn nguyên chính dẫn đến sự nghèo “bền vững” của đồng bào Mỏ Ba. Cụ thể như việc cán bộ chuyên môn các cấp hằng năm đều về hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào. Nhưng sau tập huấn, kiến thức theo cán bộ xuống núi. Nhiều các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được chuyển giao cho đồng bào, song hết thời gian hỗ trợ thì cũng coi như không tồn tại. Trong 5 năm gần đây, Chi bộ tập trung làm các thủ tục kết nạp Đảng cho đồng chí Triệu Phúc Bảo, nhưng đến phút chót lại bất thành vì… đồng chí Bảo không có Giấy chứng nhận  học hết bậc tiểu học. Nhiều thanh niên muốn xuống núi đi làm công ty, mức lương đề nghị từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng, nhưng không có đâu nhận vì trình độ văn hóa chưa đạt. Cũng vì trình độ văn hóa thấp, nên nhiều người tự ty, không dám đầu tư cho phát triển kinh tế, sợ bị mất mát, thua thiệt.
 
Nắm bắt được điểm yếu này, nên ông Tú không ngần ngại trao đổi, trò chuyện, vận động đồng bào cho con em đi học chữ. Có người bảo: “Học cũng ăn, không học cũng ăn”. Không tự ái, ông bảo: Nhiều người đi chợ, cầm gói muối I ốt ghi giá 1.000 đồng, nhưng phải trả 3.000 đồng vì không biết chữ. Rồi như việc tham gia lớp tập huấn, không biết chữ nên không ghi chép lại được kiến thức. Nghe ông, nhiều gia đình chú tâm hơn tới việc cho con em đi học. Chí ít là có đủ lượng chữ để công ty thuê làm công nhân, thoát cảnh “ăn không, ngồi rồi”, hoặc đi làm thuê với mức tiền công thấp. Thẳng thắn trao đổi, không ngại mất lòng khi tư vấn cho đồng bào tìm lối thoát nghèo, nên đồng bào tín nhiệm giao cho ông làm các chức việc liên tục trong hơn 20 năm gần đây: Trưởng xóm, công an viên và hiện là Bí thư Chi bộ Mỏ Ba.
 
Mở lòng, sống chân thành với đồng bào, nên ông được mọi người ở bản qúy mến, thân thiện. Hơn thế, trước các phong trào địa phương, ông gương mẫu, đi đầu. Ví như việc làm đường về qua bản, gia đình ông hiến hơn 1.000 m2 đất. Thấy ông nói được, làm được, các hộ có đất liên quan đến việc mở rộng đường như: ồngHầu Văn Páo, ông Ngô Văn Sùng, bà Vương Thị Mị cũng đăng ký hiến đất. Nhờ vậy đường về bản Mỏ Ba được mở rộng từ 1,5 m lên 4 m. Riêng đoạn từ đầu bản vào đến chân dốc Slưng Đảng dài gàn 2km, được mở rộng mặt đường lên 5 m.
 
Từ 5 năm gần đây, đường lên bản Mỏ Ba được đổ bê tông, nhiều cua tay áo được mở rộng. Hàng hóa nông sản của đồng bào cũng như hàng hóa tiêu dùng, vật tư xây dựng được xe cơ giới cõng về bản. Đời sống của đồng bào Mỏ Ba đang dần vơi đi thiếu khó, trong đó phải kể đến công sức của ông Tú, một đảng viên "sống trong lòng" đồng bào, “kích hoạt” đồng bào dần xóa bỏ những tập tục xấu, vươn lên trong xóa đói, giảm nghèo.