Tuần sinh hoạt công dân-học sinh, sinh viên đầu năm học là hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống và tư tưởng chính trị quan trọng, giúp sinh viên tăng sức “đề kháng” trước những thách thức ở môi trường học tập mới. Qua nhận diện các nguy cơ, các em định hướng được con đường phát triển phù hợp.
Tuần sinh hoạt công dân-học sinh, sinh viên ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. |
Xây dựng lối sống đẹp, lành mạnh
“Trong số các bạn đi học xa nhà hôm nay, có bạn nào khóc vì nhớ gia đình không? Nếu câu trả lời là có thì đó là điều đáng mừng. Đây là những giọt nước mắt của hạnh phúc, bởi nếu không nhớ về gia đình, không thương bố mẹ, người thân thì rất khó để chúng ta yêu thương và trăn trở với những người khác”.
Lời tâm sự của GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở đầu Tuần sinh hoạt công dân-học sinh, sinh viên của nhà trường năm học 2023-2024 đã để lại ấn tượng sâu sắc cho hơn 4.300 tân sinh viên sư phạm. Đây như bài học đầu tiên cho những nhà giáo tương lai, bởi hành trang quan trọng nhất của nghề giáo là tình yêu thương và sự tận tâm.
Những câu chuyện nghề, chuyện đời của một người gắn bó 42 năm với giáo dục được GS, TS Nguyễn Văn Minh trải lòng cùng học trò. Trước nguy cơ tiềm ẩn của mạng xã hội, những cám dỗ ngoài cổng trường, sự tác động xã hội đến nghề giáo, thầy hiệu trưởng cho rằng các sinh viên phải nhận diện và đối mặt với những điều đó và tìm cách thay đổi nó.
GS, TS Nguyễn Văn Minh không chỉ nhắn nhủ những giáo viên tương lai về lẽ sống và bản lĩnh mà còn khẳng định dù nhà giáo còn nhiều tâm tư nhưng “chúng ta vẫn chọn con đường làm nghề giáo, bởi trong sâu thẳm mỗi em đều có tình yêu thương con người và nếu tất cả chúng ta đều bi quan, đều quay lưng lại với nghề giáo thì tương lai con cái chúng ta sẽ thế nào”.
Tâm đắc với những chia sẻ của thầy hiệu trưởng, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trần Việt Phúc (quê Đắk Lắk) bộc bạch: “Những chia sẻ của thầy đã truyền cảm hứng cho các sinh viên, giúp em hiểu rõ hơn về nghề giáo và có ý thức trách nhiệm hơn với nghề trong tương lai”.
Còn với cậu sinh viên Huỳnh Ngọc Kim (quê Quảng Nam) câu nói “thầy rất cảm phục các em vì đã chọn nghề giáo” của GS, TS Nguyễn Văn Minh trước những “dư chấn” của làn sóng giáo viên bỏ việc trong thời gian qua, cho thấy sự trân trọng của thầy với học trò. Nhìn vào khó khăn của ngành giáo dục, Kim cho rằng đây là cơ hội để thế hệ mới “lấp vào những chỗ trống” do giáo viên nghỉ việc để lại.
Mong muốn các tân sinh viên có những kiến thức và kỹ năng vững vàng trong những tháng năm học tập ở đại học, PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, nhấn mạnh: “Lòng nhân ái chính là điểm tựa để mỗi chúng ta vượt qua các thách thức, khó khăn. Ở độ tuổi bây giờ của các em, bắt đầu trưởng thành hơn và mong muốn thể hiện bản thân, rất cần các em nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng nhân ái, học cách sống tử tế và làm việc hiệu quả. Môi trường đại học sẽ là nền tảng, là một xã hội thu nhỏ, là nơi để các em học tập được các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp nhưng cũng là nơi để các em học tập thể thao, học tập văn hóa làm việc, văn hóa ứng xử để phát triển nhân cách một cách tốt nhất”.
Nhận diện các nguy cơ với sinh viên
Khác với môi trường phổ thông, sinh viên mới bước vào ngưỡng cửa đại học có nhiều thay đổi về mọi mặt. Trong bối cảnh đó, việc nhận diện được nguy cơ là vô cùng quan trọng.
Tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Tuần sinh hoạt công dân-học sinh, sinh viên được tổ chức thành 9 khối học với những nội dung phong phú, đa dạng. Bên cạnh các nội dung về quy định, quy chế đào tạo, phổ biến Quy chế người học, văn hóa ứng xử sinh viên, sinh viên còn được cung cấp những vấn đề mới cần quan tâm về đời sống chính trị-kinh tế-xã hội của đất nước.
Đây là cơ hội để sinh viên hiểu biết thêm về tình hình đất nước, có định hướng phát triển bản thân phù hợp. GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng: “Đây là hoạt động quan trọng trong việc chuẩn bị hành trang cho sinh viên bước vào môi trường đại học. Các em được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để hòa nhập và phát triển trong môi trường mới”.
Trong Tuần sinh hoạt công dân-học sinh, sinh viên, các trường đều đưa ra những nguy cơ để nhận diện như: Cách ứng xử với các thông tin trên mạng xã hội; không chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh cá nhân với người lạ. Tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ để kết nối với bạn bè, thầy cô, tránh xa các tệ nạn xã hội. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, thầy cô khi gặp khó khăn...
Lần đầu tiên ra Hà Nội, cô sinh viên người Khơ Mú Xeo Thị May My (quê Nghệ An) tỏ ra khá lo lắng. Em My chia sẻ: “Ngoài nội dung thuộc về quy định chung như các quy chế, chế độ chính sách sinh viên, chúng em được học thêm chuyên đề nhằm tăng cường kỹ năng xã hội nhận thức được các chiêu thức lừa đảo sinh viên”.
Trong chuỗi hoạt động tuần lễ định hướng cho sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), sinh viên được tham gia buổi tọa đàm với chủ đề “Những trải nghiệm hữu ích cần có”, nhấn mạnh một số nội dung như cảnh báo về cạm bẫy mà sinh viên mới thường mắc phải và nền tảng giúp các sinh viên tạo ra nguồn thu nhập hợp pháp.
Lê Đăng Quốc, sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết nhà trường đã lưu ý sinh viên cần cập nhật thường xuyên và sử dụng thông tin chính thống từ website của trường. Sinh viên cũng cần đối chiếu thông tin với tổ chức đoàn, hội, liên chi đoàn đối với các fanpage được lập ra dưới danh nghĩa hoạt động công tác xã hội, đội nhóm. Đồng thời, sinh viên cần tuyệt đối bảo mật các thông tin cá nhân.
Tuần sinh hoạt công dân-học sinh, sinh viên đầu năm học góp phần quan trọng trong xây dựng thế hệ sinh viên có tài, có đức. Tuy nhiên, để hoạt động này đi vào thực chất, các trường cần đổi mới nội dung, phương thức giáo dục, bám sát thực tiễn cuộc sống, phù hợp với nhu cầu, sở thích của sinh viên. Các hoạt động trải nghiệm thực tiễn sẽ hấp dẫn, thu hút sự tham gia của sinh viên. Nhà trường cũng cần cải thiện hơn môi trường giảng dạy, học tập và hỗ trợ sinh viên.
Dự Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 18-8-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành giáo dục tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời, hiệu quả 6 vấn đề nổi lên đối với ngành giáo dục. Trong đó, phải kiên quyết, kiên trì không cho ma túy, tệ nạn xã hội vào học đường, xâm hại đến sức khỏe, đạo đức và nhân cách của học sinh, sinh viên; phải khắc phục bằng được tình trạng bạo lực trong học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học cho học sinh, giáo viên trong mọi hoàn cảnh... |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin