Nông nghiệp là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của huyện Phú Lương. Thời gian qua, nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp địa phương trên thị trường, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là ưu tiên phát triển những sản phẩm thế mạnh.
Để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương, huyện Phú Lương xác định việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là nhiệm vụ xuyên suốt. Cùng với đó là thực hiện lồng ghép Chương trình OCOP với các đề án, kế hoạch liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp của huyện. Nổi bật là 2 đề án: “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững huyện Phú Lương, giai đoạn 2016-2020” và “Phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh huyện Phú Lương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, xuyên suốt từ năm 2016 đến nay, chè búp khô luôn được huyện xác định là sản phẩm thế mạnh hàng đầu. Từ năm 2019, căn cứ theo quy mô, diện tích sản xuất; tiềm năng thị trường tiêu thụ; tính đặc thù địa phương, huyện tiếp tục đưa một số sản phẩm nông nghiệp vào danh mục sản phẩm thế mạnh để tập trung phát triển như: Gạo nếp vải, thịt lợn, thịt gà và trứng gà...
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát của các chương trình, đề án, huyện đều xây dựng lộ trình và kế hoạch thực hiện cụ thể theo từng năm. Một trong những giải pháp được Phú Lương quan tâm triển khai đó là không ngừng nâng cao chất lượng của các sản phẩm thế mạnh. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền, tập huấn về khoa học kỹ thuật luôn được chú trọng. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã tổ chức trên 150 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ cho trên 5.000 lượt người dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia làm sản phẩm VietGAP và xếp hạng sản phẩm OCOP thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép trong các hội nghị, tập huấn.
Không chỉ vậy, huyện còn quan tâm phân bổ lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến. Cụ thể, đối với cây chè, trong năm 2021, huyện đã phân bổ 245 bộ máy vò, tôn sao inox; 5 máy sao chè bằng điện; 1 máy sao chè bằng gas; 74 tấn phân bón để sản xuất theo hướng hữu cơ, với quy mô 20ha tại xã Vô Tranh, Tức Tranh…
Quy trình đóng gói sản phẩm chè tại Hợp tác xã sản xuất trà An Thái tuân thủ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Còn đối với sản phẩm nếp Vải, trong năm 2021, huyện đã hỗ trợ thủ tục cấp chứng nhận VietGAP cho 20ha diện tích trồng lúa; 2 dàn máy xay xát gạo; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ với quy mô 130ha tại các xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành… Thông qua những giải pháp trên đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất của người dân cũng như chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản địa phương.
Ngoài ra, nhằm đáp ứng xu thế phát triển của thị trường, huyện Phú Lương cũng đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ cá thể mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tiếp cận thị trường bằng nhiều hình thức khác nhau như: Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tạo điều kiện cho các đơn vị trưng bày sản phẩm tại những chương trình, hội chợ được tổ chức trong và ngoài tỉnh…
Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ nhiều cơ sở đăng ký mã vạch, mã QR, thiết kế tem nhãn, bao bì sản phẩm. Riêng năm 2021, từ các nguồn vốn lồng ghép, huyện đã hỗ trợ 6.000 túi hút chân không, nhãn mác, bao bì cho 2 hợp tác xã (với tổng trị giá 80 triệu đồng)... Thông qua những giải pháp trên đã góp phần phát huy năng lực của người dân trong tổ chức sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản địa phương.
Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Phú Lương đạt bình quân 5%/năm (cao hơn 1% so với mục tiêu đề ra trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp). Các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện đã từng bước xây dựng thương hiệu thành công và được công nhận về chất lượng. Năm 2021, huyện có thêm 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (vượt 7 sản phẩm so với kế hoạch đề ra). Đến nay, trên địa bàn đã có 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 8 sản phẩm chè, các sản phẩm khác gồm gạo Nếp vải, bánh chưng Bờ Đậu và mật ong.
Trao đổi với chúng tôi, chị Vũ Thị Nhung, đại diện Hợp tác xã sản xuất trà An Thái chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chưa chú trọng nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về làm chè VietGAP, Chương trình OCOP, tôi đã được định hướng và cung cấp kiến thức, phương pháp để nâng cao giá trị sản phẩm chè. Sau đó, tôi mạnh dạn vận động một số hộ làm chè trong xóm thành lập hợp tác xã và cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất sang làm chè an toàn, theo hướng hữu cơ. Đồng thời, chúng tôi cũng chủ động đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy sao chè bằng gas, tôn quay, máy vò inox… để chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất. Nhờ vậy, mặc dù mới thành lập vào năm 2020 nhưng các sản phẩm chè của Hợp tác xã đã được nhiều khách hàng tin dùng. Giá trị sản phẩm chè bán ra cũng tăng cao, với giá dao động từ 250 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/kg. Đặc biệt, mới đây, Hợp tác xã có sản phẩm Trà nõn An Thái được công nhận đạt OCOP 3 sao…
Để tiếp tục khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển nông nghiệp, ông Ma Tiến Kốp, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương cho biết: Giải pháp quan trọng mà huyện hướng tới đó là ưu tiên nguồn lực hỗ trợ nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm; khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm để thương hiệu nông sản địa phương được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm…