Tuyển sinh Đại học Thái Nguyên: Ngưỡng đầu vào phù hợp với thực tiễn

07:45, 13/08/2022

Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) vừa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2022, xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, ngưỡng đầu vào xét tuyển đại học hệ chính quy năm nay tương đương năm 2021, có một số ngành có tăng nhẹ.

Trường Đại học Y - Dược có ngưỡng đầu vào cao nhất, dao động từ 19-22 điểm. Hai ngành có ngưỡng đầu vào cao nhất là Y khoa và Răng - Hàm - Mặt.

Ngưỡng đầu vào của Trường Đại học Sư phạm, Trường Ngoại ngữ và Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp dao động từ 15 đến 20 điểm. Riêng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp có hai ngành tăng 1 điểm so với năm 2021 là: Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ Kỹ thuật ô tô.

Theo công bố, ngưỡng đầu vào của 14 ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học của Trường Đại học Sư phạm là 19 điểm, bằng với ngưỡng Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Trong số đó có ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý vừa được Bộ cho phép Trường Đại học Sư phạm tuyển sinh từ năm 2022.

Nhìn chung, các trường thuộc ĐHTN có ngưỡng đầu vào xét tuyển đại học tương đương năm 2021. Đơn cử như Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh giữ nguyên mức như năm 2021, đó là từ 16 điểm đối với chương trình đại trà và từ 18 điểm trở lên với chương trình đào tạo chất lượng cao.

Đối với Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ngưỡng đầu vào dao động từ 16 đến 19 điểm. Trong đó ngành Kỹ thuật phần mềm (chương trình liên kết quốc tế) và ngành Công nghệ thông tin (chương trình chất lượng cao) có ngưỡng đầu vào cao nhất là 19 điểm.

Tuy nhiên cũng có ngành giảm điểm. Đơn cử như Trường Đại học Khoa học ngưỡng đầu vào từ 15 đến 19 điểm, trong đó có ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y - Sinh thuộc chương trình chất lượng cao giảm từ 20 điểm (năm 2021), xuống còn 19 điểm.

Nhìn lại năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy của 139 ngành đào tạo trình độ đại học thuộc ĐHTN là 12.971 người; 27 ngành đào tạo trình độ cao đẳng là 1.000 người và 25 ngành đào tạo trình độ trung cấp là 360 người. Kết quả tuyển sinh năm 2021 các hệ đào tạo của toàn ĐHTN như sau: Đại học chính quy 11.387 (đạt 87,8%); cao đẳng 1.008 (đạt 100,8%); trung cấp 409 (đạt 113,6%).

Tiếp tục đổi mới phương thức tuyển sinh, năm 2022, các trường thuộc ĐHTN dành một phần chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Các chương trình tuyển sinh theo phương thức này gồm: Đào tạo chất lượng cao, tiên tiến, đào tạo trọng điểm, giảng dạy bằng tiếng Anh, liên kết quốc tế…

Với Khoa Quốc tế, năm 2022, đơn vị tuyển sinh 200 chỉ tiêu. Theo TS. Hà Xuân Linh, Trưởng khoa: Năm 2022, đối với phương thức xét điểm thi THPT Quốc gia, Khoa tuyển sinh 30%, giảm 20% so với năm 2021. Chúng tôi cũng bổ sung phương thức xét tuyển điểm đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội với 20% chỉ tiêu, điểm xét tuyển là 75 điểm trên thang điểm 150. Những trường hợp tuyển thẳng là học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Sinh học, Tin học hoặc cuộc thi khoa học kỹ thuật; có ít nhất 2 học kỳ đạt kết quả học sinh giỏi trường chuyên, cộng điểm học bạ 3 kỳ của 3 môn xét tuyển theo quy định đạt từ 6.5 điểm trở lên; IELTS từ 4.5 điểm; điểm SAT Quốc tế từ 800 điểm… 

Còn với Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên, năm 2022, Nhà trường được giao 1.800 chỉ tiêu tuyển sinh, tăng 336 chỉ tiêu so với năm 2021. Năm nay, lần đầu tiên Trường bổ sung phương thức tuyển sinh theo kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo phân tích của các chuyên gia: Ngưỡng đảm bảo chất lượng năm 2022 của Trường bằng với ngưỡng điểm chung của khối trường y dược mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

TS. Nguyễn Quang Đông, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ học sinh, sinh viên, Trường Đại học  Y - Dược, phân tích: Năm 2021, Trường tuyển sinh đạt 100% chỉ tiêu, một số ngành vượt dưới 10% chỉ tiêu trong ngưỡng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo kết quả trúng tuyển của 2 năm gần đây, điểm trúng tuyển tương đối cao, thấp nhất là ngành Hộ sinh 19,15 điểm, còn trung bình đều từ 24 đến 25 điểm, cao nhất là hai ngành Y khoa và Răng – Hàm - Mặt đều có ngưỡng 26,20 điểm.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh năm 2022 của các trường thành viên thuộc ĐHTN phù hợp với đối tượng và vùng tuyển sinh. Bởi sinh viên học tập tại ĐHTN chủ yếu đến từ vùng khó khăn, có 35-40% là con em dân tộc thiểu số được hưởng chế độ Nhà nước ưu đãi.

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (hay còn gọi là điểm sàn) chỉ là điều kiện cần để thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. Chẳng hạn, điểm sàn của một trường là 17, thì chỉ những thí sinh có điểm thi (bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) từ 17 trở lên mới đủ điều kiện nộp hồ sơ.

Sau khi kết thúc thời gian điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, các trường sẽ tiến hành xét tuyển từ cao xuống thấp dựa trên đăng ký và điểm thi của thí sinh. Tùy vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào từng ngành, điểm chuẩn có thể bằng điểm sàn hoặc cao hơn.