Cuối năm 1938, đầu năm 1939, được sự chỉ đạo của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, các tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng cách mạng ở Thái Nguyên ngày càng được củng cố và phát triển mạnh.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư, họp mở rộng (tháng 3-1938), phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phát triển sôi nổi rộng khắp trong cả nước.
Tại Thái Nguyên, đầu năm 1938, để gấp rút hoàn thành con đường chiến lược 1B từ tỉnh lỵ Thái Nguyên qua Võ Nhai sang Lạng Sơn và đường quân sự từ Chợ Chu (Định Hóa) sang Thành Cóc (Tuyên Quang), thực dân Pháp bắt nhân dân Võ Nhai và Định Hóa đi phu là đường.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, dựa vào thế lực của chính quyền, các chủ thầu đã cưỡng bức dân phu phải hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn trong tình trạng đói khát, vất vả và thường xuyên bị đánh đập, bị ăn chặn bớt xén tiền công.
Các cơ sở đảng ở Võ Nhai và đảng viên hoạt động ở Định Hóa nhận thấy đây là cơ hội tốt để phát động dân phu nổi dậy đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh. Tại Võ Nhai, các đảng viên và quần chúng tích cực vận động dân phu ký tên vào kiến nghị đòi cấm đánh đập, đòi trừng trị bọn cai thầu ăn chặn tiền công, chống bắt phu ngày mùa, mục tiêu đấu tranh nhằm vào tên tri châu Đèo văn Long.
Do kế hoạch bị bại lộ, Chi bộ Võ Nhai quyết định phát động dân phu đấu tranh sớm hơn đã định, tập hợp được đông đảo quần chúng tham gia. Trong khi đại diện của nhân dân trên đường mang kiến nghị về Tòa sứ thì hàng trăm dân phu mang cuốc xẻng kéo vào châu lỵ La Hiên gây áp lực buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ tạm hoãn việc làm đường, chuyển tên tri châu Đèo Văn Long đi nơi khác.
Tại Định Hóa, hưởng ứng phong trào đấu tranh của nhân dân Võ Nhai, dân phu trên công trường làm đường Chợ Chu - Thành Cóc cũng nổi dậy đấu tranh đòi tăng tiền công từ 0,17 đồng/ngày lên 0,25 đồng/ngày, đòi phát công cụ làm đường. Dân phu toàn công trường đồng lòng tuyên bố nghỉ việc kéo về dinh tri châu đòi giải quyết yêu sách và bồi thường cho những người bị đánh đập. Trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ, viên tri châu phải chấp nhận toàn bộ yêu sách do dân phu đưa ra.
Đây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn đầu tiên của nhân dân Thái Nguyên dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng và đã giành thắng lợi.
Thắng lợi này có ý nghĩa to lớn, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương, củng cố lòng tin của người lao động vào khả năng của bản thân mình và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin